Dưới đây là những sự khác biệt giữa người có thói quen kỳ quặc và người có vấn đề về tâm thần mà bạn có thể tham khảo.
1. Trí nhớ kém vs Bệnh mù mặt
Kém nhớ mặt không phải hiện tượng hiếm, chúng ta gặp quá nhiều người mỗi ngày, vậy nên quên mất một vài người là điều bình thường. Ngoài ra khả năng nhận thức khuôn mặt còn phụ thuộc vào tuổi tác - bộ não cần thời gian để phát triển khả năng ghi nhớ và nhận diện đặc điểm khuôn mặt. 30-34 là độ tuổi tốt nhất cho điều này, vậy nên có thể là thời gian của bạn chưa đến mà thôi.
Còn prosopagnosia hay bệnh mù mặt là một chứng bệnh liên quan đến tổn thương hệ thần kinh của con người, khi ai đó không chỉ không nhớ được mặt người thận, bạn bè mà bộ não còn hoàn toàn không thể nhận diện người thân. Họ thậm chí không thể nhận diện được chính khuôn mặt của mình ở trong gương. Người bệnh chỉ có thể nhận ra bằng kiểu tóc, giọng nói, trang sức,... Một khi thay đổi các yếu tố đó thì người bị bệnh mù mặt sẽ không thể nhận ra bạn.
Prosopanosia xảy ra do chấn thương vùng não bên phải (chủ yếu là thuỳ thái dương và thuỳ chẩm) của con người. Ngoài ra, còn do các chấn thương khác như chứng đột quỵ, chứng thoái hoá do tuổi tác... Ở một số ít người, đây còn là một chứng bệnh bẩm sinh do di truyền hoặc do rối loạn gene.
Ở những người bị mắc Prosopagnosia bẩm sinh, ngay từ khi còn nhỏ, họ đã bị mất khả năng ghi nhớ các thông tin để nhận dạng những người mà họ đã tiếp xúc, mặc dù mọi khả năng giao tiếp xã hội khác vẫn diễn ra bình thường. Hình ảnh xuất hiện trong trí nhớ của người bệnh đôi khi là những hình ảnh rất mờ nhạt và không thể xác định được đường nét, thậm chí là hình dạng.
2. Tính gọn gàng ngăn nắp vs Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Một người gọn gàng biết chắc chắn rằng không có ai có thể dọn dẹp nhà của họ tốt hơn họ. Lau chùi nội thất sáng loáng trở thành ý nghĩa cuộc sống cho những người này. Họ cực kỳ phẫn nộ và bị bức xúc nghiêm trọng nếu các thành viên trong gia đình vứt đồ bừa bãi khắp nhà.
Còn với một người bị Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) làm sạch một cái gì đó hoặc thực hiện bất kỳ hành động lặp đi lặp lại nào khác (cưỡng chế) là một cách để loại bỏ những suy nghĩ ám ảnh. Những nỗi ám ảnh có thể đơn giản như sợ bị cháy hoặc thậm chí còn kỳ lạ hơn. Từng có trường hợp một bệnh nhân OCD sợ rằng ông sẽ gửi con gái của mình như một bưu kiện một ngày nào đó.
Làm thế nào bạn có thể phát hiện bệnh? Ví dụ, một người ngăn nắp sẽ sắp xếp giá đồ đựng ngũ cốc gọn gàng vì sợ côn trùng. Nhưng nếu một người khi lau chùi những kệ đồ lại sắp xếp các lọ ngũ cốc cẩn thận theo thứ tự màu sắc, hình dạng thì đó có thể là dấu hiệu bệnh OCD.
3. Khó tính vs Paruresis
Nhiều người không muốn đi vào nhà vệ sinh công cộng là do cảm giác ghê tởm. Nỗi sợ hãi vi khuẩn còn lớn hơn mong muốn "giải quyết nhu cầu" của họ.
Trong khi đó Paruresis một dạng hội chứng rối loạn tâm lý, được ghi nhận xuất hiện ở hơn 20 triệu người tính riêng trên nước Mỹ. Những người mắc chứng này thường rất ngại và đôi khi là sợ hãi khi phải đi tiểu trong phòng vệ sinh khi xung quanh có quá nhiều người.
Làm thế nào bạn có thể phát hiện bệnh? Paruresis khác với nhút nhát hay khó tính vì nó có khuynh hướng tiến triển. Ở giai đoạn ban đầu, bệnh nhân thấy khó sử dụng nhà vệ sinh công cộng khi có người khác; và ở giai đoạn cuối, họ bắt đầu gặp khó khăn ngay cả khi ở nhà.
