Chuyên gia nghi thức William Hanson chia sẻ những điều mà bạn nên và không nên làm khi đến nhà người khác.
Những điều bạn nên làm
1. Đến muộn 5 - 10 phút
Đúng giờ là quy tắc lịch sự cơ bản, nhưng khi đến nhà người khác, bạn nên linh hoạt hơn một chút.
Ví dụ, nếu bạn được mời đến nhà người khác uống cà phê lúc 11 giờ, bạn không cần phải gõ cửa nhà họ đúng 11 giờ.
Quy tắc lịch sự truyền thống là bạn nên đến muộn 5 - 10 phút. Đây là khoảng thời gian trong mức cho phép, thể hiện rằng bạn không quá háo hức, cũng như cho chủ nhà thêm thời gian để chuẩn bị tiếp khách.
Khoảng thời gian 5 phút thêm này có thể rất hữu ích với chủ nhà, cho họ có thêm thời gian để kiểm tra lại nhà cửa trước khi khách đến.
2. Tự dọn cốc của mình sau khi uống nước
Nếu chủ nhà pha cho bạn một cốc trà hay mời bạn một cốc nước, William khuyên bạn nên đề nghị giúp họ dọn dẹp.
Tất nhiên, nếu chủ nhà từ chối thì hãy chấp nhận. Vì có thể họ không muốn người khác bước vào căn bếp của họ.
Nếu chủ nhà tự mang cốc của họ vào phòng bếp, bạn hãy làm tương tự. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với chủ nhà.
Một số chủ nhà sẽ muốn chăm sóc chu đáo cho khách và không muốn để khách phải làm bất cứ việc gì.
3. Chào hỏi trẻ em, thú cưng trong nhà
Khi bạn đến chơi nhà người khác, bạn cần chào hỏi mọi người bạn gặp trong nhà.
Cho dù bạn là người không thích trẻ em hay chó mèo, nhưng nếu đến chơi nhà có trẻ em hoặc thú cưng, bạn cần phải chào hỏi thay vì phớt lờ thành viên trong gia đình họ.
4. Cởi giày dép
Khi đến nhà người khác, nếu thấy họ không đi giày dép trong nhà thì bạn cũng cần cởi giày dép ra.
5. Có qua có lại
Nếu ai đó đã mời bạn đến nhà chơi, bạn cũng nên mời lại họ đến nhà mình sau đó.
Cũng giống như một trận tennis, bạn cần phải có qua có lại.
Những điều bạn không nên
1. Không nên đến sớm hơn giờ hẹn
Mặc dù bạn không nên đến muộn, nhưng William nhấn mạnh rằng đến quá sớm không phải là một điều tốt.
Đừng gõ cửa nhà người khác lúc 10 giờ 50 nếu đã hẹn sẽ có mặt lúc 11 giờ,
Điều đó chỉ cho thấy là bạn quá vồ vập và khiến chủ nhà không kịp chuẩn bị.
Nếu bạn đã đến chỗ hẹn nhưng thấy vẫn còn sớm, hãy đi dạo một vòng, ngồi lại trong xe, lướt điện thoại hay làm bất cứ điều gì bạn muốn, trừ việc bấm chuông cửa sớm.
2. Không nên từ chối đồ uống
Khi đến thăm nhà ai đó,bạn không bao giờ nên từ chối đồ uống.
Nếu bạn đã đến nhà ai đó, hãy đón nhận sự hiếu khách của họ, dù đó là trà, cà phê hay nước,...
Dù bạn chỉ uống được một nửa thì hãy cứ nhận lấy ly nước được mời. Từ chối trong trường hợp này có thể bị coi là bất lịch sự.
3. Không nên tự tiện mở tủ lạnh
Theo William, bất kể bạn đang đói đến mức nào, việc tự lấy đồ ăn trong tủ lạnh nhà người khác là điều tối kỵ.
Bạn tuyệt đối không nên tự tiện mở cửa tủ lạnh trừ khi được họ gợi ý hoặc ít nhất là đã hỏi ý chủ nhà.
Đó là điều không thể chấp nhận được, cho dù bạn có thân với chủ nhà đến đâu.
4. Không nên yêu cầu đi xem nhà
Bạn có thể nóng lòng muốn xem phòng ngủ mới của bạn thân, nhưng đừng bao giờ yêu cầu được đi tham quan nhà của người khác.
Họ có thể mới chỉ dọn dẹp phòng khách, phòng bếp và chưa sẵn sàng để dẫn bạn đi xem những căn phòng khác.
Hoặc họ không muốn để người khác vào không gian riêng tư của mình.
Nếu chủ nhà mời bạn đi xem một vòng căn nhà thì tốt, nhưng nếu không thì bạn đừng yêu cầu họ làm vậy.
5. Không nên đề xuất kế hoạch khác
Cuối cùng, nếu bạn được mời đến nhà ai đó, William lưu ý rằng bạn không nên đề xuất một kế hoạch khác, vì điều đó có thể bị coi là bất lịch sự.
Nếu họ là chủ nhà, họ sẽ chịu trách nhiệm cho việc này. Trừ khi chủ nhà hỏi ý kiến bạn, nếu không đừng tự ý đề xuất đến những địa điểm khác.
Xem thêm: 10 phép lịch sự cơ bản ai cũng nên biết để xã hội văn minh hơn
(Theo The Sun)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 nên, 5 không khi đến nhà người khác để tránh bị vô duyên tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].