Báo Điện tử Gia đình Mới

2 điều cần làm ngay trước khi Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị 'khai tử'

Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức không còn giá trị sử dụng. Từ bây giờ, người dân cần làm ngay 2 việc để không gặp phải khó khăn khi sử dụng các dịch vụ hành chính.

Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, từ ngày 1-1-2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng. Những sổ đã được cấp cho công dân sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31-12-2022.

Để không gặp phải khó khăn khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng, công dân cần làm ngay những điều này:

Cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Theo Luật Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tại Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...

Như vậy, nếu công dân chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau 31-12-2022.

Những thông tin trên Cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

F2294DDE-E780-4306-B9C9-EED3E8E77FCF

2. Làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Như đã đề cập, những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan công an sẽ sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 12 Luật Căn cước công dân quy định số định danh cá nhân như sau: số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Do đó, nếu công dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân 9 số, tức là chưa biết số định danh cá nhân của mình, sẽ rất khó khăn trong việc xin xác nhận thông tin về cư trú.

Mọi công dân đến độ tuổi làm Căn cước công dân nhưng chưa đi làm thì cần nhanh chóng đi làm ngay nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO