Các chị em thường có thói quen giữ lại túi nilon, chai nước, v.v. để sử dụng nhiều lần nhưng chính thói quen này khiến nhà cửa khó gọn gàng, ngăn nắp.
Đã đến lúc bạn dọn dẹp căn bếp của mình. Hãy nhìn xung quanh xem bạn có đang cất trữ những thứ dưới đây không. Nếu có, đừng ngần ngại bỏ chúng đi ngay, bạn sẽ thấy cuộc sống đơn giản và dễ thở hơn.
1. Túi nilon
Các chị em thường có thói quen giữ lại túi nilon để đựng rác hoặc tái sử dụng nhưng cuối cùng lại chất đống ở góc nhà để lộn xộn trong tủ vì quá nhiều.
Hơn nữa, túi nilon rất lồng khồng và khó để xếp gọn gàng. Vì vậy, thay vì tích trữ nhiều túi nilon, chỉ nên dùng 1-2 chiếc túi vải hoặc túi nilon tái sử dụng để mua sắm hàng tuần và giữ lại vài chiếc để đựng rác.
2. Chai nước
Chai nước gây tốn diện tích và lãng phí nguồn tài nguyên cũng như tiền của. Ngoài ra, nó cũng là một thứ các chị em ngại vứt đi vì thấy tiếc.
Hơn nữa, chai nhựa cũng được làm bằng loại nhựa chất lượng không cao, không thích hợp để sử dụng nhiều lần hoặc dùng để đựng nước nóng.
Lời khuyên là bạn chỉ nên giữ lại 1-2 chai trong nhà phòng khi cần thiết và dùng bình nhựa/thủy tinh hoặc bình giữ nhiệt để đựng nước.
3. Gói nước sốt
Sau khi gọi đồ ăn về nhà, bạn sẽ có nhiều gói nước sốt mà bạn rất ngại bỏ đi vì tiếc hoặc nghĩ rằng sẽ có lúc cần đến. Tương tự với thìa dĩa hoặc đũa dùng một lần.
Sự thật là những thứ này chỉ làm phòng bếp thêm bừa bộn và lần sau gọi đồ ăn nhanh bạn vẫn sẽ được cung cấp đầy đủ, vì vậy không có lý do gì để tích trữ chúng trong nhà.
4. Những chiếc tách cà phê được tặng
Mỗi người không cần quá 6 chiếc tách cà phê nhưng lại có một bộ sưu tập cốc khiến tủ bếp chật kín.
Hãy xem xét nên giữ hoặc tặng/cho những chiếc tách cà phê của mình để tránh lãng phí đồ dùng, tiết kiệm diện tích và giúp nhà cửa gọn gàng hơn.
5. Dao cùn/kéo
Bạn chỉ cần để nhiều nhất từ 3 – 5 con dao trong bếp và mỗi bữa ăn cũng chỉ dùng đến 2 con dao.
Tương tự, bạn chỉ cần đề 1 – 2 cái kéo trong bếp là đủ.
6. Gia vị đã hết hạn
Hãy kiểm tra xem trong tủ có những gói gia vị, chai nước mắm, magi, v.v. đã hết hạn hay không.
Ngoài ra, nhiều người ăn mỳ ăn liền thường hay giữ lại các gói gia vị - một thói quen khiến phòng bếp bừa bộn vì chúng lồng khồng khá khó sắp xếp.
7. Dụng cụ nhà bếp chuyên biệt
Trừ khi bạn cần sử dụng thường xuyên, những vật dụng như dao bổ táo, dụng cụ tách hạt xoài, v.v. thường ít khi được động đến.
Sau khi mua các dụng cụ này về, nhiều chị em thậm chí còn ngại… rửa chúng và thay vào đó dùng dao cho… tiện.
Vậy thì, đến lúc bạn cho chúng ‘ra đi’.
8. Các công thức bạn muốn thử
Nếu sau ba tháng mà bạn vẫn không thử những mẩu giấy công thức cắt ra từ tạp chí thì đã đến lúc bạn bỏ chúng đi.
9. Sách nấu ăn
Với rất nhiều công thức trên mạng, bạn không cần phải sưu tầm sách nấu ăn như trước nữa.
Dĩ nhiên, bạn có thể giữ một vài quyển thật tâm đắc trong bếp nhưng trong trường hợp bạn có và sẽ dùng đến chúng.
Nếu không, sách nấu ăn sẽ khiến căn bếp thêm bừa bộn và lại là một nơi ‘hứng’ bụi.
10. Những thứ gắn trên tủ lạnh
Hãy kỹ tính một chút với những gì bạn trang trí lên tủ lạnh. Bạn nên coi đó là một nơi tối quan trọng và chỉ để gắn những thứ như đơn cần điền, vé cho buổi hòa nhạc sắp tới hoặc những việc cần làm, v.v.
Mặt trước tủ lạnh khá rộng và nếu bạn sắp xếp nó gọn gàng, căn bếp trong cũng đỡ ngổn ngang.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết 10 thứ tồn đọng cần dọn dẹp đầu tiên trong nhà bếp tại chuyên mục Mẹo vặt Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].