2/9 là ngày gì, ý nghĩa lịch sử của ngày 2/9

2/9 là ngày gì, ngày này có sự kiện gì đặc biệt, ý nghĩa lịch sử của ngày 2/9 với người dân Việt Nam là gì?

Ngày 2/9 là ngày gì?

Mùng 2/9 là ngày Quốc khánh của nước Việt Nam, sở dĩ gọi là ngày Quốc khánh vì chính ngày này năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc khánh theo từ điển tiếng việt được hiểu là ngày lễ mững chung của cả nước kỷ niệm ngày thành lập nước.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có ngày quốc khánh, và ngày này thường được xác định vào ngày mà đất nước được thành lập (ngày đất nước giành độc lập).

hcm5

Như ở Hoa Kỳ, ngày quốc khánh được xác định là ngày 4/7 hằng năm, và được lấy từ ngày 4/7/1776 ngày mà Hoa Kỳ tuyên bố giành độc lập khỏi Vương quốc Anh.

Bỉ lấy ngày 21 tháng 7 hàng năm là ngày quốc khánh, xác định trên cơ sở ngày 21/7/1831 ngày mà Bỉ dành độc lập khỏi vương quốc Liên hiệp Hà Lan

Oman lấy ngày 18/11 hằng năm là ngày quốc khánh, xác định trên cơ sở ngày 18/11/1650 ngày mà Oman giành độc lập khỏi Bồ Đào Nha.

Và ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, 2/9 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), được xác định trên cơ sở ngày 2/9/1945 ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố độc lập khỏi đế quốc thực dân Pháp và đế quốc Nhật Bản.

Tại khoản 4 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định "Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945."

Sự kiện đặc biệt trong ngày 2/9/1945

Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 đã đi vào lịch sử, là ngày độc lập dân tộc, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời ở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 Từ sáng sớm ngày 2/9/1945, hàng chục vạn người với hàng ngũ chỉnh tề dồn về lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa Quảng Trường Ba Đình; các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng với quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài; hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới. Cùng giờ nhiều cuộc mít tinh lớn cũng được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và một số thành phố khác.

hcm1

Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo kaki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phóng thanh, thay mặt Chính phủ lâm thời - Người đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam, với thế giới: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời!"

Tuyên ngôn nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới.

hcm3

Tuyên ngôn khẳng định: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Ý nghĩa lịch sử của ngày 2/9

Ngày 2/9/1945 ngày mà bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân, trước thế giới về việc khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập, tự do; tuyên bố dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc - những quyền thiêng liên bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc.

hcm2

Đây chính là ngày mà một dân tộc đã chịu bao áp bức, bóc lột, nhân dân đã trải qua nhưng cuộc đạn lạc, mưa bom tuyên bố với cả thế giới về sự độc lập, tự do một cách hùng tráng, đầy tinh thần yêu nước và tự hào về đất nước của người dân Việt Nam.

Là con dân Việt Nam không một ai có thể quên được thời khắc thiêng liêng, trọng đại của dân tộc ngày 2/9/1945. Bản tuyên ngôn độc lập được tuyên bố ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập - tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945 như một mốc son chói lọi, như một "nhân chứng lịch sử" cho những chiến tích vẻ vang của dân tộc ta.

hcm6

Sự kiện ngày 2/9/1945, ngày Quốc khánh mùng 2/9 không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn là lời nhắc nhở thế hệ sau khi sinh ra trong hòa bình, không phải trải qua, chứng kiến cảnh đất nước bị chia cắt, súng đạn và chiến tranh phải biết trân trọng những thành quả lớn lao mà các anh hùng dân tộc đã hy sinh xương máu mới có được. Từ đó phải luôn không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập - tự do của Tổ quốc.

Tuệ Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính