Cảm cúm là bệnh hay gặp, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức về bệnh này là hết sức cần thiết. Cùng tìm hiểu triệu chứng của bệnh cảm cúm qua bài viết dưới đây nhé!
Cảm cúm là gì?
Cảm cúm hay còn gọi tắt là một bệnh đường hô hấp thông thường do vi-rút cúm gây ra. Các triệu chứng của cúm bao gồm: sốt, đau đầu, nhức đầu, ho và nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Bệnh thường kéo dài 7- 10 ngày, có khả năng lây lan nhanh và có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ, bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng và gây ra tử vong do biến chứng.
1 Tác nhân gây bệnh cảm cúm
Virus cúm là tác nhân gây nên cảm cúm. Virus cúm phát triển nhanh nên có nhiều biến thể. Chính do đặc tính này nên đã gây nên một số dịch bệnh trong lịch sử.
Virus cúm có 3 type đó là type A, type B và type C. Lớp vỏ của virus cúm cấu tạo từ glycoprotein, chứa 2 kháng nguyên là:
- Kháng nguyên H: có 15 loại, được đánh số từ H1 - H15 và luôn luôn biến đổi.
- Kháng nguyên N: có 9 loại, có biến đổi theo thời gian nhưng không thường xuyên như kháng nguyên H.
Với mỗi loại kháng nguyên kết hợp với nhau sẽ tạo nên những loại virus khác nhau như H1N1, H7N9,... Virus cúm có khả năng tồn tại lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Bệnh cảm cúm do virus cúm gây ra
2 Con đường lây lan
Bệnh cúm có khả năng lây truyền rất nhanh từ người sang người và có thể trở thành đại dịch. Một số con đường lây lan của bệnh có thể kể đến là:
- Đường hô hấp: virus cúm ở người bệnh sẽ lây lan ra ngoài bằng những giọt nước nhỏ li ti khi người bệnh nói chuyện hoặc hắt hơi.
- Tiếp xúc với bề mặt: khi người bệnh hắt hơi, virus cúm có thể tồn tại trên bề mặt trong thời gian ngắn, người lành khi tiếp xúc với bề mặt và cho tay lên mắt, mũi, miệng khiến cho virus tiếp xúc vào niêm mạc gây bệnh.
Cảm cúm lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp
3 Triệu chứng của bệnh cảm cúm
Sốt
Khi virus xâm nhập vào niêm mạc mũi, họng hệ thống miễn dịch nhận biết và tiết ra các chất trung gian gây ra phản ứng viêm cho cơ thể.
Lúc này, phản ứng viêm diễn ra mạnh mẽ, tiết ra nhiều chất trung gian và gây sốt cao, nhiệt độ >38 độ C. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng xuất hiện sốt, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.
Người bệnh cảm cúm thường xuất hiện sốt cao
Đau cơ và mệt mỏi
Khi virus xâm nhập vào cơ thể gây ra phản ứng viêm, giai đoạn này gây nên tình trạng đau cơ, mệt mỏi hay sốt ớn lạnh.
Mặt khác, cơ thể mất rất nhiều năng lượng để hệ miễn dịch hoạt động tạo ra kháng thể giúp tiêu diệt virus nên khi cảm cúm người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi.
Đau cơ có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Ở giai đoạn đầu, có thể nhầm lẫn với những tác dụng phụ của việc hoạt động thể lực quá mức.
Virus cúm có thể gây tình trạng đau cơ cho người bệnh
Ho
Virus tác động vào niêm mạc đường hô hấp kích thích tế bào tăng tiết dịch nhầy làm cho hiệu quả hô hấp giảm đi. Lúc này, ho là một phản ứng của cơ thể để đẩy các chất lạ ra ngoài, giúp đường thở thông thoáng.
Nếu người bệnh đã mắc những bệnh lý nền như hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) rất dễ gây những biến chứng nặng vì tăng tiết dịch nhầy làm tăng phản ứng đường thở và có thể bội nhiễm vi khuẩn kèm theo dẫn đến tăng tiết đàm xanh hoặc đàm đục.
Ho là phản xạ giúp đẩy dịch tiết khỏi đường hô hấp
Đau họng
Đau họng có thể do ho trong thời gian dài gây tổn thương vùng hầu họng và các vùng cổ hoạt động nhiều gây đau vùng họng, cũng có thể do virus tấn công và tạo phản ứng viêm tại hầu họng và gây đau. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu có thể chỉ khó chịu và ngứa vùng cổ họng.
Giai đoạn đầu cảm cúm có thể xuất hiện ngứa họng
Các vấn đề liên quan đến tiêu hóa
Ngoài các triệu chứng đường hô hấp, virus có thể tác động vào hệ tiêu hóa gây nên tình trạng tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn hoặc đau dạ dày.
