1. Chữ ‘s’ ở thanh URL ghi địa chỉ website
Website hay email mạo danh là cách mà tội phạm mạng thường xuyên lợi dụng để đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng.
Vì vậy, hãy xem xét thật kỹ địa chỉ website trên thanh URL để đảm bảo bạn không mua hàng ở một trang web giả mạo.
Có một chữ ‘s’ nhỏ xíu ở thanh URL có thể giúp bạn trong việc này.
Những trang web hợp pháp thường được bảo mật an toàn, và thường xuất hiện chữ ‘https:’ trên thanh URL, thay vì chỉ ‘http:’.
Chữ ‘s’ ở đây là biểu tượng đảm bảo rằng trang web đó là an toàn (secure). Đây là khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng mà bạn nhất định không nên bỏ qua khi mua sắm online.
2. Trang web chính hãng với biểu tượng ‘ổ khóa’ ở góc tay trái của thanh URL
Bạn có thể nhận được rất nhiều email quảng cáo kèm theo mã giảm giá. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên thực hiện việc mua sắm này bằng cách click ngay vào các đường link được cung cấp thông qua email.
Mở website chính thức của doanh nghiệp bán hàng là cách an toàn hơn. Ví dụ: bạn nhận được email thông báo mã giảm giá của Adidas, đừng click vào bất cứ link nào được cung cấp qua email này để mua sắm.
Để an toàn hơn, hãy mở trang web chính thức của nhãn hàng này để mua sắm, đó là: adidas.com.
Bất cứ chương trình giảm giá nào giới thiệu qua email hay web link sẽ vẫn áp dụng trên website chính thức của nhãn hàng.
Đồng thời, hãy chú ý đến biểu tượng ổ khóa ở góc trái của thanh URL.
Cùng với chữ ‘s’, biểu tượng ổ khóa có nghĩa là trang web bạn đang xem được áp dụng các giải pháp công nghệ đảm bảo an toàn.
Người tiêu dùng có thể yên tâm về việc thông tin thẻ tín dụng, password và thông tin cá nhân không bị đánh cắp khi mua sắm ở những trang web có biểu tượng này.
3. Tuyệt đối không mua sắm khi sử dụng ‘Wi - fi free’
Một nghiên cứu của Pew (một tổ chức khảo sát ý kiến cộng đồng của Mỹ) chỉ ra rằng 1/5 số người trưởng thành ở nước này không chắc chắn về việc mua sắm online ở các địa điểm có sóng Wi – fi miễn phí thì có an toàn hay không.
Thực ra, các địa điểm phát sóng Wi-Fi miễn phí như quán cà phê, các trung tâm mua sắm… là nơi tuyệt đối không nên mua sắm online.
Bạn chỉ nên mua hàng khi sử dụng Wi-Fi tại gia đình hoặc nơi làm việc.
Tội phạm mạng dễ dàng sử dụng mạng Wi-Fi miễn phí để nắm bắt các thông tin đăng nhập vào tài khoản của bạn, số thẻ tín dụng mà bạn nhập để mua sắm online.
Vì vậy, đừng vì tiếc thời gian mà tranh thủ mua hàng online trong lúc chờ cà phê ở quán Starbucks. Bạn sẽ phải hối hận vì có thể bị mất tiền oan từ tài khoản ngân hàng hay thẻ Visa.
Vì sao dịp cuối năm là ‘thời cơ vàng’ cho tội phạm mạng?
Theo ACI Worldwide, một doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp thanh toán online cho các ngân hàng, doanh nghiệp trên toàn cầu, các vụ lừa đảo online tăng 31% vào mùa mua sắm cuối năm năm 2016 so với mức trung bình cả năm.
Mùa mua sắm cuối năm tạo điều kiện ‘trú ẩn’ thuận lợi cho tội phạm mạng theo 2 cách:
. Người tiêu dùng thường sao nhãng nhiều hơn so với các dịp khác trong năm.
. Các ngân hàng và trung tâm thẻ tín dụng khó phát hiện ra các giao dịch bất thường hơn so với dịp không cao điểm.
Khi mua sắm online đang trở thành xu thế nở rộ toàn cầu, thì người tiêu dùng càng có nhiều nguy cơ bị tội phạm mạng tấn công. Hãy tỉnh táo vào dịp mua sắm cuối năm để không bị ‘mất tiền oan’ vì thiếu hiểu biết.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 3 biểu tượng nhỏ xíu giúp bạn không mất tiền oan khi mua hàng online tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].