Bộ Y tế cho biết, ngày 2 tháng 8 năm 2021, Việt Nam tiếp nhận thêm 1.188.000 liều vắc-xin COVID-19 AstraZeneca từ Cơ chế COVAX, nâng tổng số vắc-xin COVID-19 hỗ trợ cho Việt Nam lên 8.681.300 liều.
Đến nay, trong số 8.681.300 liều vắc-xin do Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca.
Tính đến ngày 01/8/2021, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 6,4 triệu liều vắc-xin COVID-19, trong đó có 659.064 người đã được tiêm liều thứ hai.
Nguồn vắc-xin bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành còn rất chậm.
Thậm chí có địa phương vắc-xin vẫn để tại kho trung ương mà không lấy, không tiêm. Có địa phương lại triển khai rất chậm, quá thận trọng. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn nhiều lần tiêm chủng nhưng các địa phương vẫn quá dè dặt.
"Các địa phương phải huy động tổng lực, có vắc xin gì tiêm vắc xin đó để có kinh nghiệm. Tất cả vắc-xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước đã sử dụng.
Cần tiêm ngay trong vùng phong tỏa, càng vùng phong tỏa thì càng phải tiêm nhanh. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải sàng lọc sớm, sàng lọc trước để đẩy nhanh tốc độ. Tất cả người trên 18 tuổi đều được tiêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vắc-xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
1. Vắc-xin COVID-19 Vắc-xin AstraZeneca
Do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 8.716.290 liều sau 15 đợt giao vắc-xin AstraZeneca, được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021, hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
2. Vắc-xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V)
Do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng tại 49 quốc gia với tổng số vắc-xin đã sử dụng khoảng 85 triệu liều.
Giữa tháng 3/2021, Việt Nam tiếp nhận 2.000 liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ và sử dụng cho gần 900 người.
Ngày 1/8, Việt Nam nhận thêm 10 nghìn liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga tặng.
3. Vắc-xin Vero Cell của Sinopharm
Vắc-xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.,- Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Đến nay, Vắc-xin này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng.
Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vắc-xin Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm xong 88.100 liều mũi 1 và sẽ tiến hành tiêm mũi 2 từ ngày 4/8. Riêng Bình Liêu Quảng Ninh đã đạt độ bao phủ tiêm vaccine đối với 50% dân số toàn huyện.
4. Vắc-xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech
Vắc-xin này đã được sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều đã được sử dụng.
Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều Vắc-xin Pfizer và đang triển khai tiêm chủng.
5. Vắc-xin Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna)
Do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều Vắc-xin Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua COVAX Facility và đang triển khai tiêm chủng.
6. Vắc-xin Janssen
Vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận vắc-xin này.
V.LinhBạn đang xem bài viết 6 loại vắc-xin COVID-19 đã được Việt Nam cấp phép: 5 loại đang tiêm, 1 loại chưa có tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].