Dưới đây là 10 sai lầm trong ngôn ngữ cơ thể mà bạn dễ mắc phải, có thể khiến bạn làm mất lòng người khác hoặc khó thăng tiến trong công việc.
1. Dáng đứng
Dáng đứng hơi gù, vai rũ xuống khiến bạn trông yếu ớt, thiếu tự tin. Nằm nhoài ra ghế hoặc dựa cả lưng về phía sau khiến người khác cho rằng bạn thiếu hứng thú với công việc đang làm.
2. Tư thế chân khi ngồi
Chúng ta thường khó có thể kiểm soát tư thế chân của mình, và dễ dàng bộc lộ trạng thái cảm xúc qua tư thế chân khi ngồi. Cách bạn để chân khi ngồi cũng có thể tiết lộ một số điều về bạn khiến người khác có những đánh giá ban đầu có thể tốt hoặc không tốt.
Ví dụ, ngồi như tư thế A (đầu gối chụm, bàn chân xòe ra) khiến bạn trông trẻ con, thiếu cảm giác an toàn, mơ mộng.
Tư thế B tiết lộ bạn có tính cách bảo thủ, xa cách, không chịu tiếp thu ý kiến người khác.
Tư thế C cho thấy sự thống trị và sự kiêu căng, nó không phù hợp trong hoàn cảnh trang trọng.
Tư thế chân song song như hình D là tư thế trung lập, tạo cảm giác bạn là người cởi mở, bình tĩnh.
Tư thế chân như hình E phổ biến ở nữ giới, khiến họ có vẻ nữ tính và thu hút hơn.
3. Động tác thừa
Hãy kiểm soát động tác tay của mình. Khi bàn tay di chuyển một cách không kiểm soát, nó cho thấy bạn đang thiếu tự tin và thiếu chuyên nghiệp. Bẻ khớp ngón tay, nghịch tóc, cắn móng tay hay cắn môi sẽ khiến bạn có vẻ lo lắng, thiếu tự tin. Những động tác, cử chỉ này hoàn toàn không mang lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng hay đối tác.
4. Khoanh tay trước ngực
Đứng hay ngồi khoanh tay trước ngực là một tư thế phòng thủ, khiến người ta cảm thấy bạn đang không hứng thú. Bắt hai tay đặt song song trước người sẽ tạo cảm giác cởi mở hơn cho cuộc trò chuyện. Bắt tay sau lưng sẽ cho thấy sức mạnh và sự tự tin của bạn.
5. Bắt tay nhẹ
Người bắt tay nhẹ và không có lực thường là người hay lo lắng, hời hợt, còn người bắt tay chặt là người mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên nếu bạn bắt tay quá chặt thì lại thành thất thố.
Kiểu bắt tay tệ nhất là "bắt tay cá ướt" - cái bắt tay nhẹ với bàn tay lạnh, ướt mồ hôi gây ấn tượng là người yếu đuối và lạnh lùng.
6. Không giữ eye-contact
Không giữ eye-contact trong một buổi họp khiến người khác cảm thấy bạn thiếu sự chuẩn bị, thiếu chuyên nghiệp. Nếu là trong một buổi hẹn hò hay tiệc tùng, nó khiến người ta nghĩ bạn thiếu chân thành và tự ti.
Ngược lại, theo chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Carol Kinsey Goman, giao tiếp mắt quá nhiều có thể tạo cảm giác thô lỗ, đáng sợ, thù địch.
7. Nghịch điện thoại
Nghịch điện thoại hay các đồ vật nhỏ trong tay có thể gây xao nhãng người đối diện và khiến họ không thể tập trung. Nó cũng khiến bạn có vẻ yếu đuối, kém hấp dẫn.
Đừng nhìn vào điện thoại hay đồng hồ khi đang nói chuyện với người khác, điều đó rất bất lịch sự, nó cho thấy bạn không hứng thú với cuộc nói chuyện này.
8. Động tác bàn tay, ngón tay không phù hợp
Bạn nên cẩn thận với động tác xoa hai lòng bàn tay hay đặt ngón tay bàn tay này lên ngón tay bàn tay kia. Động tác đó có thể khiến người khác cảm thấy bạn đang cố gắng lừa dối hay áp đặt tư tưởng của mình lên người khác thay vì thuyết phục họ.
9. Không bắt chước động tác người kia
Bắt chước những động tác nhỏ của người khác có thể giúp bạn dễ làm quen hơn với họ, tạo sự tin tưởng và khiến cuộc hội thoại có thể đi sâu hơn.
Nghiên cứu cho thấy dù nam giới cảm thấy khó bắt chước động tác hơn phụ nữ nhưng phụ nữ lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn, bị hấp dẫn hơn bởi hành vi bắt chước động tác của nam giới.
10. Không mỉm cười hay gật đầu
Một cái gật đầu nhẹ hay nụ cười mỉm là ngôn ngữ cơ thể để người khác biết rằng bạn đang lắng nghe. Một số người có thể không chú ý tư thế tay chân của bạn nhưng ai cũng sẽ để ý các dấu hiệu trên khuôn mặt của bạn. Bên cạnh đó, cười nhiều cũng giúp bạn tự tin hơn. Hãy thử nhé!
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 sai lầm nhỏ trong ngôn ngữ cơ thể nhưng có thể hủy hoại tình yêu và sự nghiệp của bạn tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].