Bên dưới đồ nội thất
Khi bạn nhìn xuống gậm giường hoặc ghế sofa sẽ thấy rất nhiều bụi bẩn nhưng bạn sẽ còn ‘sốc’ hơn khi nhìn thấy những gì bám vào khung giường, bên dưới ghế ngồi và cạnh bàn.
Hãy dùng máy hút bụi hoặc chổi lông gà để quét mạng nhện và bụi bẩn ở những khu vực này ít nhất hai lần mỗi năm.
Tường và ván gỗ ghép chân tường
Thử kéo rèm ra và bật hết đèn lên, bạn sẽ bất ngờ khi thấy tường bám đầy bụi, nhất là khi dùng giấy dán tường.
Hãy bắt đầu lau bụi từ trên xuống dưới, sử dụng một cái chổi quét bụi hoặc miếng dán bụi. Sau đó lau những hạt bụi rơi xuống công tắc đèn hoặc nắm đấm cửa.
Bạn cần chú ý đến cả những miếng gỗ ghép chân tường vì những bờ rìa cũng là chỗ tập trung rất nhiều bụi.
Ở các phòng có độ ẩm cao như nhà tắm hoặc nhà bếp, bạn cần lau những miếng gỗ ghép này bằng vải ẩm.
Nóc tủ, cạnh trên cửa ra vào và khung ảnh
Khi đang dọn dẹp, đừng quên nhìn lên phía trên, bạn sẽ thấy rất nhiều bụi - chúng ta thường bỏ quên những khu vực ngoài tầm mắt.
Thi thoảng, hãy dành thời gian dọn cạnh trên cửa ra vào, nóc tủ, khung ảnh, góc trần nhà, đồng thời, làm vệ sinh cả bóng đèn và quạt trần.
Chiếc chổi quét bụi sử dụng một lần với tay cầm có thể kéo ra kéo vào là công cụ tốt nhất để hút bụi và dọn dẹp mạng nhện.
Nếu không, bạn có thể dùng khăn lau microfiber, cố định vào cán chổi bằng dây chun.
Màng lọc của máy điều hòa
Bên trong máy điều hòa có những tấm lọc – không khí trong phòng (bao gồm cả bụi bẩn) đi qua những tấm lọc này vào hệ thống xử lý rồi được đưa trở lại phòng.
Nếu màng lọc không được làm sạch thường xuyên, bụi sẽ theo đó mà được phả lại vào phòng.
Do vậy, dù bạn sử dụng loại màng lọc nào, hãy rửa hoặc thay màng lọc định kỳ để lọc khí được hiệu quả.
Máy hút bụi và các loại chổi
Nếu các loại chổi của bạn đều bẩn thì khi lau dọn không thể sạch được. Lần cuối bạn làm vệ sinh các loại chổi và máy hút bụi là khi nào?
Với máy hút bụi, bạn chỉ cần đổ bụi bên trong cốc đựng hoặc bỏ túi đựng bên trong đi.
Tuy nhiên, chiếc cốc này cũng cần được lau rửa cẩn thận hàng tháng, thường là với nước nóng cùng xà phòng rồi để khô và nhiều loại vải lọc cần được giặt hoặc thay thường xuyên.
Với chổi lau nhà, cần loại bỏ hết các cọng tóc bám trên đầu chổi và giặt chổi bằng nước nóng có pha chất tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.
Nên nhớ, các loại mút và giẻ lau bếp cũng là một ổ bệnh nếu không được vệ sinh cẩn thận.
Cây cảnh trong nhà
Dù bạn trồng cây thật hay bày cây giả bằng lụa, những chậu cây này cũng tích tụ rất nhiều bụi.
Thật may mắn là, để lau chùi những chậu cây thật rất dễ dàng: bạn chỉ cần mang vào nhà tắm và xối qua bằng vòi hoa sen.
Trong trường hợp cây quá to, không thể di chuyển được, bạn có thể dùng giẻ microfiber hoặc miếng dán bụi để lau từng chiếc lá.
Để vệ sinh cây giả, bạn nên dùng giẻ hoặc mang ra ngoài sân, dùng máy sấy bật ở chế độ làm mát để thổi bụi.
Với lá hoặc hoa giả, bạn có thể cho chúng vào một túi giấy, bên trong đổ nhiều muối hạt hoặc baking soda rồi lắc thật mạnh. Như vậy, bụi bẩn sẽ được giữ lại gần hết. Trước khi trưng bày, bật máy sấy ở chế độ làm mát để loại bỏ những bụi bẩn còn sót lại.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết 6 chỗ thường bị bỏ quên mỗi khi dọn dẹp tại chuyên mục Mẹo vặt Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].