1. Khi bị nhìn vào màn hình điện thoại hay máy tính
Màn hình điện thoại hay máy tính được "mặc định" là không gian riêng tư, nơi bạn có thể đang nhắn tin với bạn bè hay làm đủ thứ việc trên trời dưới biển. Thế nhưng có một số người có thói quen vừa nói chuyện vừa nhìn vào màn hình của người khác, điều này khiến cho đối phương không thoải mái và nghĩ rằng người đó thật "vô duyên".
Bởi thế, nếu bản thân bạn cũng có thói quen này, hãy bỏ ngay bạn nhé!
2. Những người "tự nhiên như ruồi"
Gác chân lên ghế trước nơi công cộng, chen ngang khi xếp hàng... tất cả đều là những biểu hiện cho cách hành xử "hồn nhiên như cô tiên" không lấy gì làm đẹp đẽ.
Gặp những thánh "tự nhiên như ruồi" này thì ai cũng phải ức chế mà thôi. Vì thế đừng ngạc nhiên nếu như giữ thói quen này mà một ngày nào đó lại thấy hình ảnh mình trôi nổi trên mạng xã hội với những dòng "bóc phốt" đầy bức xúc.
3. Những kẻ "buôn dưa lê" trong rạp chiếu phim
Có những người dường như vào rạp chiếu phim không chỉ để xem phim. Hết buôn chuyện với bạn bè rồi lại oang oang nói về tình tiết sắp tới, những người này có thể phá hoại bất cứ buổi xem phim nào.
4. Đứng sát rạt vào người khác ở nơi công cộng
Mỗi người đều luôn cần khoảng không gian riêng tư nào đó, bởi thế nếu như không phải ở nơi quá đông người, đừng đứng quá sát vào người khác. Điều này sẽ khiến đối phương không thoải mái và có thể còn nghi bạn có "ý đồ xấu" nào đó đấy nhé!
5. Chuyên ngắt lời và không lắng nghe người khác
Nếu bạn đã từng trải qua việc bị ngắt lời và bắt lặp đi lặp lại một câu chuyện chỉ vì đối phương chưa hề nghe bạn, bạn sẽ hiểu cảm giác ức chế này.
6. Tỏ thái độ "chống đối ngầm"
Rất nhiều người trong chúng ta thường không muốn thẳng thắn nói ra khi đang giận ai đó, mà thường nén sự bức xúc ấy vào trong. Có thể ta nghĩ mình không thể hiện ra điều gì, nhưng người kia vẫn có thể cảm nhận được qua những cử chỉ của bạn.
Vì thế, khi không hài lòng về một điều gì đó, hãy mở lòng và chia sẻ để chí ít đối phương biết mình đã "sai sai" ở đâu. Ôm cục tức vào người chỉ khiến bạn càng thêm khó chịu mà thôi.
7. Đóng cửa ầm ầm để thể hiện thái độ
Hành động này càng bất lịch sự hơn khi diễn ra ở nơi công cộng như thư viện, quán cà phê... Hãy tuyệt đối tránh để trở thành một người có cách hành xử văn minh bạn nhé!
8. Tỏ thái độ "bề trên"
Có một số người luôn muốn thể hiện sự hiểu biết của bản thân bằng những câu "Ai chẳng biết", "Biết rồi khổ lắm nói mãi"... mà không ngờ rằng điều đó chỉ khiến người xung quanh khó chịu, thậm chí là bị tổn thương.
Đôi khi, lắng nghe người khác sẽ khiến bạn nhận ra những khía cạnh hoàn toàn mới trong điều mà bạn tưởng rằng mình đã rõ mười mươi. Vì thế, hãy "tém tém" lại nếu bạn có thói quen này nhé.
9. Cắm mặt vào điện thoại khi đi chơi với bạn bè
Thời gian là điều quý giá nhất của con người, điều đó có nghĩa là nếu ai đó đã dành thời gian cho bạn, bạn thật sự rất quan trọng với họ. Vì thế, đừng dán mắt vào màn hình điện thoại khi họ đang hào hứng kể chuyện gì đó, đừng dành quá nhiều thời gian cho việc "check-in" sao cho "ảo" nhất, mà hãy tập trung sự chú ý của bạn vào người đối diện.
Bởi biết đâu, bạn đang bỏ lỡ rất nhiều điều hay ho ngoài kia khi cứ mải lướt lên xuống theo màn hình trước mắt?
10. Nhìn chằm chằm vào người khác
Bạn có thể thi thoảng bắt gặp ai đó cứ nhìn chằm chằm về phía bạn mà chẳng nói chẳng rằng. Điều này dễ khiến đối phương khó chịu bởi họ không hiểu có vấn đề gì ở mình hay không mà cứ bị "săm soi" như vậy.
11. Đùa cợt quá trớn về người khác
Có những chuyện có thể rất hài hước với bạn, nhưng với "nạn nhân" thì lại là kỷ niệm chẳng lấy gì làm vui vẻ. Thế nên khi thấy ai đó đã tỏ ra không thích, đừng tiếp tục "xát muối" vào vết thương lòng của họ bằng việc đem chuyện ấy ra trêu đùa.
Cũng đừng đổ lỗi cho người kia quá nhạy cảm bằng câu "Đùa thôi mà, làm gì mà căng", bởi bạn không thể biết được những câu đùa vui của bạn có thể gây ra tổn thương đến thế nào.
Hoàng Ngọc VũBạn đang xem bài viết 11 kiểu hành xử gây ức chế cho người khác, số 8 tuyệt đối nên tránh nếu không muốn bị bạn bè 'kỳ thị' tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].