Trung bình mỗi ngày bệnh viện đa khoa Vân Đình tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú cho hơn 400 lượt người.
Theo quan sát của PV Gia Đình Mới, không có tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ đợi lấy số khám, thậm chí khâu tiếp đón chỉ 3 giây/bệnh nhân khi quẹt thẻ Khám bệnh; người bệnh cũng không phải cầm một tập phiếu chỉ định đi khắp bệnh viện, lúng túng tìm phòng X-quang, xét nghiệm mà đã có hệ thống tự sắp xếp, hướng dẫn chi tiết; bệnh nhân không phải chờ đợi kết quả xét nghiệm giấy mà các xét nghiệm đó tự động trả về phòng khám cho bác sĩ đọc và thông báo cho bệnh nhân; người dân thanh toán không tiền mặt; đặc biệt là việc lưu hồ sơ khám bệnh của bệnh nhân chỉ bằng một cú nhấp chuột trên máy tính chứ không phải lưu bằng bệnh án giấy…
Đó là những kết quả của việc ứng dụng chuyển đổi số mà bệnh viện đa khoa Vân Đình đã triển khai và mang lại những hiệu quả rõ rệt trong quản lý và khám chữa bệnh.
PV Gia Đình Mới đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Nguyễn Khuyến – Giám đốc bệnh viện để tìm hiểu về những yếu tố then chốt để thành công khi thực hiện chuyển đổi số tại bệnh viện.
PV: Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã ứng dụng chuyển đổi số như thế nào và đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?
TS Nguyễn Khuyến: Công cuộc chuyển đổi số tại bệnh viện đa khoa Vân Đình trên nguyên tắc lấy lợi ích bệnh nhân làm thước đo, cái gì lợi cho người bệnh thì ưu tiên làm trước. Đến nay, chúng tôi đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân và cả trong quản lý bệnh viện.
Ở khâu tiếp đón, người bệnh không còn phải chờ đợi xếp hàng lấy số đăng ký khám mà có thể dùng thẻ khám bệnh thông minh lấy số tại cây Kios tiếp đón hoặc dùng Căn cước công dân để đăng ký khám. Ứng dụng này giúp người bệnh chỉ mất 3-5 giây đã là xong phần lấy số thứ tự khám. Việc số hóa như vậy không chỉ rút ngắn thời gian mà còn hiển thị, cập nhật thông tin chính xác, giảm tình trạng sai sót khi đánh máy như cách làm trước đây.
Thứ hai là người dân có thể đặt lịch khám bệnh từ ở nhà qua tổng đài. Bệnh nhân được chủ động đăng ký giờ khám. Nếu bệnh nhân đến đúng lịch hẹn đã đặt trước qua tổng đài thì chúng tôi cam kết bệnh nhân không phải chờ quá 5 phút.
Thứ ba là quy trình khám rất khoa học, trả kết quả online. Nếu như trước kia khi bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp – XQ… thì người dân sẽ thường lúng túng, không biết nên đi cái nào trước, cái nào sau. Hiện nay, hệ thống sẽ tự sắp xếp các số chờ tại các phòng khám và các phòng làm thủ thuật. Người bệnh nhìn vào tờ giấy hướng dẫn đó có thể biết nên đi thực hiện cái nào trước, cái nào sau.
Khi có kết quả chụp X-Quang hay xét nghiệm, các kết quả tự động trả về phòng khám ban đầu, bác sĩ sẽ đọc và thông báo với bệnh nhân. Bệnh nhân không còn phải chờ đợi để lấy kết quả bằng giấy, phim nhựa, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.
Thứ tư là BV ĐK Vân Đình triển khai auto call. Ví dụ khi bác sĩ khám cho bệnh nhân, 1 tuần sau hết thuốc, bác sĩ nhập trên hệ thống: “1 tuần sau mời bác đến khám lại, mang theo…” thì trước ngày hẹn 1 ngày sẽ có cuộc gọi tự động chuyển từ chữ viết sang tiếng nói để nhắc nhở người bệnh đi khám theo đúng lịch hẹn.
Nếu bệnh nhân đồng ý tương tác, tức là đồng ý với lịch hẹn khám, nhấn phím 1 sẽ được đặt lịch lấy số tự động luôn. Khi đến bệnh viện họ chỉ cần quẹt thẻ khám bệnh là xong.
