1. Tư duy phát triển
Tư duy phát triển (growth mindset) là niềm tin rằng nỗ lực sẽ giúp bản thân phát triển từng ngày, bất kể rằng xuất phát điểm của ta có thuận lợi hay không, bất kể rằng ta có tự nhận định là mình thuộc nhóm "thông minh bẩm sinh" hay phải "cần cù bù thông minh".
Carol Dweck, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Stanford chia sẻ trong Ted talk năm 2014 về tư duy phát triển và sức mạnh của từ "chưa".
Ví dụ, khi con bạn nói: "Con không thể làm được điều này", bạn hãy nói rằng: "Con chưa thể làm được điều này".
Nghiên cứu của Dweck cho thấy rằng việc giải thích khái niệm này cho một đứa trẻ cũng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng nhìn nhận việc học của mình.
Cô chỉ ra bằng chứng cho thấy, sự hiểu biết về tư duy phát triển sẽ thay đổi các con đường thần kinh, giúp chúng ta phát triển hơn trong học tập.
2. Dũng cảm
Những học sinh dũng cảm sẽ là những người chấp nhận rủi ro và tích lũy kinh nghiệm. Họ có thể sử dụng những kinh nghiệm đó một cách hiệu quả trong quá trình học tập và phát triển của mình.
Họ nhanh chóng xác định những gì mình thích và không thích, từ đó có nhiều khả năng tạo ra một cuộc sống mà họ yêu thích.
Những học sinh dũng cảm cũng sẽ là những người chấp nhận rủi ro để có thể suy nghĩ đột phá. Thế giới cần những người như vậy.
Dũng cảm là đương đầu với những thử thách khó khăn, cảm giác sợ hãi và quyết tâm vượt qua bằng mọi cách.
Dũng cảm không phải là không sợ hãi. Đôi khi khi nói chuyện với con, các cha mẹ thường nói: "Đừng sợ" hoặc "Đừng ngớ ngẩn thế, mọi chuyện sẽ ổn thôi". Điều này ngụ ý rằng nỗi sợ hãi là một điều gì đó đáng xấu hổ.
Nhưng không phải vậy. Con người ai cũng có nỗi sợ, nhưng quan trọng là chúng ta phải vượt qua nó. Điều đó sẽ không chỉ xảy ra bằng phép màu mà có thể bằng cách làm gương, giáo dục và giải thích.
3. Tính tổ chức
Mỗi học sinh trung học có thể phải học hơn 10 môn học với những giáo viên khác nhau và những kỳ vọng khác nhau. Trong hoàn cảnh như vậy, học sinh sẽ không thể phát triển nếu không có tính tổ chức cao.
May mắn là tính tổ chức là đức tính có thể được giáo dục. Học sinh cũng có thể dùng các công cụ hỗ trợ như nhật ký, kế hoạch và lịch trình học tập.
4. Nhất quán, kiên định
Học tập là việc phải diễn ra từ từ, nhất quán. Lấy ví dụ từ quá trình chúng ta học đọc chữ, từng bước từ cách cầm sách đúng, cách nhận diện các chữ cái, cách phát âm, đến nhiều năm thực hành và cuối cùng mới có thể đọc trôi chảy.
Đọc chữ không quá khó nhưng cần phát triển dần dần và thực hành thường xuyên. Chính sự sẵn sàng thực hành góp phần cho sự thành công của mỗi học sinh.
5. Khả năng chịu thất bại
Thất bại là mẹ thành công. Tuy nhiên nhiều người lại bị choáng ngợp bởi cảm giác thất bại thay vì có thể đứng lại và nhìn vào những bài học rút ra từ thất bại.
Có được sự kiên trì để nhìn lại thất bại là một kỹ năng phi thường. Hãy dạy trẻ nhìn nhận thất bại theo cách phân tích. Thất bại này lớn hay nhỏ? Hậu quả của nó là gì? Con có thể rút ra bài học gì từ đó?
6. Đặt mục tiêu
Thiết lập mục tiêu sẽ giúp học sinh tập trung sự chú ý vào một số hành vi và thông tin nhất định và tránh xa những yếu tố gây xao nhãng.
Nghiên cứu cho thấy nhiều mục tiêu nhỏ và tăng dần sẽ hiệu quả hơn so với một mục tiêu lớn.
Nếu học sinh có thể chia nhỏ mục tiêu lớn - ví dụ: đạt được điểm cao hơn - thành những phần mục tiêu nhỏ vừa sức thì sẽ có nhiều khả năng thành công hơn.
Nếu học sinh có thể kết hợp những đánh giá, phản hồi thì dần dần, những thành tựu nhỏ sẽ dẫn đến thành tựu lớn.
7. Kết nối với thực tiễn
Học sinh giỏi có khả năng liên tưởng, kết nối kiến thức mình học với bối cảnh rộng lớn hơn. Nếu học sinh được đọc, quan sát và thảo luận về các vấn đề, ý tưởng và thực tiễn thường xuyên, trẻ sẽ có khả năng liên tưởng với bối cảnh thực tiễn.
Nếu không có bối cảnh thực tiễn, trẻ có thể không biết mình học những kiến thức đó để làm gì.
Cha mẹ phải đảm bảo cho con được tiếp xúc với những ý tưởng, nguồn tài liệu và trải nghiệm phong phú.
Giáo viên phải đảm bảo rằng những gì diễn ra trong lớp học được liên kết với những gì tồn tại ngoài thực tiễn cuộc sống.
Điều này rất quan trọng để phát triển tình yêu học tập ở trẻ em, khiến việc học không chỉ dừng lại ở điểm số.
8. Quan tâm sức khỏe tinh thần
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự thành công trong học tập của học sinh có thể là sức khỏe tâm thần. Đây là mối quan tâm ngày càng lớn tại các trường học ở Australia.
Một nghiên cứu quy mô lớn năm 2018 do Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Australia (ACER) thực hiện cho thấy: gần một nửa số sinh viên Australia cảm thấy "rất căng thẳng", tăng từ 28% vào năm 2003 khi nghiên cứu bắt đầu.
Số học sinh cho biết cảm thấy tự tin khi làm bài khó ở trường đã giảm từ 76% xuống còn 59%.
Học tập khi trong trạng thái căng thẳng là điều rất khó khăn. Nếu trẻ không được dạy các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc cần thiết thì sẽ rất khó đạt được thành công.
9. Hợp tác với giáo viên
Mối quan hệ giữa học sinh với giáo viên là nền tảng cho sự thành công của học sinh ở trường. Học sinh giỏi nhận ra rằng giáo viên là đồng minh của mình.
Tầm quan trọng của mối quan hệ này đã được xác nhận trong nghiên cứu mang tính đột phá của Giáo sư John Hattie.
Chúng ta thường coi mối quan hệ này là hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của giáo viên, song thực tế không phải vậy. Học sinh giỏi góp phần tạo nên mối quan hệ bền chặt này. Họ nhận ra giáo viên là nguồn lực quý giá mà họ phải cùng làm việc và hợp tác.
Đặc điểm nhận diện những học sinh này: tích cực tham gia trong giờ học, ở lại sau giờ học để hỏi thêm các câu hỏi khác và hẹn gặp giáo viên để được giúp đỡ nếu cần.
10. Coi trọng giáo dục
Cuối cùng, một học sinh muốn đạt thành công trong giáo dục cần biết coi trọng giáo dục.
Trong cuộc sống, chúng ta rất khó kiên trì hay nỗ lực không ngừng vì điều gì nếu không cho rằng điều đó có giá trị.
Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em có nhiều khả năng tiếp nhận giáo dục và thành công hơn trong những gia đình coi trọng giáo dục, có thói quen đọc sách và cha mẹ tham gia vào việc học.
(Theo Lindastade)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 đặc điểm và thói quen của học sinh giỏi mà bạn có thể học tập tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].