Ông bà ngày xưa đã nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, việc “học ăn” được đề cập đến đầu tiên, như vậy mới thấy cách ăn uống, cư xử trong bàn ăn quan trọng như thế nào đối với mỗi thế hệ con người.
Sau đây là những quy tắc cơ bản trên bàn ăn mà bạn nên biết để tạo được thiện cảm với người khác.
1. Tư thế ngồi trên bàn ăn, theo các chuyên gia, tư thế chuẩn nhất khi ngồi ăn là lưng phải thẳng, lưng song song với ghế, đùi song song sàn nhà, không nên ngồi dựa vào lưng ghế, tay đặt trên bàn, đầu giữ thẳng. Không nghiêng ngả hoặc chạm bất cứ thứ gì trên bàn ăn khi chưa bắt đầu buổi ăn.
2. Không nên ăn trước khi chủ tiệc bắt đầu ăn miếng đầu tiên, trừ khi bạn là khách quý và được chủ tiệc mời ăn trước. Bên cạnh đấy, bạn cũng không được ngồi vào bàn ăn trước khi chủ tiệc ngồi xuống vị trí của mình.
3. Khi ăn, bạn nên giữ dao, kéo, đũa, thìa gần mình, và sắp xếp theo thứ tự, nĩa ở bên trái và dao ở bên phải. Tránh việc để quá xa khiến bạn có thể chạm vào người khác hoặc có thể làm đổ nước lên bàn khi bạn với tay lấy thìa của mình.
4. Khi đã ngồi vào bàn ăn, bạn hãy hạn chế việc vừa ăn vừa nói. Nó sẽ khiến người khác cảm thấy không hài lòng, và bạn có thể vô tình làm rơi đồ ăn từ trong miệng ra ngoài hoặc nghẹn khi hành động như vậy.
5. Không gây ra tiếng động khi nhai, không chép miệng. Điều này sẽ gây khó chịu cho người khác vì phải nghe tiếng lép chép bên tai và khiến sự ngon miệng giảm đi nhiều phần.
Tuyệt đối khi ăn không nên hở miệng, vì sẽ làm cho người khác cảm thấy sợ khi vô tình nhìn thấy cảnh bạn nhai nhồm nhoàm thức ăn.
6. Không nên ăn quá nhanh, cũng không nên ăn quá chậm. Bạn nên ăn với một tốc độ vừa phải, không nên ăn miếng quá lớn khiến bạn phải phồng mang trợn má để nhai nuốt số thức ăn trên, trông không đẹp mắt tí nào.
Ăn chậm sẽ tốt hơn cho dạ dày của bạn, bạn cũng dễ kiểm soát lượng thức ăn mà mình đã sử dụng.
7. Ở những bữa tiệc có người phương Tây, bạn nên chú ý tới cách để dao nĩa, vì đó là một “mật mã” để ra tín hiệu với chủ nhà.
8. Khi sử dụng trà hoặc cà phê, sau khi dùng thìa khuấy đường xong, bạn nên đặt thìa lại vị trí cũ.
9. Bạn nên có một lời xin lỗi nếu cần phải rời khỏi bàn ăn vì lý do nào đi chăng nữa.
10. Nếu bạn cần một cái gì đó trên bàn, đừng cố vươn tay hay nhoài người ra lấy. Hãy nhờ những người gần chỗ đó lấy giúp bạn.
Bữa ăn là thời điểm gắn kết tình thân. Hãy chú ý những điều cấm kỵ trên để không phá hủy không khí vui vẻ ấm áp của bữa ăn, bên cạnh đó còn giữ gìn được phẩm chất, qua đó bạn sẽ được đánh giá cao bởi sự tinh tế trong cách cư xử và giao tiếp.
Khang NhiBạn đang xem bài viết 10 quy tắc ứng xử trên bàn ăn phải nhớ để luôn là người lịch sự trong mắt người khác tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].