1. Bạn bị nhiễm hành vi của cha mẹ
Nếu tuổi thơ bạn thường nghe bố mẹ nói "Nhà mình không có tiền", "Công việc gì cũng phải cố gắng gắn bó", "Nhà mình không có máy in tiền",... những câu nói đí sẽ đi sâu vào tiềm thức của bạn.
Trong những niềm tin của chúng ta, có phần không nhỏ là ảnh hưởng từ cha mẹ. Nó tác động đến thái độ với công việc, cách chi tiêu mua sắm, lối sống của chúng ta.
Những sự hạn chế và tước đoạt khi còn nhỏ khiến bạn có xu hướng căng thẳng, áp lực. Những nhiệm vụ đơn giản sẽ trở nên khó khăn hơn với bạn, thậm chí những khó khăn nho nhỏ cũng có thể khiến bạn mất động lực.
2. Bạn bận tâm với những gì người khác nói
Nhiều người phải vay tiền để tổ chức đám cưới, mua một chiếc váy với giá tiền bằng 2-3 tháng lương, hoặc nhịn ăn nhịn mặc để tổ chức đám cưới cả trăm mâm.
Nhưng bạn có biết, nữ diễn viên Keira Knightley mặc chiếc váy cưới cũ từ 5 năm trước, và đó không phải lần đầu cô mặc chiếc váy đó đi dự sự kiện. Nhưng chẳng có vấn đề gì xảy ra. Họ hàng không hề có ý kiến và hàng xóm cũng không khinh thường cô.
Nếu bạn có điều kiện kinh tế thì việc tổ chức đám cưới hoành tráng chẳng có gì sai, nhưng nếu cả nhà phải dồn hết tiền bạc cho một đám cưới rồi nợ nần chồng chất thì đó là kiểu tư duy nghèo khổ.
3. Bạn đặt sai ưu tiên
Các nhà kinh tế học nghiên cứu về nghèo khổ tin rằng khi một người ở trong tình trạng tài chính xấu, họ sẽ cố gắng thoát khỏi cuộc sống buồn chán đó.
Có lẽ đó là lý do vì sao ở Indonesia, tới 40% thu nhập gia đình được dành cho hội hè và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Mỹ, người ta thường lấy tiền trợ cấp mua bò bít tết, tôm hùm xa xỉ, còn ở Morocco, người dân thường mua máy phát đĩa và TV nhưng chỉ ăn bánh mỳ với trà ngọt.
Người nghĩ mình nghèo thường tự đặt bản thân ở vị trí thấp hơn người khác. Để chứng tỏ với người ngoài rằng mình có tiền, họ sẽ mua những món quà đắt tiền, lấy hết tiền ra chiêu đãi khách và mua điện thoại trả góp tới hàng năm trời.
4. Bạn giải tỏa căng thẳng bằng cách mua sắm
Người gặp khó khăn tài chính thường hay căng thẳng, và mức độ căng thẳng ngày càng tăng cao. Nó ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung và cách tư duy.
Cảm giác nghèo khổ có ảnh hưởng đến bộ não ngang với một đêm không ngủ. Con người có thể đưa ra những quyết định tệ hại như mua sắm bằng thẻ tín dụng, mua hàng vô giá trị và quên thanh toán hóa đơn.
Khả năng tự chủ giảm không phải vì người đó không muốn thay đổi tình hình, mà vì lượng cortisol cao và thiếu tập trung gây ra bởi các vấn đề tài chính.
5. Bạn không có mục tiêu hay ước mơ
Nhiều người cố gắng thoát khỏi cảm giác nghèo khổ bằng cách làm việc nhiều hơn. Vấn đề của giải pháp này là nó khiến người ta không có thời gian để ước mơ, đặt mục tiêu, thư giãn hay tận hưởng cuộc sống - người ta chỉ biết cắm mặt vào làm việc, như chàng trai trên bức tranh này.
Theo một nghiên cứu năm 2017 của ĐH London về ảnh hưởng của nghèo khổ đến quá trình đưa ra quyết định của con người, người có thu nhập thấp có xu hướng cảm thấy mình không thể thay đổi điều gì hoặc ảnh hưởng đến tình hình hiện tại.
Do đó họ không đặt mục tiêu và không cố gắng để đạt mục tiêu ấy.
Cảm xúc hàng ngày ảnh hưởng đến cách chúng ta lên kế hoạch cho cuộc đời của mình. Khi chúng ta buồn, chúng ta chỉ mong trốn tránh thực tại thay vì đặt hy vọng vào tương lai. Kết quả là chúng ta đánh mất lợi ích về lâu dài.
Khi chúng ta vui và hào hứng với cuộc sống, chúng ta dễ nghĩ về tương lai hơn, lập kế hoạch và biến chúng thành hiện thực.
6. Bạn không thể tăng mức thu nhập của mình
Đôi khi bạn cảm thấy mình bị kẹt trong cùng một mức thu nhập. Bạn có thể thay đổi công việc hoặc làm chăm chỉ hơn, nhưng điều đó vẫn không thay đổi được mức thu nhập đó. Nó giống như một ngưỡng cố định mà bạn không thể vượt qua.
Và bạn thường nghĩ: "Muốn có thêm tiền, mình phải làm 60 tiếng/ tuần, có bằng thạc sĩ, hoặc là phải có quan hệ" và "Nhiều tiền hơn tức là nhiều trách nhiệm và vấn đề hơn, nhưng mình đã mệt mỏi lắm rồi".
Một người quen với tình trạng tài chính hiện tại, có thể sẽ cố gắng sống bằng số tiền ít ỏi đó và thậm chí cảm thấy không thoải mái nếu mức lương bỗng... cao hơn.
Nếu một người được nhận thưởng, họ có thể tiêu hết số tiền thưởng chỉ trong vài ngày mà chẳng nhận ra. Nếu họ được mời làm việc vói dự án ngoài công việc hiện tại, họ sẽ nói mình quá bận và làm lỡ cơ hội.
Thói quen sống với thu nhập cố định khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể cho bạn thu nhập cao hơn bình thường.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 6 dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nhiễm 'virus nghèo khổ' tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].