Cần lưu ý, tiêu chảy, nôn hoặc sốt cao do virus có thể gây nên tình trạng mất nước. Nếu không được điều trị thích hợp có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Cảm cúm có thể gây nên tình trạng nôn ở người bệnh
4 Biến chứng của cảm cúm
Hầu hết cảm cúm đều diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phổi nặng.
- Viêm cơ tim.
- Viêm não.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Suy hô hấp.
- Suy gan, suy thận.
- Làm nặng hơn các bệnh lý nền đang mắc.
Cảm cúm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết
5 Cách chăm sóc cho người bị cảm cúm
Phương pháp điều trị cúm chủ yếu xoay quanh điều trị triệu chứng, chăm sóc để cơ thể nhanh hồi phục hơn, phối hợp cách ly để tránh lây truyền bệnh.
Một số thuốc điều trị để làm giảm triệu chứng có thể kể đến là:
- Hạ sốt: dùng paracetamol khi sốt cao trên 38,5 độ C.
- Bổ sung nước và điện giải: oresol hoặc ringer lactat.
- Suy hô hấp: tùy vào tình trạng bệnh nhân có thể chỉ định dùng oxy gọng, mặt nạ oxy hoặc thông khí nhân tạo.
- Bội nhiễm: sử dụng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm khuẩn.
Khi có chỉ định, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ các thuốc kháng virus như zanamivir and oseltamivir để tránh sự nhân lên của virus.
Nên bổ sung nước và điện giải cho người mắc cảm cúm để tránh mất nước
6 Cách phòng ngừa bệnh cúm
Tiêm phòng vắc xin cúm
Tiêm phòng vắc-xin là phương pháp phòng bệnh chủ yếu để làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như hình thành dịch bệnh. Đây chính là biện pháp giúp giảm nhiều chi phí chăm sóc y tế.
Theo thống kê, vắc-xin làm giảm nguy cơ mắc cảm cúm tương đối cao:
- Những người tiêm phòng chỉ có 20 - 30% mắc bệnh.
- Với người già, giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh.
- Giảm 70 -80% tỷ lệ tử vong do cúm gây ra.
Một số đối tượng nguy cơ cao nên được tiêm phòng cúm có thể kể đến là:
- Người già trên 65 tuổi.
- Nhân viên y tế.
- Trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi.
- Người có bệnh lý nền.
Tiêm phòng vacxin với những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
Để hạn chế lây truyền virus, mọi người nên rèn luyện thói quen rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trong các trường hợp:
- Sau khi đi ra ngoài.
- Sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Sau khi đến những nơi có người mắc bệnh.
Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh
Virus có thể tồn tại ở các bề mặt, đặc biệt là khi nhiệt độ thấp. Chính vì vậy, nên diệt khuẩn thường xuyên vùng có dịch, cũng như vệ sinh các bề mặt như bếp, nhà vệ sinh, bàn phím,...
Vệ sinh bề mặt thường xuyên tiếp xúc để tránh virus phát triển
Bảo vệ mũi, họng
Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để giảm nguy cơ vi khuẩn tiếp xúc với mũi họng. Ngoài ra, còn giúp bảo vệ đường hô hấp hiệu quả.
Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng, đặc biệt khi chưa rửa tay hoặc tiếp xúc với người bệnh nhằm hạn chế virus tiếp xúc niêm mạc mũi, họng.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm
Báo cáo cho địa phương
Khi có người bị bệnh, nên báo cho các cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp cách ly, dự phòng cũng như đối phó với dịch bệnh hiệu quả.
Người bệnh sẽ được cách ly trong buồng riêng và đeo khẩu trang trong suốt thời gian điều trị để hạn chế lây nhiễm nhất có thể.
Báo cho địa phương nếu có người mắc bệnh
7 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Mặc dù cảm cúm có thể điều trị tại nhà nhưng khi xuất hiện những đặc điểm sau, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Xuất hiện triệu chứng của cảm cúm và đang ở trong vùng có dịch cúm nguy hiểm.
- Sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Khó thở.
- Xuất hiện đờm có mùi hoặc màu bất thường như màu xanh, màu vàng.
- Ho ra máu.
- Đau tức ngực.
- Mất nước nặng.
- Các đối tượng như trẻ em, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai.
Khi xuất hiện ho ra máu nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh cảm cúm, người bệnh nên đến chuyên khoa Truyền nhiễm để được thăm khám và điều trị. Tham khảo một số bệnh viện đa khoa uy tín:
- Tại TP.HCM: Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,...
Xem thêm:
- 6 cách trị cảm cúm tại nhà đơn giản, an toàn bạn nên biết
- Phân biệt cảm lạnh với cảm cúm
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về bệnh cảm cúm. Đây là bệnh lý dễ mắc vào mùa đông xuân và lây lan nhanh chóng nên cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Cần đặc biệt lưu ý những đối tượng hay mắc bệnh để có cách xử trí thích hợp.
Bạn đang xem bài viết 5 triệu chứng cảm cúm, cách chăm sóc và ngừa bệnh cúm hiệu quả tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].