Tác dụng phụ của thuốc
Có rất nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây khó chịu và khiến cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn uống. Đó có thể là thuốc giảm đau, thuốc huyết áp, kháng sinh…
Vì vậy, bỗng dưng mất cảm giác thèm ăn, bạn có thể nghĩ đến loại thuốc mình đang sử dụng. Nếu có uống thuốc, hãy chắc chắn rằng bạn đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng bởi các hãng thuốc thường ghi rõ tác dụng phụ trong đó. Hoặc bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị cho mình khi có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài nhé.
Cảm lạnh và cảm cúm
Một số bệnh thông thường có thể khiến bạn mất cảm giác thèm ăn. Ví dụ như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, do vi rus, vi khuẩn.
Ngoài ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, buồn nôn, và ngộ độc thực phẩm cũng gây ra tình trạng tương tự. Bạn thậm chí có thể bị mất nước và sợ ăn khi mắc những vấn đề này.
Suy tuyến giáp
Nhiều người nghe đến tuyến giáp nhưng vẫn chưa hình dung ra nó làm nhiệm vụ gì trong cơ thể. Tuyến giáp có chức năng tiết ra hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất và sự thay đổi trong việc sản xuất hormone có thể khiến bạn thay đổi khẩu vị.
Và theo các chuyên gia trường Đại học Harvard, khi tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hay tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể khiến bạn không không có cảm giác đói.
Mang thai
Nếu đang ở độ tuổi mang thai và có quan hệ tình dục, khi thấy mình không thích ăn, chán ăn uống, rất có thể bạn đã mang thai mà không biết.
Dấu hiệu chán ăn, buồn nôn khi mang thai thường không nghiêm trọng lắm. Bởi rất nhiều phụ nữ mang thai cảm giác buồn nôn trong ba tháng đầu dẫn đến mất cảm giác ngon miệng, dạ dày rất khó chịu.
Do hút thuốc
Thói quen hút thuốc gây hại cho cơ thể và nó có thể kích thích dạ dày khiến bạn cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi. Khi hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng và bạn có thể mất cảm giác ngon miệng.
Vì vậy, nếu bạn hút thuốc quá nhiều, hãy ngừng hút thuốc xem nhé. Bạn sẽ có cảm giác ăn ngon miệng hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn và tất nhiên bạn sẽ có nhiều tiền hơn để ăn những món ngon tốt cho sức khỏe.
Nghiện rượu bia
Rất nhiều người uống rượu bia đến quên cả ăn. Họ có thể uống cả ngày không chán và chỉ ăn qua loa.
Những người uống nhiều rượu bia thường có cảm giác bồng bềnh vì say chứ không phải vì thực phẩm chứa nhiều calo. Họ không có cảm giác thèm ăn uống, đặc biệt là những thực phẩm tốt cho cơ thể.
Trầm cảm
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ, thiếu năng lượng và chán ăn có thể xảy ra ở những người mắc bệnh trầm cảm.
Trong đó có loại trầm cảm sau sinh, phiền muộn, rối loạn thần kinh và trầm cảm theo mùa. Như vậy, nếu bạn cảm thấy chán ăn trong một khoảng thời gian dài đi kèm với những dấu hiệu trầm cảm, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.
Sa sút trí tuệ
Ít ai biết rằng những người mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác có thể khiến họ quên ăn và họ cũng gặp khó khăn trong việc quản lý thực phẩm, sắp xếp bữa ăn, giờ ăn như thế nào cho hợp lý.
Họ không biết ăn gì, mua gì và chuẩn bị thức ăn như thế nào. Ngoài ra, những người suy giảm trí nhớ cũng có thể mắc chứng trầm cảm dẫn đến mất cảm giác ngon miệng.
Căng thẳng
Theo Mayo Clinic, những rối loạn về sự điều chỉnh như căng thẳng về gia đình, thất nghiệp, hay mất đi người thân đều dẫn đến những thay đổi về cảm giác ăn uống.
Những vấn đề khó khăn trong cuộc sống có thể khiến mọi người ăn quá nhiều hoặc không thèm ăn. Vì vậy, nếu bỗng nhiên bị chán ăn, bạn có thể nghĩ đến những vấn đề mình gặp gần đây để tìm ra nguyên nhân nhé.
Mất nước
Mất nước là tình trạng thường gặp ở một số người lười uống nước hoặc đang mắc một số vấn đề như tiêu chảy, sốt...
Khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, bạn có thể cảm thấy ốm yếu, thiếu năng lượng. Vấn đề này thường xảy ra ở những người lớn tuổi và khi chúng ta già đi, chúng ta thường mất đi cảm giác thèm ăn.
Gặp vấn đề về tiêu hóa
Hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và một số vấn đề về sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến bạn chán ăn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn, đau, thậm chí bị táo bón hoặc tiêu chảy. Đặc biệt, hội chứng ruột kích thích cũng có thể gây ra loét miệng gây khó khi ăn.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) còn được gọi là trào ngược axit – một bệnh tiêu hóa có thể khiến bạn chán ăn một cách trầm trọng.
Những người bị căn bệnh này thường có triệu chứng ợ nóng, thức ăn có thể đẩy ngược lên thực quản sau khi ăn xong. Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, bạn cũng có thể ợ chua và khó chịu về đêm, cổ họng bị kích thích và hạn chế sự thèm ăn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Một số loại bệnh phổi như viêm phế quản mãn tính và hen suyễn có liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những ai bị vấn đề này thường làm giảm sự thèm ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng.
Lý do là vì khi phổi không được khỏe, bạn phải tránh hoạt động và nó có thể mất cảm giác ngon miệng khi ăn uống. Hơn thế nữa, bệnh nhân mắc COPD cũng có thể bị trầm cảm gây ra tình trạng chán ăn.
Mắc bệnh ung thư
Nếu chán ăn trong một thời gian dài, bạn có thể đã mắc một số bệnh ung thư như ung thư dạ dày, đại tràng, tuyến tuỵ, và ung thư buồng trứng. Chán ăn cũng có thể là hậu quả của hội chứng gây rối loạn chuyển hóa do ung thư hoặc trong quá trình điều trị ung thư.
Những cuộc xét nghiệm có thể tìm ra những bệnh ung thư này và phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị thành công cao hơn. Và bạn đừng do dự nói cho bác sĩ biết mình chán ăn như thế nào nhé.
Điều trị ung thư
Một số cách điều trị ung thư dạ dày và ung thư ruột như hóa trị, xạ trị, miễn dịch trị liệu có thể khiến bạn chán ăn. Một số tác dụng phụ của thuốc như miệng khô, buồn nôn và đau miệng có thể khiến bệnh nhân khó khăn trong việc ăn uống. Nhưng các bác sĩ có thể giúp bạn điều trị những tác dụng phụ của thuốc và giúp bạn ăn uống ngon miệng hơn.
(Theo TheHealthy)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết 15 lý do khiến bạn chán ăn dù trước đó ăn gì cũng thấy ngon tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].