Cô gái 30 tuổi bị đau bụng nhiều năm, đi khám đã ung thư đại tràng giai đoạn cuối, 5 dấu hiệu cần đi khám sớm

Đau bụng nhiều năm nhưng cô gái trẻ chỉ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa. Đến khi mới đây tình trạng đau hạ vị xuất hiện nhiều, sút cân, người mệt mỏi, bệnh nhân đi khám tại BV đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) và phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.

Bệnh nhân đi khám tại BV đa khoa Hùng Vương và phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.

Bệnh nhân đi khám tại BV đa khoa Hùng Vương và phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.

Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa Hùng Vương, bệnh viện đang điều trị cho nữ bệnh nhân 30 tuổi bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.

Chị N (30 tuổi) cho biết trước khi phát hiện ra bệnh chị cảm thấy đau bụng nhưng chỉ nghĩ đơn giản là rối loạn tiêu hóa, chị cũng không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, chủ quan nghĩ rằng mình còn “trẻ” thì làm gì có chuyện bị ung thư. Cho đến khi tình trạng đau bụng hạ vị xuất hiện nhiều, rối loạn phân, lúc lỏng, lúc táo, phân nhầy máu, sút cân, người mệt mỏi chị mới đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám. Bệnh nhân được thăm khám, làm các cận lâm sàng, qua kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch vùng, lập lại lưu thông tiêu hóa, sau mổ bệnh nhân ổn định, hiện đang điều trị hóa chất bổ trợ. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe có tiến triển, đang được chăm sóc tại khoa Ung bướu bệnh viện.

Ung thư đại trực tràng đa phần ban đầu chỉ là các tổn thương tiền ung thư, nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi. Một số trường hợp ung thư đại trực tràng có tính chất gia đình, nên bác sỹ khuyến cáo thân nhân của những người bệnh ung thư đại trực tràng nên khám tầm soát sớm, phát hiện sớm các tổn thương để xử lý kịp thời.

5 dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Thế nhưng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Vậy làm thế nào để nhận biết các triệu chứng và phòng tránh căn bệnh này hiệu quả?

5 dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng.

5 dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng.

Rối loạn tiêu hóa kéo dài:

Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột. Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng.

Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân. Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng.

Giảm cân bất thường:

Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

Các rối loạn liên quan bài tiết phân:

Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.

Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp. Phân mỏng, hẹp so với bình thường: Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa.

Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.

Xuất hiện máu trong phân:

Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.

Đây là triệu chứng phổ biến của căn bệnh song nó không đồng nghĩa mọi trường hợp phân có máu đều do mắc ung thư đại tràng. Nếu mắc bệnh khác như trĩ, nứt hậu môn bạn cũng gặp hiện tượng trên. Cần phân biệt đại tiện ra máu do trĩ thường là máu tươi. Còn bệnh nhân ung thư trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với nhầy. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.

Mệt mỏi và suy nhược:

Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân. Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính