1. Thay đổi vị trí quen thuộc của các mặt hàng trong siêu thị
Bạn có thể đã từng đọc một vài mẹo nhỏ khi đi siêu thị, trong đó có "chiêu" lên danh sách những thứ cần mua, tránh la cà đi nhiều gian hàng để rồi sẽ ra về với hàng loạt món đồ mà ban đầu bạn hoàn toàn không có ý định mua. Dĩ nhiên, những người chủ của siêu thị hiểu rất rõ điều này và họ cũng đưa ra "chiêu" để đối phó lại.
Dù là siêu thị quen, bạn sẽ thấy các gian hàng được xáo trộn và để tìm được món đồ bạn cần, bạn sẽ phải đi qua rất nhiều khu vực. Trong lúc đó, có thể bạn sẽ bị thu hút và nhặt vào giỏ đồ biết bao nhiêu thứ khác mà chính bạn cũng không ngờ.
2. Đặt sản phẩm trong tầm mắt người mua một cách có chiến lược
Các siêu thị thường có chiêu đặt các sản phẩm mà họ có lợi nhuận cao trong tầm mắt bạn, bởi vì các nghiên cứu chỉ ra rằng người ta có xu hướng lấy những sản phẩm trong tầm mắt mình.
Những vị trí gần với tầm mắt của người mua do đó được bày những sản phẩm có giá tiền cao hơn, so với những sản phẩm ở các kệ dưới, dù là cùng chủng loại.
3. Khu vực thanh toán không tiện lợi
Hơn 60% khách hàng bỏ lại đồ khi đứng chờ thanh toán. Để hạn chế cơ hội bỏ lại hàng của khách, khu vực thanh toán thường được thiết kế chật chội, khiến bạn ngại bỏ lại món hàng không cần thiết xuống, đặc biệt khi bạn dùng xe đẩy.
4. Không có cửa sổ hay đồng hồ
Nếu tinh ý một chút bạn sẽ nhận ra khi bước chân vào "thế giới mua sắm" này, bạn hoàn toàn mất ý niệm về thời gian. Siêu thị không hề có cửa sổ hay đồng hồ.
Mục đích của việc này là để bạn không biết được giờ, không cảm nhận được trời đang tối dần và cứ thế bị cuốn vào việc lựa chọn đồ, mua sắm.
5. Giỏ hàng cỡ lớn
Những giỏ hàng mà bạn sử dụng trong siêu thị đều được thiết kế mang tính chiến lược, để kích thích bạn mua sắm nhiều hơn.
Khi bạn xách hay đẩy một chiếc giỏ lớn, bạn có xu hướng mua để lấp đầy nó, hoặc ít nhất là khiến nó không quá trống trải. Đó là lý do khiến bạn mua thêm nhiều sản phẩm mà trước đó bạn thực sự chẳng cần.
6. Cảm giác nhẹ nhàng, bình yên khi mua sắm
Ở các trung tâm thương mại lớn, khu vực sảnh, hành lang có thể được thắp điện sáng trưng, âm nhạc lớn để tạo sự thu hút. Tuy nhiên, khi bạn bước chân vào một gian hàng nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi.
Cửa hàng sẽ sử dụng ánh sáng dịu nhẹ, âm nhạc du dương, nhẹ nhàng… điều này tạo nên cảm giác thư thái, bình yên để bạn thảnh thơi mua sắm. Bạn sẽ lang thang trong gian hàng đến cả tiếng đồng hồ.
7. Đặt những món đồ rẻ tiền, bắt mắt ở quầy thanh toán
Chẳng phải tự nhiên mà ở quầy thanh toán luôn có những món lặt vặt, bắt mắt với giá rẻ. Trong khi mọi người dừng chân chờ thanh toán, họ dễ bị "dụ" bởi những món này và tiện tay vớ lấy chúng.
Thế nên bạn đừng lấy làm lạ khi có rất nhiều kẹo bánh ở quầy thanh toán tiền, chúng được đặt trong những chiếc giá thấp mà trẻ em có thể với tới, bởi đây là cách để siêu thị "móc" ví tiền của bạn thông qua chính em bé của bạn đấy.
8. Chiếc gương thần thánh trong phòng thử đồ
Những chiếc gương ở các cửa hàng thời trang đa phần sẽ giúp bạn trông cao hơn, làn da trắng hơn để phù hợp với mọi màu sắc của trang phục và đặc biệt là trông bạn thon gọn, gầy hơn.
Dĩ nhiên những chiếc gương này được thiết kế đặc biệt hơn. Chúng lại được "trợ giúp" bởi hệ thống ánh sáng với màu sắc hắt vào người làm cho bạn trở nên xinh đẹp hơn. Đây chính là tuyệt chiêu giúp tăng doanh số bán hàng.
9. Tận dụng hiệu ứng ánh sáng
Bạn đừng ngạc nhiên khi thực phẩm tươi roi rói, rau trở nên mướt mát, xanh hơn dưới ánh đèn rực rỡ. Hoặc tại các quầy đồ lót và quần áo, ánh sáng trở nên sáng nhẹ, dịu mát, giúp gương mặt bạn lẫn quần áo đều không hề xỉn màu.
Đây chính là một trong những chiêu thức để siêu thị dụ khách hàng mua thêm đồ, đơn giản vì nó mát mắt họ. Thiết kế ánh sáng phù hợp chính là một trong những nghệ thuật bán hàng ở các siêu thị.
10. Hiệu ứng "đám đông" giả tạo
Theo suy nghĩ thông thường, khi lựa chọn cửa hàng ăn uống, bạn sẽ ghé vào nhà hàng nào đông người, khi lựa chọn đồ mua sắm, bạn sẽ xem mặt hàng đó bán chạy hay không.
Nắm được thói quen tư duy này của khách, chủ siêu thị sẽ "bày binh bố trận", tạo ra sự "hút khách giả" để đánh lừa người mua.
11. Đặt 2 mặt hàng vẻ ngoài tương đồng với mức giá khác nhau ở cạnh nhau
Đây cũng là một "bí quyết" của người bán hàng. Trên thực tế là "tiền nào của nấy". Mặc dù những sản phẩm này có vẻ ngoài tương đối giống nhau nhưng chiếc ấm đắt hơn sử dụng tốt hơn, bền hơn.
Ấy vậy nhưng nhìn giá thành, chắc chắn chiếc ấm rẻ kia sẽ bán chạy hơn. Tâm lí của khách hàng khi mua sắm là chỉ quan tâm tới giao dịch nào rẻ hơn thay vì quan tâm tới giá trị thực của sản phẩm.
Minh KhuêBạn đang xem bài viết 11 tuyệt chiêu các siêu thị sử dụng để âm thầm rút cạn ví của bạn mà không nhận ra tại chuyên mục Sống Hạnh Phúc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].