Báo Điện tử Gia đình Mới

5 quan niệm sai lầm về bệnh dại, cần làm gì khi bị chó mèo cắn?

Rất nhiều người đang có những hiểu biết sai lầm về bệnh dại dẫn đến chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn. Cần phòng ngừa bệnh dại thế nào cho đúng?

5 quan niệm sai lầm về bệnh dại

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do bệnh Dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Ở nước ta, tính từ năm 2011 đến nay thì đã có gần 1.000 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 54/63 tỉnh, thành phố trong đó 97% do chó và 3% do mèo.

Mỗi năm trung bình vẫn có hơn 500.000 người bị phơi nhiễm. Nếu chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022 thì đã có hơn 367.000 người bị phơi nhiễm và đã có 43 ca tử vong ở 17 tỉnh/thành phố.

Bệnh dại cực kỳ nguy hiểm, chưa có thuốc trị, khi đã có dấu hiệu lâm sàng (lên cơn dại) thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Biện pháp duy nhất để cứu mạng là tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Mặc dù bệnh dại rất nguy hiểm nhưng có nhiều người hiểu biết chưa đúng về bệnh dẫn đến tử vong vì chủ quan không tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm.

Dưới đây là một số quan niêm sai lầm về bệnh dại mà nhiều người đang hiểu sai.

Khi bị chó, mèo nhà nuôi cào, cắn và liếm vào vết thương thì cần đi tiêm phòng dại. Ảnh minh họa

Khi bị chó, mèo nhà nuôi cào, cắn và liếm vào vết thương thì cần đi tiêm phòng dại. Ảnh minh họa

1. Chó, mèo nhà nuôi hoặc chó con, mèo con cắn thì không cần tiêm phòng

Các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo hay những chú chó con, mèo con đều có khả năng bị dại.

Virus dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu cho thấy nó đang bị bệnh dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.

Vậy nên, ngay cả khi bị chó, mèo nhà nuôi cào, cắn và liếm vào vết thương thì cũng cần đi tiêm phòng dại.

2. Chó, mèo đã tiêm phòng dại thì an toàn

Hiện chưa có cơ sở để khẳng định chó, mèo đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại, chỉ là nguy cơ thấp hơn so với không tiêm phòng. Vì vậy, dù vật nuôi đã được tiêm phòng thì những người bị vật nuôi cắn vẫn cần điều trị dự phòng và tiêm ngừa đầy đủ. Nhất là với những trường hợp bị chó, mèo cắn ở vị trí nguy hiểm như vùng đầu, mặt, cổ..., vì ở những vị trí này, virus dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong nhanh chóng.

3. Chó, mèo cắn chảy máu mới gây bệnh dại

Nhiều người cho rằng, chỉ những vết chó, mèo cắn chảy máu mới gây bệnh dại. Nhưng thực tế, virus dại thường tồn tại trong nước bọt của động vật và có thể lây truyền qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật (bị dại). Do đó, dù vết thương động vật cắn không chảy máu cũng có khả năng gây dại và cần được điều trị dự phòng.

4. Chữa bệnh dại bằng phương pháp dân gian, thuốc nam

Nhiều người sau khi bị chó, mèo cào, cắn, thay vì đi đến cơ sở y tế để xử lý vết thương, tiêm phòng dại thì lại tìm đến các biện pháp dân gian, dùng các loại lá cây để đắp vào vết thương chữa bệnh. Cách làm này không giúp điều trị bệnh mà còn có thể làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn.

5. Người bị bệnh dại sẽ phát ra tiếng động vật

Quan điểm này là sai lầm. Ngay khi bị nhiễm virus, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp.

Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp.

Chó con, mèo con cắn đều có khả năng gây ra bệnh dại. Ảnh minh họa

Chó con, mèo con cắn đều có khả năng gây ra bệnh dại. Ảnh minh họa

Cần làm gì khi bị chó mèo cắn?

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm... cần rửa liên tục vết thương bằng nước và xà phòng 15 phút, sau đó sát khuẩn cồn 70 độ (hoặc cồn iốt). Hạn chế làm dập vết thương, không băng kín.

Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người thì chắc chắn đều dẫn đến tử vong. Bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng biện pháp tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

Việc dùng vắc-xin dại hoặc dùng cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại sẽ được chỉ định tuỳ theo tình trạng động vật, vết cắn, tình hình bệnh dại ở địa phương. Cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, biện pháp dân gian như lấy nọc để điều trị.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh dại hiệu quả, bên cạnh việc tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn thì người dân cần có ý thức quản lý đàn chó, mèo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Thêm vào đó, trẻ em cần được hướng dẫn cách hạn chế bị động vật cắn và trẻ phải báo ngay cho người lớn nếu bị chó mèo cắn.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO