Việc hôm nay chớ để ngày mai
Tôi từng thấy một dòng status hơn nghìn lượt chia sẻ thế này:
"Bà nội nói: ‘Sống ở đời thì phải nhanh nhẹn lên, tủ lạnh hết đồ thích ăn thì phải nhớ mua, quần áo thay ra không mặc thì phải giặt ngay. Như thế khi cháu đi làm ở ngoài mệt, sẽ nghĩ "Lát về nhà có thể ăn món mình thích" thay vì "Ôi mệt quá, về nhà còn một đống đồ bẩn phải giặt". Có những thói quen như thế, cuộc sống sẽ đỡ thiệt thòi ấm ức hơn".
Câu này đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Nếu đến chính mình còn không đối tốt với mình, về nhà chẳng có đồ ngon để ăn, còn phải nhìn thấy một đống quần áo bẩn, tưởng tượng đã thấy phiền não.
Dù có bận rộn mệt mỏi đến đâu cũng phải để tâm chăm sóc bản thân. Đừng trở thành cái người mệt mỏi bên ngoài về đến nhà còn phải vùi đầu vào đống quần áo bẩn bà nội nói.
Bạn có cảm giác mình đang sống một cuộc sống thiệt thòi thua kém, nhiều khi là do bạn đang lờ đi những thói quen xấu của mình.
Muốn bớt thiệt thòi, đầu tiên hãy học cách chăm sóc chính mình cho tốt. Mà phương thức chăm sóc bản thân cơ bản nhất, chính là nuôi dưỡng những thói quen tốt.
Nhà cửa luôn sạch sẽ
Có một lần tôi được mời đến nhà đồng nghiệp chơi, nhà cô ấy sạch đến mức dì giúp việc còn phải bảo chẳng còn gì để dọn dẹp nữa. Tôi bèn hỏi cô ấy, bình thường cậu bận rộn như thế, sao vẫn còn thời gian dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thế.
Cô ấy bảo, mình có thói quen "một phút làm việc nhà": nấu ăn xong lập tức lấy giẻ lau bàn bếp; rửa tay, rửa mặt xong lập tức lấy khăn lau vết nước ở bồn rửa; trong lúc đánh răng tiện tay lau gương; trong lúc nấu cơm thuận tay lau cửa tủ lạnh...
Bởi vì giữ thói quen "một phút" này nhiều năm, nên lúc nào nhà cô ấy cũng trong trạng thái sạch sẽ thoải mái. Không còn áp lực từ việc nhà, ngôi nhà trở thành chốn nghỉ ngơi lý tưởng cho cô ấy sau những giờ phút mệt mỏi bên ngoài.
Có những lúc, vài thói quen tốt đơn giản sẽ khiến cuộc sống sau khi tan ca của bạn ung dung hơn. Cho dù ở công ty phải chịu ấm ức như thế nào, về đến ngôi nhà nhỏ sạch sẽ dễ chịu, nằm trên chiếc giường thoải mái, bạn sẽ thấy tất cả mọi việc đều có thể tha thứ được.
Khi dọn sạch rác trong nhà, gấp gọn quần áo, thay ga giường mới, bạn sẽ thấy vui vẻ hơn. Đây hẳn không phải cảm giác của một mình tôi.
Những người có thể chăm sóc bản thân thật tốt, đều là người có thể nghiêm túc duy trì các thói quen tốt.
Hãy sắp xếp đồ đạc thật khoa học
Cô bạn thân của tôi khó khăn lắm mới xin nghỉ được một ngày để đi khám, nhưng đến lúc lấy số xếp hàng rồi mới phát hiện ra mình không mang chứng minh thư và bảo hiểm y tế. Lại phải chạy về nhà lấy, đến lúc quay lại bệnh viện thì đã không còn lấy được số nữa rồi.
Bạn tôi vừa tức giận, vừa tự trách lại vừa ấm ức, bảo tôi, tất cả là tại hôm qua mình đổi túi, quên không chuyển giấy tờ sang túi này.
Tôi biết thói quen của cô ấy, thường xuyên đổi túi rồi lại quên này quên nọ. Bởi vì cô ấy không có thói quen chuẩn bị trước, nên lần nào cũng ra đến cửa rồi mới vội vội vàng vàng bỏ đồ vào túi, đương nhiên là dễ để sót rồi.
Một người bạn khác của tôi, mỗi khi về nhà việc đầu tiên là bỏ hết đồ trong túi xách ra ngoài, để trong một cái giỏ gần cửa ra vào.
Đến hôm sau ra ngoài thì lại lấy đồ từ giỏ cho vào túi. Làm vậy có hai cái lợi: một là kịp thời bỏ đi đồ không cần dùng trong túi; hai là đến ngày hôm sau đổi sang dùng túi khác sẽ không bị quên đồ.
Thói quen nhỏ này rất phù hợp với những người có công việc bận rộn nhưng lại thích đổi túi xách thường xuyên, có thể hạn chế việc để quên để sót đồ trong lúc vội vã.
Mong rằng bắt đầu từ bây giờ, bạn sẽ biết chăm sóc bản thân hơn, có thể sống trong một ngôi nhà sạch sẽ ngăn nắp, có đồ ăn mình thích ăn, có sofa mềm mại, chiếc giường phủ ga thơm mát và lọ hoa tươi xinh xắn trên bàn.
Như thế, những thiệt thòi ấm ức trong cuộc sống cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, và mỗi sáng bạn sẽ thức dậy với nụ cười trên môi.
Tuệ TâmBạn đang xem bài viết 3 thói quen nhỏ giúp cuộc sống của bạn dễ thở, bớt ấm ức, thiệt thòi tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].