1. Chọn đúng thời gian, địa điểm
"Thời gian là tất cả và bạn cần phải loại bỏ những phiền nhiễu. Cố gắng nói chuyện khi chồng bạn đang xem bóng đá hoặc ngay trước khi đi ngủ có lẽ không phải ý hay", tiến sĩ Terri cho biết.
Theo cô, thông thường cuộc trò chuyện sẽ liên quan đến chúng ta hơn người khác. Chúng ta muốn nói về điều gì đó trong tâm trí mình, vậy nên chúng ta chỉ muốn nói ngay lập tức ngay khi thuận tiện với bản thân. Nhưng thời điểm đó chưa chắc là thuận tiện cho đối phương.
Bạn cần chọn thời gian và địa điểm thích hợp khi xung quanh yên tĩnh và không có ai khác, ví dụ giờ ăn tối hay khi hai vợ chồng đi bộ sau bữa ăn.
Hoặc bạn cũng có thể nói chuyện khi cả hai đang lái xe đi đâu đó.
"Đàn ông ngồi cạnh nhau, song song để giải quyết vấn đề, ví dụ như khi cả hai ngồi trên ô tô. Trong khi đó phụ nữ lại nói chuyện ngồi mặt đối mặt", TS Terri chia sẻ.
2. Cân nhắc ngôn từ
Đàn ông và phụ nữ có cách lắng nghe khác nhau. Phụ nữ thích nói chuyện như một cách để gắn kết. Họ thích nói ra mọi thứ.
Trong khi đó đàn ông có thể hiểu lầm là bạn đang có vấn đề khúc mắc và ngay lập tức nghĩ xem "Mình đã làm gì sai?"
Bởi vậy, trước khi bắt đầu điều bạn muốn nói, hãy dùng một câu khẳng định tích cực.
Ví dụ bạn hãy nói với chồng "Anh làm rất tốt" hoặc "Cảm ơn anh đã giúp đỡ em hôm qua" để khiến chồng bạn thấy thoải mái, thư giãn hơn.
Khi đó họ sẽ sẵn lòng cởi mở lắng nghe phần còn lại của cuộc trò chuyện hơn.
3. Dùng ngôi thứ nhất thay vì ngôi thứ hai
Những câu nói như "Anh lúc nào cũng phớt lờ em" hoặc "Anh chẳng bao giờ cất quần áo cả" sẽ khiến người nghe vào thế phòng thủ vì câu nói của bạn đang kết tội họ.
Thay vào đó, bạn nên nói "Em không thích việc anh vứt quần áo trên sàn" hay "Em rất buồn khi em cố gắng nói chuyện nhưng không được lắng nghe".
Hãy dùng ngôi thứ nhất để chồng hiểu cảm xúc của bạn và hành động của anh ấy đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
4. Tránh nhắc lại chuyện cũ
Khi tranh cãi nổ ra, tất cả chúng ta thường có một thói quen là nhắc lại tất cả những điều sai trái của chồng và đào bới quá khứ.
Điều này chỉ khiến chồng càng phớt lờ bạn và lần sau khi bạn muốn nói chuyện, anh ấy sẽ nghĩ bạn lại sắp lôi chuyện cũ ra và không chú ý đến những điều bạn nói nữa.
Hãy giữ cuộc trò chuyện đi đúng hướng. Nếu bạn thấy mình đang tức giận, hãy hít thở sâu để thư giãn.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn có xu hướng bới móc chuyện cũ, hãy tạm gác cuộc trò chuyện và quay lại khi bạn đã bớt căng thẳng.
5. Đưa ra cảnh báo trước
Đàn ông không thích bị bất ngờ. Nếu bạn muốn nói về một việc hay vấn đề nào đó khiến bạn khó chịu, hãy cảnh báo trước.
Bạn hãy gửi tin nhắn thông báo với chồng rằng bạn muốn dành thời gian để nói chuyện.
Thậm chí bạn có thể gọi điện cho chồng để hẹn một thời gian cụ thể để nói chuyện. Tiến sĩ Terri cho biết, điều này sẽ giúp nam giới chuẩn bị tâm lý.
6. Làm gương cho chồng
Cách tốt nhất để được lắng nghe là hãy lắng nghe. Đó là quy luật có đi có lại, theo TS Terri khẳng định.
Bạn nên chú ý lắng nghe khi chồng nói chuyện với mình, làm tấm gương tốt để chồng bạn sẽ làm điều tương tự trong tình huống ngược lại.
Vậy, lần tới khi chồng bạn nói chuyện với bạn, bạn hãy dành sự chú ý tuyệt đối cho anh ấy. Hãy tắt TV, điện thoại hoặc gập cuốn sách bạn đang đọc lại.
Bạn càng hành động theo cách bạn muốn được đối xử, thông điệp sẽ càng thấm sâu và anh ấy sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của mình.
Cách này có thể không hiệu quả ngay trong một ngày hay một tuần, nhưng theo thời gian, bạn chắc cahwsn sẽ nhận ra sự thay đổi ở chồng mình.
(Theo Considerable)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 6 bí quyết khiến chồng lắng nghe vợ, chị em nên thuộc nằm lòng tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].