Ngoài lời khuyên mang tính kinh điển: ‘Hãy bình tĩnh, mọi thứ rồi sẽ qua’, bạn hãy thử 5 cách đơn giản này nhé!
1. Tạo những chuyển động đều đều khiến bé phân tâm và quên khóc
Các chuyển động nhẹ nhàng như đưa nôi có thể khiến bé buồn ngủ, đặc biệt là khi bé đã được quấn chặt bằng một chiếc chăn ấm áp.
Nếu ở thời điểm bé vừa tỉnh dậy, bạn chắc chắn là bé không thể ngủ lại, hãy thử các cách tạo chuyển động khác như: ôm bé và ngồi lên võng hoặc ghế rocking đung đưa nhẹ nhàng.
Bạn cũng có thể cho bé vào một cái địu và đi lại trong nhà, vừa đi vừa xoa lưng cho bé. Việc dùng địu có ưu điểm giúp cơ thể bé áp sát với ngực của bố hoặc mẹ, hơi ấm của bố mẹ sẽ giúp tạo cảm giác an toàn cho bé.
2. Bật một âm thanh thật tẻ nhạt
Hãy thử bật một cái máy hút bụi hoặc máy hút mùi kêu ‘ì ì’. Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng chính những âm thanh tẻ nhạt này dễ làm cho bé thư giãn, và nếu bạn gặp may, bé sẽ buồn ngủ.
Bạn có thể đã nghe nói đến máy tạo tiếng ồn trắng (white noise). Đây là những âm thanh đều đều, nhẹ nhàng, có thể là sự hòa trộn giữa tiếng các phương tiện giao thông và tiếng tim đập của người mẹ.
Các nhà khoa học đã chứng minh tiếng ồn trắng có tác dụng đặc biệt trong việc ru ngủ các em bé sơ sinh.
3. Thư giãn cùng bé
Nghe bé khóc lóc nửa tiếng đồng hồ mà không cách nào dỗ dành được cũng là một thử thách với ba mẹ.
Vậy hãy thư giãn cùng con nhé: Vào một phòng tối, tĩnh lặng và mát mẻ. Hãy ôm bé nhẹ nhàng, cho bé nằm sấp trên ngực mẹ, sao cho đầu bé đặt ngang phần ngực mẹ.
Mẹ nằm thẳng lưng, đầu gối hơi co, bàn chân đặt bằng trên mặt nệm hoặc sàn gỗ. Mẹ có thể vừa đung đưa người trong lúc xoa lưng cho con.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tâm trạng của người nuôi dưỡng ảnh hưởng đến em bé rất nhiều, vì vậy trước khi có thể trấn an em bé, hãy đảm bảo bản thân cha mẹ thật thoải mái, thư giãn.
4. Cho bé nằm sấp để tránh đầy hơi
Bạn đã bao giờ thử bế bé theo tư thế này chưa: Bé nằm sấp trên đầu gối hoặc một cánh tay bạn, tay còn lại của bạn đỡ đầu bé.
Trong tư thế này, bạn có thể đung đưa nhè nhẹ hoặc xoa lưng cho bé. Chú ý xoa từ phần giữa lưng trở xuống, xoa tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Động tác massage này có thể góp phần làm bé bớt đầy bụng, nguyên nhân gây ra tình trạng gào khóc của bé.
5. Đưa cho bé một cái gì mềm mại có thể mút được
Có một số trẻ khi quá no cũng khóc. Cha mẹ thấy con khóc sợ con đói, lại cho bé ti mẹ hoặc ti bình. Bé giẫy ra và càng khóc to hơn vì ‘khóc mãi mà bố mẹ không chịu hiểu’!
Nếu bé vừa có cữ bú gần nhất chưa đầy 15 phút, bạn có thể yên tâm là bé không khóc vì đói.
Hãy thử đưa cho bé một cái gì mềm mại có thể mút được, nhưng không phải bình sữa hoặc ti mẹ. Đó có thể là núm vú giả hoặc thậm chí là… ngón tay mẹ.
Nếu bé dần dần giảm khóc, hãy đu đưa nhẹ nhàng. Vì sau khi no bụng, lại có cảm giác yên tâm (do có núm vú giả để nún) rất có thể bé sẽ từ từ chìm vào giấc ngủ.
Khi nào tiếng khóc cảnh báo tình trạng nguy hiểm?
Trong một số trường hợp, tiếng khóc của bé sơ sinh đồng nghĩa với dấu hiệu nguy hiểm về sức khỏe. Đó là:
- Bé khóc kèm với triệu chứng khó thở, tím tái
- Bé khóc thét lên rồi lặng đi vài giây, tiếng khóc có âm độ cao bất thường
- Bé khóc kèm với sốt cao trên 38.5 độ, co giật
- Bé khóc kèm nôn trớ nhiều lần
Nếu thấy những dấu hiệu trên, bạn cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có sự trợ giúp của các y bác sĩ.
Sức khỏe của trẻ sơ sinh là vấn đề vô cùng phức tạp, vì vậy đừng lơ là, chủ quan dựa vào kinh nghiệm hoặc phỏng đoán cá nhân.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 5 cách siêu đơn giản để dỗ trẻ sơ sinh nín khóc ngay lập tức mà ít bố mẹ biết tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].