Đợt dịch thứ 4 kéo dài đã 3 tháng với những lần bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay đợt dịch này vẫn chưa kết thúc.
Ca bệnh đầu tiên ở Yên Bái
Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam được tính từ ngày 27/4, khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên trong nước sau hơn 1 tháng là nhân viên lễ tân của khách sạn Như Nguyệt 2 (tỉnh Yên Bái), bị lây COVID-19 trong khu cách ly.
Trước đó, từ 18/4, khách sạn này đón đoàn chuyên gia Ấn Độ đến cách ly tập trung, trong đó có 4 người dương tính với COVID-19. Cùng thời điểm, khách sạn cũng có một đoàn chuyên gia Trung Quốc.
Sau khi hết thời gian cách ly tập trung (ngày 23/4), đoàn chuyên gia Trung Quốc đã đi Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn trong khi trong đoàn đã có người mắc COVID-19.
Dịch lây lan ở Vĩnh Phúc, Hà Nội và bùng phát ở Bắc Giang, TP.HCM
Từ đây, dịch bắt đầu lây lan ở Vĩnh Phúc. Nhóm chuyên gia đến sử dụng dịch vụ tại ổ dịch quán Karaoke Sunny (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) khiến nhiều nhân viên và khách hàng của quan ở Vĩnh Phúc mắc COVID-19.
Tiếp đó dịch xuất hiện tại 2 BV lớn ở Hà Nội là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và BV K, khiến 2 BV này phải cách ly y tế kéo dài.
Sau đó dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang với biến thể Delta và hiện nay đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam.
Từ 27/4 đến hết ngày 31/7, 62 tỉnh, thành phố ghi nhận tới 146.249 người nhiễm. 62 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có ca mắc. Dịch bùng phát ở các khu công nghiệp đông công nhân như ở Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai...
Nhiều nhất là các địa phương:
TP.HCM: 92.270 ca. Hai quận có số ca nhiều nhất là Bình Tân và Bình Chánh.
Bình Dương: 16.094
Đồng Nai: 4.388
Long An: 5.761
Bắc Giang: 5.787
Đồng Tháp: 3.117
Tiền Giang: 2.220
Bắc Ninh: 1.720
Hà Nội: 1.397.
Ngoài ra còn rất nhiều tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt như: Tây Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Đà Nẵng... Hiện nay, các ổ dịch tại các tỉnh, thành vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng.
Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận hơn 1.100 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Trong khi đó 3 đợt dịch trước chỉ có 35 ca.
Hiện đã có gần 39.000 bệnh nhân khỏi bệnh.
Đẩy mạnh xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.070.003 mẫu cho 17.356.646 lượt người.
Đã có tổng số liều vắc xin được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.
Việt Nam vẫn đang nỗ lực để tìm các nguồn vắc-xin, thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhằm đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm.
Hiện nay, TP được phân bổ nhiều vắc-xin nhất là TP.HCM với 3 triệu liều. Tình hình dịch phức tạp, TP.HCM đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.
Hà Nội và các tỉnh đang có các điểm nóng dịch COVID-19 cũng đang tích cực triển khai tiêm vắc-xin cho người dân.
Nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, đợt dịch thứ 4, nhiều tỉnh đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 trong thời gian dài.
TP.HCM: Thực hiện Chỉ thị 15 từ 31/5. Từ 9/7 đến nay thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đồng Nai cũng giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 9/7 đến nay.
Bắc Giang: Thực hiện giãn cách xã hội huyện Việt Yên trong thời gian 2 tuần.
Hà Nội cũng đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chưa từng có bắt đầu từ 24/7.
Thủ tướng CP yêu cầu 19 tỉnh, thành phía Nam tiếp tục kéo dài giãn cách tới 17/8. Tùy tình hình thời điểm đó để có quyết định giãn cách tiếp hay không.
Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các Thứ trưởng và lãnh đạo các Cục/Vụ.Viện, các giám đốc BV tuyến Trung ương đã vào hỗ trợ chống dịch trong các tỉnh phía Nam.
V.LinhBạn đang xem bài viết 3 tháng xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4, hơn 146.000 người nhiễm tại 62 tỉnh, TP tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].