Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để du lịch cùng gia đình hoặc bạn bè. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiệt độ tăng cao nhất trong năm, nếu không chú ý phòng tránh say nắng, bạn có thể dễ dàng bị ảnh hưởng. Dưới đây là 12 cách giúp bạn tránh say nắng trong mùa hè.
1 Say nắng là gì?
Say nắng là một tình trạng đe dọa tính mạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên trên 40 độ C. Nó thường là kết quả của việc gắng sức quá mức trong điều kiện nóng ẩm. Các triệu chứng có thể bao gồm nhầm lẫn, co giật hoặc mất ý thức. Say nắng nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy nội tạng, hôn mê hoặc tử vong.
Say nắng đe dọa tính mạng khi cơ thể vượt quá 40 độ C
2 Các triệu chứng say nắng
Triệu chứng say nắng ở người lớn
Các triệu chứng say nắng có thể xuất hiện nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người. Đột quỵ do nhiệt là trường hợp cần thiết phải cấp cứu y tế.
Đối tượng dễ bị say nắng thường gặp ở người cao tuổi (trên 65 tuổi) và trẻ sơ sinh. Đồng thời những người tập thể dục hoặc có những công việc đòi hỏi thể chất phải hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng. Dù ai cũng có thể bị say nắng, điều quan trọng là nhận biết triệu chứng.
Các triệu chứng của say nắng bao gồm:
- Sốt cao (da có cảm giác nóng, rát khi chạm vào).
- Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc da khô không đổ mồ hôi.
- Chuột rút cơ bắp.
- Nhịp tim nhanh, thở nhanh.
- Huyết áp thấp.
- Mất thăng bằng, mất phương hướng.
- Hành vi thất thường.
- Chóng mặt.
- Đau đầu.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Mất nước (khô miệng và khát nước dữ dội).
- Lượng nước tiểu ít hoặc nước tiểu sẫm màu.
- Suy giảm thể chất.
- Hôn mê.
Triệu chứng say nắng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thiếu khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể một cách hiệu quả. Say nắng có thể gây ra tình trạng khẩn cấp y tế ở trẻ em và sơ sinh. Triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt từ 39,4°C trở lên.
- Mất ý thức.
- Da nóng, khô hoặc đổ mồ hôi.
- Da đỏ bừng.
- Nhịp tim nhanh.
- Hô hấp yếu.
- Thờ ơ hoặc chậm chạp.
- Lú lẫn.
Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ trẻ bị say nắng, đặc biệt nếu trẻ ở trong môi trường có nhiệt độ cao.
3 Nguyên nhân gây ra tình trạng say nắng
Say nắng xảy ra khi cơ thể bạn không thể tự điều chỉnh nhiệt độ. Nhiệt độ bình thường của cơ thể khoảng 37 độ C được duy trì bởi vùng dưới đồi (một phần của não bộ). Nếu cơ thể bạn hấp thụ nhiều nhiệt hơn lượng nhiệt tỏa ra, nhiệt độ bên trong cơ thể sẽ tăng lên, vượt quá ngưỡng bình thường và dẫn đến say nắng.
Say nắng thường xảy ra khi ở trong môi trường rất nóng và ẩm ướt. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ sau cũng làm tăng nguy cơ say nắng :
- Uống rượu, không uống đủ nước.
- Mặc quần áo dày hoặc tối màu trong môi trường nóng
- Bệnh tiểu đường: một số biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không thể làm mát hiệu quả.
- Tuổi tác: Trẻ sơ sinh và người lớn trên 65 tuổi thường khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể (Điều này có thể làm cho họ dễ bị say nắng hơn khi gặp nhiệt độ cao)
- Người già dễ bị say nắng khi ở những khu vực trong nhà quá nóng so với ngoài trời
4 Những giải pháp phòng tránh say nắng mùa hè
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Đây là một biện pháp đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu bạn phải ra ngoài khi thời tiết còn nắng thì nên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho cơ thể như đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính mát… Điều này sẽ làm giảm lượng nhiệt hấp thụ vào cơ thể và tránh sự gia tăng thân nhiệt.
Theo khuyến nghị của Bộ Y Tế, bạn nên tránh ra ngoài vào thời gian khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Bởi đây là lúc nhiệt độ tăng cao nhất trong ngày.
Bộ Y Tế khuyên hãy tránh ra ngoài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm nhiệt độ cao nhất
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Vào những ngày nhiệt độ tăng cao, bạn nên sắp xếp cho bản thân một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động quá sức sẽ làm mất nước nhiều và rơi vào tình trạng say nắng.
Bạn nên thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng, không mất nhiều sức để tránh việc đổ mồ hôi. Trong trường hợp vẫn phải lao động mạnh thì hãy dành thời gian nghỉ ngơi và bổ sung đủ nước.
Bổ sung đủ nước
Việc bổ sung đủ nước không chỉ là một trong những biện pháp phòng chống say nắng mà còn giúp bạn điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, cải thiện tâm trạng và sức khỏe tiêu hóa. Vì vậy hãy luôn mang theo một chai nước bên mình mỗi khi ra ngoài để tránh tình trạng mất nước.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tăng cường nước cho cơ thể bằng cách thưởng thức rau xanh và trái cây như rau diếp cá, bắp cải, dưa hấu,... Đây không chỉ là nguồn nước tự nhiên giàu dinh dưỡng mà còn cung cấp nhiều vitamin và chất xơ quan trọng cho sức khỏe.
Đặc biệt, đối với những người thường xuyên mất nước qua mồ hôi trong quá trình làm việc, việc sử dụng nước uống chứa muối và khoáng chất như oresol sẽ rất hữu ích, nhưng nhớ tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất.
