Cảm giác mệt mỏi kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng buồn ngủ dai dẳng này?
Dưới đây là 5 "thủ phạm" phổ biến có thể đang đánh cắp năng lượng và khiến bạn buồn ngủ cả ngày.
1. Các vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài. Các tình trạng như ngưng thở khi ngủ, mất ngủ và hội chứng chân không yên có thể làm giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ của bạn.
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng luồng khí hít vào bị gián đoạn tạm thời hơn 10 giây, lặp lại nhiều lần trong khi ngủ, dẫn đến việc ngủ không ngon.
Mất ngủ, được đặc trưng bởi khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ, ảnh hưởng đến khoảng 1/3 người trưởng thành ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, dẫn đến mệt mỏi kéo dài. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep cho thấy mất ngủ mãn tính có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm, lo âu và thậm chí cả các bệnh tim mạch.
Trong khi đó, hội chứng chân không yên gây ra cảm giác khó chịu và thôi thúc phải di chuyển chân, có thể làm gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng và dẫn đến buồn ngủ vào ban ngày.
2. Căng thẳng quá mức
Khi bạn chịu áp lực lớn, cơ thể sẽ giải phóng "hormone căng thẳng" cortisol khiến bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo cao độ. Điều này có thể khiến bạn khó thư giãn để chìm vào giấc ngủ.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, căng thẳng mãn tính có liên quan đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, bao gồm rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi mãn tính.
Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Sleep Medicine cho thấy mức độ căng thẳng cao có thể tăng nguy cơ mất ngủ và gián đoạn giấc ngủ.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn ngủ được, chất lượng giấc ngủ vẫn có thể bị ảnh hưởng, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.
3. Thiếu sắt
Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi thiếu sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin, nghĩa là cơ bắp và các mô không nhận được đủ oxy, dẫn đến mệt mỏi và suy nhược.
Thiếu máu do thiếu sắt phổ biến hơn ở phụ nữ và có thể là nguyên nhân đáng kể gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ cho thấy việc cải thiện lượng sắt ở phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt đã giúp họ cải thiện đáng kể mức năng lượng và giảm cảm giác mệt mỏi.
4. Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus
Đôi khi, buồn ngủ có thể là do cơ thể bạn đang chống lại nhiễm trùng. Một số nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài ngay cả sau khi các triệu chứng khác đã hết.
Ví dụ, bệnh Lyme là một bệnh viêm nhiễm do bọ ve đốt, có thể gây ra tình trạng mệt mỏi nặng, kéo dài ngay cả sau khi giai đoạn cấp tính của bệnh đã được điều trị.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng, nhiều bệnh nhân mắc bệnh Lyme bị mệt mỏi kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm sau điều trị.
5. Suy giáp
Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Khi tuyến giáp hoạt động kém - gọi là suy giáp - có thể dẫn đến cảm giác kiệt sức.
Tuyến giáp sản xuất các hormone ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống chính trong cơ thể bạn, bao gồm cả mức năng lượng và giấc ngủ. Các triệu chứng thường gặp của suy giáp bao gồm mệt mỏi, tăng cân và cảm giác chậm chạp nói chung.
Bạn có thể được chẩn đoán suy giáp bằng xét nghiệm máu. Điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp có thể giúp khôi phục mức năng lượng của bạn.
(Theo Times of India)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 lý do khiến bạn luôn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi suốt cả ngày tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].