Chủ nghĩa tối giản là gì?
Bạn đã thành công trong cuộc sống khi tất cả những gì bạn muốn là những gì bạn thực sự cần.
Vernon Howard
Tối giản tức là đủ. Tối giản là có những gì bạn cần, không nhiều hơn, mà cũng tuyệt đối không được ít hơn.
‘Những gì bạn cần’ không chỉ là vật chất, mà có thể bao gồm những công việc, nhiệm vụ, mối quan hệ và phong cách sống.
Một số nguyên tắc của chủ nghĩa tối giản để áp dụng trong học tập:
Nguyên tắc 1. Loại bỏ những thứ không cần thiết
Quy tắc 80/20: Rất có thể chỉ khoảng 80% những kiến thức trong sách giáo khoa hoặc giáo trình sẽ xuất hiện trong bài thi.
Điều đó có nghĩa là nếu bạn học cả quyển sách, khoảng 1/5 công sức của bạn sẽ bị bỏ phí (nếu mục đích học đơn thuần là để thi).
Vì vậy, hãy cố gắng xác định đâu là những phần quan trọng nhất dựa trên những lời khuyên, gợi ý của giáo viên và nhớ lại những nội dung được thầy cô giảng giải kĩ càng trên lớp.
Đừng mù quáng cố gắng học thuộc hết cuốn sách, hãy học một cách khôn ngoan, xem lại những bài kiểm tra trước đó để hiểu được phong cách ra đề của giáo viên.
Nguyên tắc 2. Đơn giản hóa kiến thức
Chia nhỏ công việc giúp bạn hoàn thành từng phân đoạn nhẹ nhàng và đơn giản hơn.
Bạn nên dùng sơ đồ tư duy, dùng nhiều màu sắc khác nhau để liệt kê mọi thứ ra.
Sơ đồ tư duy sẽ rất hữu ích vì nguyên tắc của nó là bạn chỉ được dùng một hoặc hai từ hay cụm từ cho mỗi nhánh.
Hãy trải dài sơ đồ tư duy chứ đừng nhồi nhét quá nhiều trong một trang giấy. Hãy cho bản thân khoảng lặng để bình tâm và tư duy rõ ràng hơn.
Nếu bạn có thể nhớ được bố cục của bản ghi chép hay sơ đồ tư duy, việc ghi nhớ sẽ càng dễ dàng hơn rất nhiều.
Nguyên tắc 3. Nắm kiến thức căn bản
Nếu bạn không thể nhớ hết mọi thứ, thì trước hết hãy nắm vững kiến thức căn bản. Đôi khi thầy cô đặt những câu hỏi tưởng chừng phức tạp, nhưng thực chất họ chỉ đang kiểm tra xem bạn có nắm được căn bản không mà thôi.
Hãy thuộc nằm lòng những kiến thức căn bản này. Bạn nên tổng hợp lại tất cả các công thức, các ý chính hay các bước làm cơ bản thành một đề cương để dễ dàng nhìn lại toàn bộ những gì cần học.
Nguyên tắc 4. Tạo không gian tập trung
Dọn dẹp mọi thứ trên bàn đi và chỉ đặt lên những gì bạn cần. Nhiều khi bạn chỉ cần một hoặc hai cuốn sách, một cây bút với tờ giấy mà thôi.
Nếu bạn không cần dùng laptop thì hãy ‘giấu’ nó đi, để tránh bị dụ dỗ và phân tâm trong lúc học.
Nguyên tắc 5. Ngắt kết nối
Nếu bạn phải làm việc trên máy tính và dùng trình duyệt Chrome, bạn có thể thử một số tiện ích mở rộng để làm giảm thời gian cho Facebook, Youtube và những website không cần thiết nhưng luôn khiến bạn xao nhãng khỏi công việc.
Tiện ích đầu tiên Gia Đình Mới xin giới thiệu với các bạn là StayFocusd. Nó có chế độ ‘lựa chọn hạt nhân’ (nuclear option) giúp bạn chặn những website không cần thiết để tập trung vào công việc.
Một tiện ích khá thú vị và đặc biệt hiệu quả với những ai yêu thích cây cối, có tên là Forest. Mỗi khi bạn muốn tập trung vào công việc, hãy trồng một mầm cây. Theo thời gian, cây sẽ lớn dần lên trong khi bạn đang làm việc.
Nếu bạn vẫn vào những website trong danh sách chặn, màn hình sẽ hiện lên màu đen như trong hình. Khi bạn nhấn lựa chọn 'từ bỏ', chương trình sẽ hỏi lần cuối xem bạn có thực sự muốn 'giết chết' cái cây ấy hay không.
Thăm dò ý kiến: Bạn thấy nguyên tắc tối giản có hiệu quả với việc học không?
Thu TrangBạn đang xem bài viết 5 nguyên tắc tối giản: học ít hơn, hiểu nhiều hơn gây hiệu quả bất ngờ tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].