Xem thêm: Cách bổ sung nước cho cơ thể an toàn và hiệu quả trong mùa nắng nóng
Bổ sung đủ nước không chỉ phòng tránh say nắng mà còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và cải thiện tâm trạng
Không ngồi quá lâu trong xe ô tô đang tắt máy
Khi xe ô tô tắt máy, đồng nghĩa với việc máy lạnh không hoạt động. Sau một thời gian ngắn, nhiệt độ bên trong sẽ tăng cao hơn so với bên ngoài. Nếu bạn tiếp tục ngồi lâu trong xe một thời gian dài, không gian kín sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, dễ gây say nắng.
Đừng ngồi quá lâu trong xe ô tô tắt máy vì có thể gây nóng bức và không tốt cho sức khỏe
Giữ môi trường sống luôn mát mẻ
Giữ môi trường sống mát mẻ không chỉ giúp phòng tránh say nắng mà còn tăng cường tâm trạng và hiệu suất làm việc khi bạn ở trong môi trường thoải mái và thoáng mát.
Các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.
Giữ môi trường sống mát mẻ không chỉ giúp phòng tránh say nắng mà còn tăng cường tâm trạng
Chọn quần áo sáng màu, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt
Trong thời tiết nắng nóng, việc đổ mồ hôi là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn hãy chọn quần áo thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt. Bạn nên chọn những loại sáng màu như màu xanh da trời, trắng… bởi những loại màu này sẽ giúp giảm hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời. ,
Xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng
Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể thường cảm thấy mệt mỏi và chán ăn. Thay vì chỉ ưa thích thực phẩm lạnh và nước đá, hãy tập trung vào việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ăn trái cây giàu nước, rau xanh và thêm canh vào khẩu phần hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe và đề kháng của cơ thể.
Ăn trái cây giàu nước, rau xanh và thêm canh vào khẩu phần hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên
Khi ra ngoài trời nắng, ngoài việc trang bị đầy đủ những đồ dùng bảo hộ bạn không nên bỏ qua việc sử dụng kem chống nắng.
Bạn nên chọn những loại kem chống nắng có chỉ số đo lường khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB (SPF) từ 30 trở lên để bảo vệ làn da của bạn tốt nhất và nên thoa kem trước khi ra ngoài khoảng 15- 30 phút để sản phẩm kịp thẩm thấu và phát huy tác dụng.
Thường xuyên lau cơ thể bằng khăn ẩm
Một biện pháp chống nắng đơn giản và dễ thực hiện khác là thường xuyên lau cơ thể bằng khăn ấm nhằm giúp cơ thể hạ nhiệt. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi, nếu không kiểm soát thì mồ hôi sẽ thấm vào quần áo hoặc thấm ngược vào bên trong cơ thể dẫn đến cảm lạnh.
Hạn chế các hoạt hoạt ngoài trời khi trời nóng và ẩm
Khi trời nóng và ẩm, việc tham gia các hoạt động ngoài trời khiến cho cơ thể mệt mỏi, mất sức và dễ rơi vào tình trạng say nắng.
Nếu không thể hạn chế, bạn nên chọn những thời điểm như sáng sớm hay tối muốn để tham gia bởi đây là những thời điểm mà ít bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời nhất.
Hãy hạn chế các hoạt động ngoài trời khi thời tiết nóng và ẩm, để tránh nguy cơ mất nước và say nắng
Sử dụng điều hòa hoặc quạt khi thời tiết nắng nóng
Một biện pháp đơn giản khác để làm giảm nhiệt độ cơ thể là sử dụng các thiết bị làm mát. Tuy nhiên nếu đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, bạn cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Tránh ra ngoài đột ngột vì dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. ,
Chú ý thành phần của một số loại thuốc điều trị bệnh
Thành phần của một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chữa trầm cảm, rối loạn tâm thần… ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và hạ nhiệt của cơ thể. Điều này làm cho bạn dễ rơi vào tình trạng say nắng hơn.
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc trên, hãy chú ý thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng chống say nắng đã nêu trên.
5 Cách xử lý khi bị say nắng
Say nắng là một trường hợp cấp cứu y tế. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ biểu hiện mà sẽ có những cách xử lý khác nhau:
Mức độ nhẹ:
- Di chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió hoặc vào phòng có máy lạnh.
- Nới lỏng quần áo của nạn nhân, cởi bỏ quần áo thừa.
- Nhanh chóng hạ nhiệt cơ thể nạn nhân bằng khăn mát, đặt nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ.
- Xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
- Hạn chế nhiều người vây xung quanh nạn nhân.
Mức độ nặng:
Nếu nạn nhân có những biểu hiện ở mức độ nặng như hạ huyết áp, hôn mê, co giật… thì cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa. Lưu ý trong quá trình di chuyển hãy luôn chườm mát cho nạn nhân.
Xem thêm:
- Cách chăm sóc da mùa hè và 12 loại mỹ phẩm giúp bạn có làn da khỏe đẹp
- 8 thói quen cần tránh khi thời tiết nắng nóng giúp bảo vệ sức khỏe
Trong bài viết này đã chia sẻ các biện pháp phòng tránh say nắng đơn giản và hiệu quả, giúp bạn dễ dàng thực hiện. Hy vọng rằng thông qua những thông tin này, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích để bảo vệ sức khỏe trong mùa hè nắng nóng. Nếu thấy hay và hữu ích hãy chia sẻ đến bạn bè, người thân nhé!
Bạn đang xem bài viết 12 giải pháp phòng tránh say nắng mùa hè bạn không nên bỏ qua tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].