Một nhà văn tự do kiêm bà mẹ Mỹ tên Kate Lewis đã rút ra những bài học quý giá về lối sống tối giản khi quan sát cách các bà mẹ Nhật chăm con.
"Khi sinh con đầu lòng, vợ chồng tôi quyết tâm sống tối giản nhất có thể. Chúng tôi từ chối hầu hết các phụ kiện em bé được cho là cần thiết và cất đi nhiều món quà chưa mở mà bạn bè, người thân tặng cho con trai, để dùng lại năm sau. Con còn nhỏ mà, chúng tôi nghĩ. Thế giới rộng lớn ngoài kia mới là thứ đáng để khám phá. Con chưa cần đồ đạc.
Nhưng khi chuyển đến Nhật Bản, chúng tôi mới nhận ra mình còn cách xa lối sống đơn giản mà chúng tôi muốn xây dựng trong gia đình. Vừa vật lộn lên toa tàu ưu tiên với chiếc xe đẩy nặng trĩu và túi bỉm sữa cồng kềnh, tôi nhìn sang các bà mẹ Nhật. Họ địu con bên người, không mang theo túi đồ lỉnh kỉnh nào cả.
Trông họ khác xa hình ảnh con lạc đà thồ hàng tôi đây, và tôi biết mình vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Việc chuyển đến Nhật giúp tôi hiểu rõ đã đến lúc phải tối giản hoá.
Tôi đã học được 3 bài học chính từ các bà mẹ Nhật giúp cuộc sống và những chuyến đi chơi cùng con trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Bài học 1: Địu con thay vì dùng xe đẩy
Khi mới sinh con trai, tôi được tặng một chiếc địu nhưng hầu như không bao giờ dùng ngoài những lúc phải bế con để nấu ăn hay dỗ bé quấy khóc. Ở Mỹ, khi ra ngoài chơi, chúng tôi luôn mang theo xe đẩy. Nhưng ở Nhật, các mẹ thường địu con mọi nơi, mọi lúc.
Dễ thấy tại sao bài học này lại tạo nên những thay đổi lớn. Khi bạn địu con, bạn sẽ không thể mang theo nhiều thứ khác.
Việc địu con cũng mang lại vô số lợi ích. Một nghiên cứu của Nhật Bản đã xem xét phương pháp dỗ trẻ quấy khóc truyền thống là bế bé lên và đi lại. Họ phát hiện rằng trẻ được địu thường thư giãn hơn và nhịp tim ổn định hơn.
Bài học 2: Không mang túi lỉnh kỉnh
Ở Nhật, các bà mẹ không cần thiết phải mang quá nhiều đồ đạc cho mỗi chuyến đi. Những chiếc máy bán hàng tự động với đầy đủ nước, lọc nước trái cây và thậm chí cả cà phê nóng cho phụ huynh có ở khắp nơi. Mọi cửa hàng bách hoá đều có phòng cho con bú được trang bị màn che, bàn thay tã và lò vi sóng để hâm sữa.
Đặc biệt, mọi nơi đều có cửa hàng tiện lợi hoặc nhà thuốc gần đó. Theo số liệu năm 2024, Nhật Bản có 21.566 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, với 2.891 cửa hàng chỉ tập trung ở khu vực Tokyo. Bạn cũng có thể tìm thấy nhà thuốc ở hầu hết mọi ga tàu tại các thành phố lớn. Vì vậy, nếu bạn cần thêm tã hoặc khăn lau, luôn có một cửa hàng đầy đủ hàng hóa gần đó.
Nếu cần một món ăn nhẹ nhanh chóng, lành mạnh và rẻ tiền, các bà mẹ có thể chọn ngay món cơm nắm, thường được bọc trong rong biển, giúp trẻ dễ cầm nắm và ăn khi di chuyển.
Bài học 3: Bỏ bớt đồ dùng
Không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản là quê hương của chuyên gia ngăn nắp nổi tiếng thế giới Marie Kondo, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống". Trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc, Kondo khuyên mọi người bắt đầu với một bước không ngờ: loại bỏ bớt và tối giản hoá đồ đạc.
Có một thực tế là nhà ở Nhật Bản trung bình thường nhỏ hơn nhiều so với nhà ở phương Tây. Vì vậy, họ đơn giản không có chỗ cho quá nhiều đồ.
“Một cuộc đại cải tổ ngôi nhà sẽ mang lại những thay đổi tương ứng mạnh mẽ về lối sống và quan điểm, từ đó làm thay đổi cuộc sống” - Kondo khẳng định trong cuốn sách của mình.
Từ góc độ nuôi dạy con cái, điều này hoàn toàn đúng. Tối giản đồ đạc giúp bạn biết rõ mình có những gì và tạo tấm gương tốt cho trẻ noi theo. Bạn sẽ không thể mang quá nhiều đồ nếu bạn không có nhiều đồ. Con trai hai tuổi của tôi vui vẻ dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, tất cả vừa vặn trong một chiếc giỏ nhỏ ở phòng khách. Khi nào chiếc giỏ hết chỗ, chúng tôi sẽ biết là cần cho bớt đi.
Trước đây, chúng tôi thường mang theo đủ thứ khi đi tàu quanh Tokyo: từ hình dán và ô tô đồ chơi cho con trai, quả bóng để chơi ngoài công viên, gấu bông để bé ôm.
Giờ đây, chúng tôi đã rút ra bài học từ việc quan sát các bà mẹ Nhật. Tạm biệt những chiếc túi bỉm sữa khổng lồ và đồ chơi lỉnh kỉnh. Chúng tôi chỉ mang theo những gì giản tiện nhất. Cuộc sống của chúng tôi nhờ thế mà dễ dàng hơn rất nhiều."
Về tác giả Kate Lewis
Kate là một nhà văn và tiểu thuyết gia tự do người Mỹ, từng cùng gia đình sinh sống nhiều năm tại Nhật Bản. Gia đình Kate đã hòa mình vào cuộc sống Nhật Bản, nỗ lực học tiếng, tiếp thu văn hóa và ẩm thực ở đất nước này.
(Theo Savvy Tokyo)
Bạn đọc theo dõi chuyên đề Làm sao để con khoẻ- mẹ nhàn TẠI ĐÂY
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 3 bài học về tối giản khi chăm con của các bà mẹ Nhật tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].