1. Điểm yếu của bạn là gì?
Đừng cười đùa về những điểm yếu của mình và trả lời qua loa. Tay vào đó hãy thú nhận một cách chân thành.
Điều quan trọng nhất người phỏng vấn bạn muốn thấy là cách bạn biến điểm yếu của mình thành lợi thế.
Ví dụ, một năm trước kỹ năng tiếng Anh của bạn khá kém, nhưng bạn đã đăng ký một khóa học ngoại ngữ và giờ đã có thể nói tiếng Anh trôi chảy.
Không có ai là hoàn hảo không khuyết điểm, song nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn thừa nhận điểm yếu của mình và cố gắng thay đổi.
2. Đồng nghiệp của bạn sẽ mô tả bạn như thế nào?
Khi gặp câu hỏi này nhiều người có thể muốn nói theo kiểu châm biếm hoặc là thẳng thừng khen ngợi bản thân.
Tuy nhiên bạn không nên làm như vậy. Mục đích của nhà tuyển dụng là để xem liệu ứng viên có thể đánh giá bản thân một cách khôn ngoan từ góc nhìn của người ngoài.
Bạn có thể trả lời kiểu: "Tôi nghĩ mọi người trân trọng tôi nhất ở điểm..." và liệt kê những điểm mạnh sau đó. Ví dụ bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp chẳng hạn.
Câu trả lời này không quá khoa trương nhưng đồng thời cũng là một cơ hội thể hiện mặt tốt của bạn cho nhà tuyển dụng.
3. Nếu là một loại quả, bạn sẽ là quả gì?
Mục đích của những câu hỏi trừu tượng như thế này là để xem phản ứng của ứng viên khi phải đối mặt với chúng.
Họ sẽ bối rối, bỏ qua hay nói rằng mình không hiểu câu hỏi? Tất cả những điều này có thể cho nhà tuyển dụng thấy người này sẽ hành xử ra sao trong những tình huống bất ngờ tại nơi làm việc.
Không có câu trả lời đúng cho loại câu hỏi này. Việc bạn chọn cam hay táo không quan trọng (tuy nhiên, nếu bạn chọn một loại quả lạ nào đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá cao suy nghĩ khác thường của bạn).
Điều quan trọng nhất là đừng lo lắng mà hãy trả lời bình tĩnh, mỉm cười và giải thích câu trả lời của bạn.
4. Hãy mô tả bản thân bạn bằng một từ?
Bạn có thể sử dụng cả tính từ và danh từ để mô tả bản thân. Đừng chọn từ ngữ ngẫu nhiên mà hãy dựa trên vị trí công việc bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ nếu bạn đang ứng tuyển vị trí trưởng phòng, hãy trả lời, "Người lãnh đạo".
Ngoài ra có một số câu trả lời phổ biến có thể dùng trong nhiều trường hợp như “người thực tế” hoặc “người hướng ngoại”.
5. Nếu chúng tôi ngừng trả lương cho bạn, bạn có tiếp tục làm việc với chúng tôi không?
Thông thường, các ứng viên trả lời "có" bởi vì họ nghĩ rằng đây chính xác là những gì nhà tuyển dụng đang mong đợi ở họ - sự cống hiến và gắn kết với công ty.
Song thực tế, nhà tuyển dụng có thể muốn nhân viên phải biết giá trị của kỹ năng chuyên môn họ có.
Vậy nên câu trả lời phù hợp nhất phải là "Tôi không chắc".
6. Bạn có câu hỏi nào không?
Đây thường là câu hỏi kết thúc cuộc phỏng vấn. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị trước và quyết định xem bạn sẽ hỏi nhà tuyển dụng điều gì.
Đừng hỏi những thứ bạn có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời trong phần mô tả công việc hoặc trên website của công ty.
Đồng thời, bạn vẫn nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Ví dụ, bạn có thể hỏi lý do tại sao nhân viên trước đây ở vị trí này lại rời đi.
Đây là câu hỏi "một mũi tên trúng hai đích", bạn vừa chứng minh được kỹ năng phân tích của bản thân, vừa có thể tránh được những sai lầm của người tiền nhiệm nếu bạn được nhận vào làm việc.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 6 cách trả lời những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn việc làm tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].