Hôm nay 14/7, TP.HCM bước vào ngày thứ 6 thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, những ngày qua, TP.HCM đang tập trung vào 3 tuyến: tầm soát F0 có trọng tâm, trọng điểm với nỗ lực tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất; tuyến 2 là cách ly, thu dung, điều trị F0, tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng; và tuyến 3 là tập trung cho vắc xin ngừa COVID-19. TP.HCM cũng ứng dụng công nghệ vào công tác chống dịch đảm bảo khoa học, chính xác.
Ông Mãi cũng cho biết, TP.HCM đã xây dựng 3 kịch bản có thể sẽ xảy ra sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để chủ động ứng phó:
Thứ nhất, TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19 và xem xét việc thực hiện Chỉ thị 16 thế nào. Lúc đó có thể là giảm Chỉ thị 16, hoặc Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến dịch.
Thứ hai, TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16+ ở nhiều địa bàn.
Thứ ba, tình huống xấu nhất mà không ai mong muốn đó là dịch gia tăng mạnh mẽ và mất kiểm soát. Đối mặt với tình huống này, TP.HCM phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.
“Việc này TP.HCM đang nghiên cứu và đề xuất với Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 để có đề xuất cho phù hợp tình hình. Việc quyết định nhất là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong những ngày còn lại. Từng người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp nghiêm ngặt nhất”, ông Mãi nói.
Tính đến sáng nay 14/7, TP.HCM ghi nhận 17.239 ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ 4. Số ca mắc hàng ngày ở TP.HCM vài ngày gần đây là lên tới 4 con số (hơn 1.000 - gần 2.000 ca/ngày).
Trước tình hình dịch hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức triển khai thí điểm F1, F0 tại nhà. Theo đó, Sở Y tế quy định 2 trường hợp F0 sẽ cách ly tại nhà:
- Đối với trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện: Nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp (CT value ≥ 30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
- Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng: Cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.
V.LinhBạn đang xem bài viết 3 kịch bản cho TP.HCM sau khi thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].