4 biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, biết để phát hiện sớm

Nghiên cứu cho thấy, cứ 20 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sẽ có 2 người có biến chứng về mắt hoặc thận, 1 người có biến chứng về tim hoặc mạch máu. Các biến chứng này xuất hiện nhiều và nặng hơn nếu phát hiện trễ và kiểm soát bệnh kém.

Dưới đây là 4 biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường mà người bệnh cần biết để theo dõi và phát hiện sớm.

1. Bệnh võng mạc (bệnh mắt)

benh vong mac tieu duong

Hầu hết người bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số bệnh về mắt. Đây là một biến chứng diễn tiến âm thầm với kết cục dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và cuối cùng là giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa. 

Hiện chỉ có thể phát hiện biến chứng tại mắt của bệnh tiểu đường thông qua thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc này nên được thực hiện mỗi 1 đến 2 năm một lần và thường xuyên hơn nếu có các bất thường.

Ngoài điều trị kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát về mỡ máu và huyết áp cũng giúp giảm tiến triển bệnh. Các điều trị chuyên sâu sẽ được chỉ định tùy trường hợp cụ thể.

2. Bệnh thận

benh than tieu duong 2

Bệnh thận tiểu đường gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường hơn những người không mắc.

Ngoài xét nghiệm chỉ số Creatinine máu để đánh giá chức năng của thận, các bác sĩ còn sử dụng chỉ số đạm trong mẫu nước tiểu để theo dõi bệnh.

Các xét nghiệm này được kiểm tra định kì mỗi năm 1 lần và các thuốc điều trị chuyên biệt có thể được các bác sĩ kê đơn nhằm giảm tiến triển bệnh.

Thông thường, việc kiểm soát biến chứng thận cần kết hợp với cả kiểm soát huyết áp.

3. Bệnh tim mạch

benh tim mach tieu duong

Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người tiểu đường.

Tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất trên những bệnh nhân mắc tiểu đường. Để tầm soát tăng huyết áp có thể đo huyết áp tại nhà hoặc mỗi khi đi khám. Mức huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên cần được đánh giá bởi bác sĩ và xem xét về việc điều trị bằng thuốc.

Ngoài tăng huyết áp, các bệnh lý về mạch máu như xơ vữa mạch vành tim, mạch máu nhỏ ở chi có thể được phát hiện và đánh giá bằng siêu âm tim, siêu âm mạch máu. Trong đó, phương pháp điều trị và dự phòng hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, giảm cân và ngừng hút thuốc lá.

4. Biến chứng bàn chân tiểu đường

bien chung ban chan tieu duong

Bàn chân tiểu đường là nhóm bệnh lý liên quan đến các biến chứng thần kinh – mạch máu tại chân của những bệnh nhân mắc bệnh.

Đặc điểm của bệnh là diễn tiến chậm, với các triệu chứng không rõ ràng như tê mỏi, lạnh chân, giảm cảm giác của chân khi tiếp xúc với nước nóng, mang giày dép hoặc vớ.

Đặc biệt khi có các vết chai, vết trầy xước, hoặc vết loét, chúng sẽ khó lành và có thể dẫn đến nhiều biến chứng, có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, chẳng hạn như loét chân, nhiễm trùng, hoại tử, dị tật chân, tật bàn chân Charcot...

Bệnh nhân có thể phát hiện sớm các biến chứng này bằng cách lưu ý các dấu hiệu đã đề cập và đến khám khi có bất thường.

Những trường hợp có bệnh lý, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc chân và điều trị thích hợp.

bien chung tieu duong

(Tổng hợp theo HCDC, Cục Quản lý Khám chữa bệnh)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính