IQ là chỉ số thông minh của một người và được cho là có liên quan đến sự thành công trong công việc, trong học tập và trong xã hội. Còn EQ là chỉ số thông minh cảm xúc và được hiểu là chỉ số về cảm xúc của mỗi người thường dùng để đo lường cảm xúc, trí tưởng tượng hay sự sáng tạo.
Trí tuệ cảm xúc là loại trí tuệ giúp con người có thể tự nhận ra cảm xúc của chính mình và của người khác, nhờ đó họ có thể kiểm soát được cảm xúc, có được sự đồng cảm và biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để điều chỉnh bản thân phù hợp với tình huống.
Những kỹ năng này nghe đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng, đặc biệt là với trẻ em. Bởi những đứa trẻ có chỉ số EQ cao thường sẽ có xu hướng học tập và hoạt động tích hơn, những đứa trẻ có IQ cao cũng sẽ có thái độ thân thiện, hòa đồng hơn. Nếu trẻ có chỉ số IQ cao nhưng chỉ số EQ thấp thì rất khó có thể sẽ khó đạt được thành công.
Dưới đây là những biểu hiện cho thấy con bạn đang có chỉ số EQ thấp:
1. Con không kiểm soát được cảm xúc
La hét, cáu gắt hay đập đồ chỉ vì những chuyện rất nhỏ cũng là dấu hiệu cho thấy con bạn có chỉ số cảm xúc EQ thấp, bởi những hành động như vậy chứng tỏ con bạn đang không kiểm soát được cảm xúc của chính mình và rất dễ bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh.
Nếu một người có tâm lý không vững vàng như vậy thì sẽ rất khó để có thể thành công trong cuộc sống, vậy nên cha mẹ hãy chú ý, quan tâm và chỉ dạy con mình cách để có thể quản lý cảm xúc. Giúp con có thể gọi tên những cảm xúc đó bằng những câu hỏi như "Con đang cảm thấy như thế nào?", "Con đang buồn phải không?, rồi sau đó hãy bình tĩnh để xử lý cảm xúc tiêu cực của con bằng một cái ôm.
2. Con thường nói xấu người khác
Trẻ con thường có cái tôi của riêng mình rất lớn và không bao giờ ngần ngại trong việc bộc lộ cái tôi riêng của mình. Cha mẹ chắc hẳn sẽ rất hay gặp những tình huống con cái thường cao giọng hay nói những điều không hay về bạn bè của mình hay cố thể hiện ra bản thân mình đang hơn những người xung quanh.
Biểu hiện này chính là minh chứng cho việc con đang có dấu hiệu EQ không cao, đây là tâm lý muốn được chú ý, luôn muốn hơn người và có phần không tôn trọng người khác. Cách tốt nhất để có thể sửa đổi hành vi này của con đó là cha mẹ hãy làm gương bằng cách không nhận xét tiêu cực, không nói xấu về người khác ngay cả trước mặt và kể cả sau lưng.
Ngoài ra cha mẹ cũng nên học hỏi những điều tích cực, khiêm tốn hơn và luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực để con có thể nhận biết và học theo tính cách tốt này.
3. Luôn tìm cách đổ lỗi
Nếu người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ luôn dũng cảm nhận lỗi và chịu trách nhiệm trước những thất bại của mình, thì ngược lại người có EQ thấp sẽ luôn tìm cách để đổ lỗi, đổ cho người khác hoặc cho những tác động ngoại cảnh.
Con đổ lỗi nhiều khi không phải do không biết lỗi của mình mà do con không có đủ dũng cảm để có thể đứng lên nhận lỗi, để chịu trách nhiệm mà luôn tìm người khác hoặc ngoại cảnh để đổ lỗi giống như một lá chắn bảo vệ chính mình.
Nếu muốn khắc phục điều này, cha mẹ đừng mắng khi con phạm sai lầm. Thay vào đó hãy ngồi xuống, cùng con phân tích xem đúng sai và cách sửa chữa sai lầm. Dần dần, con sẽ học được cách xử lý vấn đề thay vì "đá" qua cho người khác.
4. Con ngại thử thách những điều mới mẻ
Hài lòng với những thứ mình đang có, với cuộc sống và những thói quen đã có từ lâu mà không chịu bước ra khỏi vùng an toàn của mình chính là biểu hiện của con có EQ thấp. Con cũng sẽ không dám khám phá hay mạo hiểm với những điều mới mẻ trong cuộc sống dù có thể đó chỉ là một trò chơi.
Nếu cha mẹ thấy con đang thu mình trong thế giới nhỏ bé của riêng mình hãy nói cho con biết rằng, ngoài kia còn rất nhiều điều thú vị và ý nghĩa. Chỉ cần con can đảm thử khám phá con sẽ học được rất nhiều những điều bổ ích và rất có thể con sẽ khám phá được tiềm năng của bản thân mà trước giờ con không hề hay biết.
5. Con hay nói ngang, hay ngắt lời
Trẻ thích nói chuyện, thích giao tiếp là một điều hết sức bình thường. Thế nhưng, nói chuyện cần tùy trường hợp và tùy đối tượng giao tiếp cho thật phù hợp.
Nếu con không biết phân biệt lớn nhỏ, luôn chen ngang vào lời nói của người khác và chỉ muốn lấn lướt bằng cách ngắt lời thì chứng tỏ con đang thiếu tôn trọng người xung quanh. Khi trưởng thành, con có thể trở thành người độc đoán, không biết cảm thông và bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích.
Thái độ này chính là thể hiện chỉ số cảm xúc của con rất thấp, để khắc phục điều này, bố mẹ cần dạy con tôn trọng mọi người xung quanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như lắng nghe khi người khác đang nói chuyện.
Hạ AnBạn đang xem bài viết 5 dấu hiệu cho thấy con bạn có EQ thấp, dù IQ cao cũng rất khó để thành công tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].