Khung cảnh này rất quen thuộc: Bạn ngồi trước máy tính, làm việc hoặc xem phim suốt mấy tiếng đồng hồ, và bắt đầu buồn ngủ.
Bạn tắt máy, nghĩ bụng sẽ nằm làm một giấc ngon lành đến sáng. Nhưng không, hai mắt bạn vẫn mở thao láo và thế là bạn phải vớ lấy chiếc điện thoại bên cạnh. Khi kịp nhìn lại thì đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng.
Hãy tưởng tượng bạn thường xuyên thức đến sáng chẳng để làm gì như thế trong vài tuần, vài tháng hay cả năm.
Thuốc ngủ, thuốc an thần hay các loại trà giúp ngủ sâu đều không phải biện pháp lâu dài. Hãy thực hiện ngay từ hôm nay 5 lời khuyên sau của Tiến sĩ Wendy Troxel – chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ - để có thể cải thiện làn da, thể chất và tinh thần bạn nhé.
1. Đánh lừa’ tâm trí
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao lúc đang nghe nhạc xem phim thì thấy rất buồn ngủ, nhưng lên giường thì lại không sao ngủ nổi không?
Điều này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng thực tế bộ não của chúng ta giống như một nhóm bạn luôn không ngừng trao đổi và trò chuyện với nhau.
Khi một ‘đứa’ trong nhóm muốn xem phim, nó yêu cầu lũ bạn bớt ‘chém gió’ để nó được tập trung. Tâm trí bạn tiếp thu bộ phim một cách thụ động, và ‘lũ bạn’ kia cũng đang im lặng, thế nên tâm trí bạn hoạt động không mấy linh hoạt và dần dần, bạn bắt đầu buồn ngủ.
Nhưng khi lên giường nằm thì khác. Lúc ấy, ‘nhóm bạn’ kia không có gì chen vào giữa, chúng tha hồ mỗi người một câu bàn tán loạn lên trong não bạn.
Đứa này vừa nhắc đến vụ sáng nay bạn bị sếp mắng thì đứa khác đã lôi việc người yêu cũ có người yêu mới lên, và thế là bạn không sao ngủ nổi.
Nếu việc đó diễn ra trong khoảng 15 phút, bạn nên rời khỏi giường, làm một vài bài thể dục giãn cơ nhẹ nhàng, đọc lại một cuốn sách…
‘Chìa khóa ở đây là để ‘đánh lạc hướng’ tâm trí, giúp nó quên đi việc bạn đang mất ngủ và thôi thao thức trên giường. Một khi đã bị đánh lạc hướng bởi những hoạt động khác, rất có thể bạn sẽ buồn ngủ trở lại’. – Tiến sĩ Wendy chia sẻ.
2. Thức dậy vào một giờ cố định
Dù bạn đi ngủ sớm hay muộn, hãy chỉ đặt chuông và thức dậy vào một giờ cố định mà thôi. Việc này sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu và ít bị gián đoạn hơn.
‘Thời điểm bạn thức dậy sẽ ‘cài đặt’ cho đồng hồ sinh học trong não bạn, trí não sẽ có thể ghi nhớ xem khi nào là lúc nên thức dậy mỗi sáng và cả khi nào thì nên đi ngủ để đủ nạp năng lượng’ – Tiến sĩ Wendy chia sẻ.
3. Tắt máy tính và điện thoại
Hãy cùng thừa nhận thẳng thắn với nhau: chúng ta vẫn thường dành một phần thời gian thao thức cho chiếc smartphone của mình.
Quang phổ xanh phát ra từ màn hình điện thoại có khả năng làm rối loạn nhịp sinh học của bạn.
Chưa kể đến vô số nội dung trên mạng nữa: một scandal đang được bàn luận xôn xao khiến bạn phải nghía thử cho khỏi mù thông tin, đâu đó lại có vụ tranh cãi xem nên hay không nên ăn thịt chó – lại phải vào bình luận cái đã, đứa bạn thân vừa đăng một dòng trạng thái đầy tâm trạng trên Facebook – chẳng nhẽ lại ngó lơ…
Làm thế nào? Rất đơn giản, hãy để chiếc điện thoại ở ngoài giường ngủ. Như vậy, khi thức dậy nửa chừng giữa đêm, bạn cũng sẽ… lười nên không bước ra khỏi giường và tìm đến với điện thoại nữa.
Nếu có thể, bạn nên mua một chiếc đồng hồ đặt chuông kiểu truyền thống. Bạn sẽ không phụ thuộc vào chuông điện thoại – thứ báo thức dễ khiến bạn đặt hàng chục giờ mà mỗi giờ báo thức cách nhau chỉ 5 phút.
4. Giảm stress
Bạn sẽ khó có giấc ngủ ngon nếu luôn trong tâm trạng căng thẳng: deadline đang dí sau lưng, cãi nhau với người yêu, công việc không như ý…
Dù là gì đi nữa, hãy tìm cách để cơ thể được thư giãn khi đang nằm trên giường và bỏ những vướng bận ra khỏi tâm trí.
Tương tự với lời khuyên thứ hai, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải ‘cắt giảm’ tối đa mọi hoạt động liên quan đến công việc, các quan hệ xã giao… trên khu vực giường ngủ.
Hãy tạo một không gian làm việc riêng và bỏ thói quen mang điện thoại hay laptop lên giường để làm việc.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia các lớp học Yoga hay đơn giản là học những động tác cơ bản trên mạng để thư giãn về thể chất lẫn tinh thần.
Một điều quan trọng khác, đó là đừng quên chú ý đến những giấc mơ của bạn. Những giấc mơ có thể nói lên khá nhiều về sức khỏe tinh thần.
Đôi khi, có những điều khiến bạn stress nhưng tâm trí đã vùi sâu chúng vào ban ngày, và chỉ trong giấc ngủ bạn mới thấy chúng qua tiềm thức.
Điều này hoàn toàn khác với những ‘công thức’ giải đoán giấc mơ có thể tìm kiếm trên mạng, mà đòi hỏi bạn cần hiểu rõ chính mình và chú ý tới tâm trạng của bản thân.
5. Chuẩn bị giường ngủ cẩn thận
Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng hãy thường xuyên làm sạch chăn đệm, ga trải giường của bạn, đồng thời sử dụng những loại nước xả vải có mùi hương nhẹ nhàng.
Bạn cũng cần chú ý chọn loại gối không quá cao, có độ mềm vừa phải đều tạo cảm giác thư giãn và giúp ngủ sâu hơn.
Dù bạn có ở một mình đi nữa, đừng bao giờ để giường ngủ bừa bộn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiếc giường bừa bộn sẽ khiến bạn ‘buông lỏng’ bản thân và dễ rơi vào các thói quen sinh hoạt không lành mạnh hơn – một trong số đó chính là thức quá khuya.
Hãy luôn chắc chắn rằng mình có một không gian ngủ thoải mái, một giấc ngủ sâu để nạp lại năng lượng sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Mai HoaBạn đang xem bài viết 5 tuyệt chiêu để có một giấc ngủ sâu không mộng mị tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].