1. "Thận trọng với tiền bạc là tốt nhất."
Người thuộc tầng lớp trung lưu thường bảo thủ trong chuyện tài chính, sợ rằng một khi mất tiền, họ sẽ không bao giờ bù đắp lại được.
Trong khi đó người giàu lại trở nên giàu hơn khi biết sử dụng tiền để sinh ra nhiều tiền hơn mà không cần nhiều công sức.
Họ tính toán mạo hiểm, biết rằng họ có thể được hoặc mất. Họ không ngừng nghiên cứu cả lợi và hại của việc đầu tư.
Họ hiểu rằng càng có kinh nghiệm, họ sẽ càng thông thái hơn và dễ dàng kiếm lại được số tiền bị mất trong những cuộc đầu tư nhiều rủi ro.
Hãy thay đổi cách tư duy: Tăng khả năng chịu đựng của bản thân trong việc chấp nhận những thử thách, đầu tư hay hợp tác mới. Khi bạn học cách tin tưởng phán đoán của mình thì bạn sẽ càng tự tin hơn.
2. "Dạy trẻ cách tiết kiệm tiền quan trọng hơn."
Rất nhiều người chỉ chăm chăm làm thế nào để tiết kiệm, chắt bóp trong chi tiêu. Tiết kiệm tuy không xấu nhưng nhận thức đằng sau đó có thể gây tác động tiêu cực.
Theo một khảo sát năm 2018 của T. Rowe Price trên hơn 1.000 người trẻ (tuổi từ 18 đến 24), 30% trong đó cho biết qua 15 tuổi họ mới được cha mẹ dạy về tiền. Trong số còn lại, 82% cho biết họ chủ yếu được dạy cách tiết kiệm.
Những người siêu giàu có luôn tìm cách để nhân đôi, nhân ba tài sản để họ có thể hưởng thụ cuộc sống tốt. Sau đó, họ đầu tư khoản dư vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản.
Người giàu coi tiền là một phương tiện trao đổi hàng hóa và dịch vụ có tính biến động, nó cần được lưu thông và tăng trưởng.
Quan điểm này của người giàu được truyền cho con cái thông qua dạy con cách đầu tư.
Hãy thay đổi tư duy của bạn: Tiết kiệm là quan trọng, nhưng bạn cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết cách để tiền sinh ra tiền. Hãy dạy con rằng con có thể đầu tư hoặc chi tiêu cho những thứ khiến con hạnh phúc.
3. "Tiền khiến con người áp lực và yếu đuối."
Nhiều người không thể kiếm được số tiền lớn vì họ có cái nhìn tiêu cực về tiền bạc.
Họ bị tẩy não rằng chỉ nói chuyện về tài chính sẽ dẫn tới áp lực, căng thẳng và cố gắng né tránh chủ đề này.
Trong khi đó, người giàu nhìn nhận tiền bạc một cách logic.
Với họ nó chỉ là công cụ thể cung cấp những lựa chọn, cơ hội. Khi tìm cách kiếm tiền, họ gạt cảm xúc sang một bên và để lý trí dẫn đường.
Như tác giả người Ireland Jonathan Swift từng nói: "Người thông thái để tiền trong đầu chứ không phải trong tim."
Hãy thay đổi tư duy của bạn: Hãy sử dụng cách suy nghĩ logic để xây dựng chiến lược tài chính, và sử dụng cảm xúc để tự động viên bản thân phải đi tới cùng.
4. "Chỉ cần thấy thoải mái là đủ."
Sau vài chục năm tìm tòi các khảo sát, băng ghi âm và những nghiên cứu khoa học, chuyên gia tài chính Steve Siebold đã khám phá ra rằng, mong muốn ổn định về mặt vật chất, tâm lý và cảm xúc là mục tiêu căn bản mà những người thuộc tầng lớp trung lưu đang hướng tới.
Nhưng người giàu có biết rằng, quá trình trở nên giàu có là không hề dễ dàng và mưu cầu ổn định là xa xỉ. Họ học cách thích nghi trong hoàn cảnh bất ổn.
"Bạn phải trả một cái giá để có thể trở nên giàu có, nhưng nếu có tâm lý vững vàng để chịu cơn đau tạm thời, bạn sẽ thu về được trái ngọt”, một triệu phú từng nói với Siebold.
Trong khi đó, số đông người bình thường lại không sẵn sàng làm những việc họ không thích. Còn người thành công về tài chính là người lạc quan và can đảm.
Hãy thay đổi tư duy của bạn: Việc đạt được những mục tiêu to lớn không bao giờ đơn giản. Người cố gắng sẽ giành được phần thưởng xứng đáng. Hãy cân nhắc việc xây dựng nên một danh sách 5 việc mà bạn phải làm ngay hôm nay, dù việc đó có thể khiến bạn không thỏa mái, nhưng nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới sự giàu có.
Gia LuânBạn đang xem bài viết 4 suy nghĩ phổ biến kìm hãm bạn làm giàu tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].