Cả gia đình 5 người cùng mắc COVID-19
Anh H.V.N. (48 tuổi) sống ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội vốn là một người khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Trong thời gian đi cách ly tập trung ở Thanh Trì được khoảng hơn 10 ngày thì anh N. có triệu chứng mắc COVID-19.
“Lúc đầu tôi thấy sốt cao tới 39-40 độ C, sốt rất cao, người khó chịu, không thở được… Tôi rất sợ mình sẽ bị mắc bệnh và cũng nghĩ rằng nếu mắc cũng không bị nặng vì trước đó tôi rất khỏe mạnh, không có bệnh gì.
Khi được thông báo kết quả dương tính, tôi cảm thấy rất lo, nhất là khi các triệu chứng càng ngày càng nặng lên, sốt cao hơn; đặc biệt là tôi rất sợ cảm giác khó thở; cảm giác cứ tăng dần lên như bị ai bịt mũi.
Tình trạng khó thở ngày càng tăng lên khiến tôi không thở nổi. Trước khi rơi vào hôn mê tôi chỉ biết tập thở, cố gắng hít sâu liên tục, bác sĩ cũng luôn ở bên cạnh hướng dẫn, động viên” – anh N. chia sẻ.
Bệnh nhân N. được chuyển đến BV Thanh Nhàn điều trị trong tình trạng rất nặng, hôn mê. Nằm viện mấy ngày liền mà anh N. vẫn luôn mê mê tỉnh tỉnh, không biết mình đang ở đâu.
Đến khi tỉnh và nhận thức xung quanh được anh biết mình đã sống lại: “Khi bắt đầu tỉnh lại, tôi vẫn cảm thấy khó thở như trước lúc trở nặng; lúc đó tôi vừa tỉnh vừa mê cũng không biết cảm giác sợ, chỉ biết như sống lại lần nữa”.
Để nhanh chiến thắng bệnh COVID-19 anh N. phải tập thở liên tục hàng ngày, phải cố gằng hít thở thật sâu vào.
“Tôi chưa bao giờ thấy thở thôi cũng khổ như thế. Cảm giác thở rất mệt, rất khổ sở, phải kéo hơi vào phổi. Động lực giúp tôi cố gắng là chỉ biết nghe theo bác sĩ, nếu không sẽ chết.
Những lúc bệnh trở nặng tôi tưởng mình sắp chết, không thở nổi nữa. Lúc đó tôi cảm thấy không thể cố được nữa, tôi buông xuôi nằm yên, và tôi bắt đầu rơi vào hôn mê, không thở được nữa nhưng trong đầu tôi vẫn biết, tôi nghĩ mình sẽ chết.
Nhưng may mắn là tôi đã vượt qua được. Tôi nghĩ bệnh này phải cố gắng rất nhiều, nếu bệnh nhân nào không cố gắng thì khó qua khỏi” – anh N. nói.
Những ngày anh N. nằm viện điều chị, người nhà liên lạc vào nhưng anh không nói được mà chỉ nhắn tin. Cả người nhà và các bác sĩ luôn động viên anh cố gắng, vì vậy mà anh N. có thêm độc lực cố gắng tập thở hàng ngày để vượt qua bạo bệnh.
Anh N. cũng cho biết, cả gia đình anh có 5 người bị mắc COVID-19. Trong đó có anh và một người thân của anh bệnh nặng nhất, còn lại mọi người đã khỏe lại, đều đã ra viện. Bây giờ người nhà anh N. đã có thể vào viện vào chăm sóc anh.
Bản thân là người từng mắc COVID-19 và phải chiến đấu với bệnh tật nên anh N. rất thấu cảm giác khó chịu, khổ sở do bệnh gây ra. Vì vậy mà anh mong mọi người cố gắng phòng dịch thật tốt để tránh lây nhiễm bệnh.
Can thiệp ECMO – Vũ khí cuối cùng cứu bệnh nhân COVID-19
Nói về trường hợp bệnh nhân N., bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân N. là trường hợp mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) đầu tiên tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh nhân N. đã trải qua 50 ngày chiến đấu với bệnh COVID-19, đã được sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị như thở máy, lọc máu và chạy ECMO.
Bệnh nhân được chuyển viện tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng khó thở, suy hô hấp không đáp ứng thở máu xâm nhập. Hình ảnh chụp CT cho thấy bệnh nhân bị đông đặc 2 phổi, phổi tổn thương tới 80%. Nếu không can thiệp ECMO bệnh nhân khó có thể qua khỏi. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã quyết định can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân.
ThS.BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân đã có tổn thương phổi do COVID-19, luôn trong tình trạng khó thở, thở nhanh, đôi lúc vật vã kích thích do tình trạng thiếu oxy, kết hợp tình trạng các dấu hiệu của cơn bão cytokine bùng phát.
Thời khắc để quyết định chạy ECMO là thời điểm bệnh nhân suy hô hấp rất nặng, cảm giác như bệnh nhân đã ngừng tim, oxy thấp, SpO2 xuống dưới 55%, mạch bắt đầu có biểu hiện chậm, đặc biệt chỉ số huyết áp bắt đầu không đo được.
Các bác sĩ phải dùng hỗ trợ các thuốc động mạch kết hợp đặt ống nội khí quản, sớm đưa đến quyết định lựa chọn phương pháp đặt ECMO. Theo bác sĩ Hương, can thiệp ECMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và là vũ khí cuối cùng để có thể cứu sống được cho bệnh nhân COVID-19.
Và rất may mắn là bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện. Bệnh nhân được xuất viện là niềm vui không chỉ của bệnh nhận mà còn cả đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên của Bệnh viện Thanh Nhàn can thiệp ECMO thành công cứu sống được bệnh nhân COVID-19 nặng trở về cuộc sống bình thường. Trong cuộc chiến cứu lại mạng sống người bệnh thoát khỏi các biến chứng nặng của COVID-19 thì ECMO là biệt pháp cuối cùng.
Qua ca bệnh này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định Hà Nội đã chuẩn bị sãn sàng mọi kế hoạch cho các trường hợp mắc COVID-19 chuyển biến nặng. Hiện nay, số ca bệnh nặng phải điệu trị tại tầng 3 của thành phố chỉ chiếm 5-6%. Thành phố cũng đã kích hoạt 2 bệnh viện ở tầng 3 để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
An AnBạn đang xem bài viết 50 ngày chiến đấu với bệnh COVID-19, luôn trong tình trạng khó thở như bị ai bịt mũi tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].