4. Ăn uống lành mạnh vs Orthorexia
Có những người tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, nắm rõ lượng calo và dinh dưỡng trong các món ăn và biết cách kết hợp thực phẩm lành mạnh nhất, đặc biệt ăn để không tăng cân.
Còn hội chứng Orthorexia là nỗi ám ảnh về một chế độ ăn lành mạnh. Những người mắc chứng orthorexia luôn bị ám ảnh bởi chất lượng.
Do các "quy tắc" được hình thành qua quá trình tiếp nhận từ nhiều nguồn thông tin (báo đài, bạn bè....) nên người bệnh dần loại bỏ đường, muối, các thực phẩm chứa cafein, chất cồn, bột mỳ, men bia, đỗ tương, ngô và các sản phẩm làm từ sữa… ra khỏi chế độ ăn. Những thực phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu hay các chất nhân tạo dùng trong nông nghiệp cũng có thể bị loại bỏ thẳng cánh. Thậm chí có những người mắc chứng orthorexic chỉ ăn các loại thực phẩm có màu vàng.
Kết quả là trong khi tự nhận mình là có thói quen ăn uống khôn ngoan thì chính sức khỏe của họ lại đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do loại bỏ quá nhiều loại thực phẩm ra khỏi chế độ ăn hằng ngày. Những người “nội trợ khôn ngoan” này không chỉ bị thiếu chất mà việc áp dụng chồng chất các nguyên tắc cứng nhắc còn làm cho việc tham gia một bữa tiệc, liên hoan với bạn bè, người thân trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi.
Những người mắc chứng orthorexia nervosa thường là ngoài 30 tuổi, thuộc tầng lớp trung lưu và được giáo dục tốt.
Làm thế nào bạn có thể phát hiện bệnh? Khi mắc chứng orthorexia, sở thích và chất lượng hương vị món ăn sẽ không còn ý nghĩa gì nữa đối với người bị bệnh. Họ có thể ăn những món khó ăn, nhạt nhẽo nhất chỉ vì cho rằng chúng tốt cho sức khỏe. Suy nghĩ ám ảnh về thực phẩm không chỉ bao gồm thành phần món ăn mà còn cả quy trình chế biến, dụng cụ nấu nướng cũng phải đạt "chuẩn".
5. Sợ hãi vs Hội chứng sợ (phobia)
Sợ hãi là một cơ chế tiến hóa mà chúng ta cần để tồn tại. Khi chúng ta sợ hãi, có một loạt các phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể chúng ta: adrenaline, norepinephrine, và testosterone được tiết vào máu. Đó là những yếu tố khiến chúng ta chạy, hét lên và có nhiều phản ứng khác.
Hội chứng sợ là nỗi sợ hãi dai dẳng đối với một đối tượng hoặc một tình huống mà người đó luôn cố gắng tránh né, thường không liên quan đến sự nguy hiểm trong thực tế và được công nhận là sợ hãi không hợp lý. Nói cách khác, người mắc bệnh luôn có biểu hiện phản ứng vượt quá kiểm soát với một sự vật, hiện tượng mà đối với những người khác là quá bình thường hay không đến mức phải sợ hãi cao độ.
Nó bắt nguồn từ bẩm sinh hoặc do sự tác động tâm lý trong một hoàn cảnh nhất định. Trong trường hợp ám ảnh sợ hãi không thể tránh được hoàn toàn, người bệnh sẽ phải chịu đựng với sự căng thẳng rõ rệt, gây ra ảnh hưởng xấu đáng kể đến các hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp.
Làm thế nào bạn có thể phát hiện bệnh? Nỗi sợ hãi xuất hiện trong tình huống bị đe dọa tính mạng hoặc sức khỏe của một người, trong khi đó hội chứng sợ lại không thể giải thích được, chẳng hạn như doraphobia (sợ hãi khi tặng hoặc nhận quà) hoặc verbophobia (sợ hãi một số từ ngữ). Khác với sợ hãi, những người hội chứng sợ có thể xuất hiện các triệu chứng thể chất như khó thở, ra mồ hôi và tim đập nhanh.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 dấu hiệu phân biệt một người có thói quen kỳ quặc hay có vấn đề tâm thần cần điều trị tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].