Quạt điện thổi không khí trực tiếp, làm mát cơ thể. Nhưng khi tiếp xúc với không khí thổi từ quạt trong thời gian dài, có thể ảnh hưởng sức khỏe. Bởi quạt máy làm giảm nhiệt độ bề mặt da, gián tiếp ảnh hưởng cơ chế tuần hoàn máu, gây cảm giác mệt mỏi, suy nhược, đau đầu.
Sau đây là một số sai lầm khi dùng quạt điện bạn có thể mắc phải khi sử dụng.
Để quạt thổi trực tiếp vào người và đầu
Khi luồng gió thổi trực tiếp vào người với tốc độ quá lớn, khoảng cách gần thì mồ hôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ ngoài da giảm xuống rõ rệt. Còn phần không có gió, mồ hôi bốc hơi chậm, nhiệt độ ngoài da tương đối cao, mạch máu da giãn. Lúc này sự tuần hoàn máu của cơ thể bị mất cân bằng nên dễ bị cảm, mệt mỏi.
Khi để quạt thổi gió trực tiếp vào đầu, mặt cũng dễ bị đau đầu, chóng mặt, gây mệt mỏi... Bởi vậy, khi sử dụng quạt, bạn nên ngồi xa và cho quạt quay đều các hướng để tránh bị cảm lạnh.
Để quạt hoạt động khi ngủ có thể gây đau họng, sổ mũi
Khi ngủ, nhiệt độ cơ thể giảm, hệ miễn dịch cơ thể tạm nghỉ ngơi. Tiếp xúc với gió thổi từ quạt trong thời gian dài, cơ thể dễ bị cảm cúm, sổ mũi và đau họng. Bạn nên sử dụng quạt ở mức gió trung bình, cách người khoảng 2 m, quay đều các hướng và hẹn giờ tắt cho quạt.
Để quạt thổi trực tiếp khi cơ thể ra nhiều mồ hôi
Nhiều người có thói quen đi từ bên ngoài nắng nóng bước vào nhà, hoặc sau khi chơi thể thao, vận động mạnh, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm, liền ngồi ngay trước quạt thổi gió thẳng vào người để giải nhiệt, đây chính là sai lầm lớn.
Khi vận động mạnh, các mạch máu đang giãn nở, mồ hôi tiết ra nhiều. Gió từ quạt có thể ngấm vào lỗ chân lông đang giãn nở, vào trong cơ thể, gây cảm lạnh. Bên cạnh đó, tiếp xúc gió thổi trực tiếp làm mạch máu co đột ngột, sẽ làm quá trình bài tiết mồ hôi bị ngưng trệ. Cách tốt nhất, nên lấy khăn khô lau sạch mồ hôi rồi bật quạt từ xa để làm mát từ từ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để tốc độ quạt cao gây mệt mỏi
Vận tốc cánh quạt càng nhanh, gió càng mạnh, làm cho mồ hôi trên da bốc hơi nhanh, lỗ chân lông bít lại khiến cơ thể cảm thấy nóng hơn, dẫn đến mệt mỏi. Bạn nên chỉnh quạt ở tốc độ vừa phải, tạo gió nhẹ, đủ để cơ thể cảm thấy dễ chịu.
Khi nào nên mở cửa khi bật quạt
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, quạt có chức năng là tạo gió, lưu thông gió, từ đó gián tiếp làm mát. Vì thế, khi bật quạt thì nên mở cửa để gió tự nhiên thổi vào nhà kết hợp với gió của quạt tạo ra sự lưu thông gió. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng không nên cứ bật quạt là phải mở cửa.
Thời gian từ 12h - 5h chiều là thời điểm nhiệt độ ngoài trời tăng lên rất cao, vì thế, nếu mở cửa lúc này thì hơi nóng từ bên ngoài sẽ tràn vào trong nhà. Do đó, tốt nhất trong khoảng thời gian này nên dùng rèm, lưới để che chắn nắng cho ngôi nhà, giảm bớt lượng nhiệt xâm nhập vào nhà thì quạt mới phát huy tác dụng. Nếu không có thiết bị che thì nên đóng cửa. Cuối giờ chiều, khi nắng dịu bớt, hơi nóng cũng giảm dần thì cần mở cửa để khí tươi tràn vào nhà, tạo ra sự lưu thông không khí khi dùng quạt.
V.LinhBạn đang xem bài viết Nằm quạt một đêm dậy ốm luôn: 4 sai lầm khi dùng quạt điện mà rất nhiều người mắc, thay đổi ngay còn kịp tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].