Khi quá mệt mỏi hoặc cáu kỉnh, các bậc phụ huynh có thể khó giữ thái độ tích cực khi trò chuyện hoặc dạy dỗ, kỷ luật con mình.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nuôi dạy con cái Erika Katz, những gì cha mẹ nói và cả cách cha mẹ nói đều rất quan trọng.
Katz chia sẻ: “Là cha mẹ, chúng ta nhiều lúc bực tức và khó chịu, nhất là với những người đông con và có nhiều việc. Nhưng cha mẹ phải cẩn thận để không trút giận lên con mình và không nói chuyện bằng giọng điệu không phù hợp.”
Thay vào đó, cách đối xử với con cái bằng sự đồng cảm và lòng tốt có thể giúp giảm bớt lo lắng, nghi ngờ bản thân và lòng tự trọng thấp khi con lớn lên.
Theo nghiên cứu từ Đại học California, Davis, việc nuôi dạy con cái tích cực có thể tăng cường sức khỏe tinh thần của trẻ, cải thiện học tập và hạnh phúc trong suốt những năm niên thiếu và trưởng thành.
Trong khi đó, nếu cha mẹ khiến con cái cảm thấy xấu hổ, con sẽ bị giảm tự tin và động lực. Mà đây lại là hai đặc điểm có thể giúp trẻ giải quyết tốt hơn những trở ngại trong cuộc sống, phục hồi sau thất bại để thành công lâu dài.
Sau đây là 4 tình huống mà bạn có thể cảm thấy thất vọng với con mình và những điều nên nói.
4 cách nói chuyện tích cực cha mẹ nên dùng với con
Katz cho biết: Khi tương tác với con bạn, cách tiếp cận dựa trên sự đồng cảm, khích lệ là tốt nhất. Dưới đây là một số cụm từ để sử dụng trong các tình huống khác nhau.
- Khi con làm việc nhà nhưng không hoàn thành tất cả: "Con đã làm rất tốt việc... Tại sao chúng ta cũng không làm tiếp việc ... nhỉ?"
- Khi con có hành vi hung hăng: "Cha mẹ biết con đang buồn, nhưng con không được (đánh/đá/cắn) bạn."
- Khi họ không biết làm bài tập về nhà: "Con đã làm bài kia rất tốt. Mẹ tin con cũng có thể làm được bài này."
- Khi cha mẹ vô tình làm tổn thương cảm xúc của con: "Cha mẹ xin lỗi vì đã thiếu tinh tế với con."
Theo Katz, bắt đầu với điều tích cực trước khi chuyển sang điều tiêu cực là cách tiếp cận hiệu quả nhất để điều chỉnh hành vi của con bạn.
Nữ chuyên gia khuyên: "Bạn nên tìm một việc tích cực mà con đã từng làm, trước khi nhắc đến những việc cần cải thiện".
Ngoài ra, theo Katz, việc sử dụng cách xưng hô "chúng ta", "bố con mình", "mẹ con mình" thay vì "con" sẽ giúp giảm cảm giác buộc tội. Ví dụ như: "Chúng ta không đánh nhau, chúng ta không ăn cắp. Chúng ta không phải người như thế."
Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải xin lỗi con cái khi mình mắc lỗi. Một số người lớn tin rằng nói "Tôi xin lỗi" với con mình sẽ khiến con thiếu tôn trọng mình, hoặc thể hiện sự yếu kém của mình. Nhưng thực tế việc xin lỗi chỉ giúp con hiểu rằng ngay cả người lớn cũng phạm sai lầm.
"Là cha mẹ, trách nhiệm của bạn là kiểm soát cảm xúc đối với con cái. Nếu bạn không làm được điều đó, bạn phải thừa nhận và xin lỗi. Dù việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng là điều bạn phải làm."
(Theo CNBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 4 cách nói chuyện tích cực cha mẹ của những đứa trẻ thành công đều sử dụng tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].