1. Bạn được khám sàng lọc miễn phí
Theo bác sĩ Anjali Bharati, bác sĩ cấp cứu tại Lenox Health Greenwich Village (Mỹ), khi bạn đến trung tâm hiến máu, việc đầu tiên nhân viên làm là khám các dấu hiệu sinh tồn như đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim để xem bạn có đủ điều kiện hiến máu hay không.
Họ cũng xét nghiệm máu của bạn để kiểm tra thiếu máu, thiếu sắt và các bệnh truyền nhiễm như viêm gan, HIV.
"Những xét nghiệm sàng lọc này có thể phát hiện một vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, nhịp tim không đều hoặc thiếu máu. Điều này không thay thế cho việc đi khám bác sĩ nhưng là một đánh giá quan trọng", bác sĩ Bharati nói thêm.
Ở Việt Nam, theo Trung tâm Máu quốc gia, sau khi hiến máu, trong vòng 15 ngày, người hiến máu sẽ nhân được tin nhắn (SMS) và thư cảm ơn qua email (nếu người hiến máu cung cấp email trong phiếu đăng ký hiến máu) với nội dung thông báo các kết quả xét nghiệm máu theo quy định.
Kết quả xét nghiệm máu theo quy định bao gồm: các xét nghiệm sàng lọc đơn vị máu (virus viêm gan B, virus viêm gan C, virus HIV và vi khuẩn giang mai), kết quả nhóm máu.
Ngoài ra, người hiến máu có thể lựa chọn nhận gói xét nghiệm quà tặng khi hiến máu.
Kết quả hiển thị sẽ bao gồm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe từ gói quà tặng (tổng phân tích tế bào máu, đánh giá chức năng gan, chức năng thận, chuyển hóa đường, mỡ máu…) và các xét nghiệm sàng lọc đơn vị máu (virus viêm gan B, virus viêm gan C, virus HIV và vi khuẩn giang mai), kết quả nhóm máu.
Nếu các chỉ số xét nghiệm của người hiến máu không ở giới hạn bình thường, bác sĩ sẽ gọi điện tư vấn về kết quả xét nghiệm máu và các chỉ số bất thường. Đồng thời, người hiến máu sẽ nhận kết quả xét nghiệm theo kênh thông tin yêu cầu sau khi bác sĩ tư vấn kết quả.
2. Hạ huyết áp, giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ
Hemoglobin là một protein được tạo ra bởi tủy xương và được lưu trữ trong các tế bào hồng cầu. Hemoglobin giúp hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến cơ thể thông qua động mạch. Các triệu chứng của hemoglobin cao hoặc thấp bao gồm mệt mỏi, chóng mặt hoặc khó thở.
Đối với những người có hemoglobin cao, hiến máu giúp giảm độ nhớt của máu - đây là một phép đo độ đặc và dính của máu. Độ nhớt của máu có thể góp phần gây ra cục máu đông, đột quỵ và đau tim.
Bác sĩ Bharati cho biết: "Những người có hemoglobin cao có thể được hưởng lợi từ việc hiến máu. Giảm hemoglobin có thể giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nó cũng có thể làm hạ huyết áp của bạn."
3. Hiến máu có thể giúp ích cho một số bệnh di truyền
Bệnh hemochromatosis di truyền là một rối loạn khiến sắt thừa tích tụ trong máu. Đối với tình trạng này, hiến máu có thể giúp ích.
Theo bác sĩ Bharati, hiến máu thường xuyên có thể loại bỏ lượng sắt này, giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh.
4. Hiến máu cải thiện sức khỏe tinh thần
Nghiên cứu cho thấy rằng việc giúp đỡ người khác như hiến máu, có thể tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần, ví dụ giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và lòng tự trọng.
Phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ Mỹ cho biết: "Lợi ích lớn nhất đối với người hiến máu là cảm giác tuyệt vời khi biết bạn đang giúp cứu sống một người đang gặp nạn."
Bharati nói thêm, việc cống hiến cho cộng đồng nói chung chắc chắn sẽ nâng cao tinh thần của bạn.
"Hiến máu là một việc tử tế - bạn có thể cứu đến 3 mạng người bằng cách hiến một đơn vị máu. Biết rằng bản thân đang làm một việc lớn lao như vậy sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe tinh thần của bạn."
(Theo Yahoo)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 4 lý do vì sao hiến máu tốt cho sức khỏe của bạn tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].