Thứ năm là bệnh viện triển khai bệnh án điện tử. Bệnh án giấy phải lưu tối thiểu 10 năm, bệnh án đặc biệt lưu 15 năm. Nếu bệnh án giấy thì lượng bệnh án lưu kho sẽ rất nhiều, gặp khó khăn trong việc lưu trữ, bảo quản bệnh án. Và mỗi lần tra cứu hồ sơ, bệnh án phải vào kho để tìm kiếm, rất tốn thời gian, công sức.
Triển khai bệnh án điện tử đã “xóa bỏ” những sự phức tạp đó. Mỗi bệnh nhân sẽ có một mã được lưu trên hệ thống. Khi bệnh nhân đến khám, lệnh duy nhất bác sĩ cần làm khi tìm kiếm hồ sơ là cltr+F sẽ hiện ra tất cả thông tin, lịch sử thăm khám, bệnh sử vừa nhanh vừa chính xác.
Thứ sáu là thanh toán không dùng tiền mặt. Bệnh viện ký kết hợp tác toàn diện với ngân hàng về việc phối hợp nhằm kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, đa dạng các loại hình và phương thức thanh toán điện tử, bảo đảm hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được thông suốt, bảo mật giúp người bệnh có thể dễ dàng thanh toán các chi phí, thay vì thanh toán bằng tiền mặt như trước đây.
PV: Ông đánh giá như thế nào về lợi ích của thực hiện chuyển đổi số mang lại với việc quản lý, khám chữa bệnh tại bệnh viện Vân Đình?
TS Khuyến: Chúng tôi đánh giá chuyển đổi số là “Chìa khóa” tăng chất lượng khám chữa bệnh và quản lý trong bệnh viện. Công nghệ thực sự đã là đòn bẩy tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao trải nghiệm khám chữa bệnh cho bệnh nhân, giảm thời gian chờ đợi qua các tiện ích như đặt lịch hẹn online, thẻ khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm online...
Theo đó, các thủ tục hành chính đã giảm nhiều, thời gian chờ đợi của bệnh nhân được rút ngắn, không còn những hàng dài chờ đợi trong mệt mỏi với nhiều thủ tục hành chính phức tạp, mất thời gian.
Khi rút ngắn thời gian khám, bệnh nhân sẽ có thêm nhiều thời gian nghe bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe của mình, hướng dẫn cách căm sóc sức khỏe, hướng dẫn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện… phù hợp với sức khỏe. Bệnh nhân cũng dễ dàng quản lý được sức khỏe của mình với sự kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh.
Thứ hai, chuyển đổi số mang lại hiệu quả tối đa khi làm việc của bác sĩ, đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”. Bác sĩ giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho người bệnh; giảm bớt được các thủ tục hành chính, giấy tờ trong bệnh viện.
Việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng dễ dàng hơn khi mà bác sĩ chỉ cần gõ trên hệ thống là sẽ ra chính xác tên loại thuốc, cách dùng thuốc mà không phải lo nhớ nhầm tên thuốc, cách sử dụng thuốc. Bác sĩ muốn điều chỉnh thêm gì cho phù hợp với tình trạng sức khỏe bệnh nhân thì vẫn điều chỉnh được dễ dàng.
Thứ ba, chuyển đổi số khiến lãnh đạo bệnh viện giám sát sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế, triển khai các hoạt động hướng đến phục vụ bệnh nhân, phục vụ nhân viên ngày một tốt hơn.
PV: Hà Nội mới có 4 bệnh viện tiên phong thực hiện bệnh án điện tử, trong đó đến nay chỉ có bệnh viện đa khoa Vân Đình và Mỹ Đức xóa bỏ hoàn toàn bệnh án giấy. Ông có thể chia sẻ lý do vì sao đơn vị quyết tâm thực hiện bằng được hồ sơ bệnh án điện tử?
TS Khuyến: Theo lộ trình mà Bộ Y tế đưa ra, từ ngày 1/3/2019, các BV bắt đầu triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, đảm bảo mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 các BV trên toàn quốc phải hoàn thành việc chuyển đổi này.
Lãnh đạo bệnh viện cũng xác định, bệnh án điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung là rất cần thiết, là con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách về chất lượng với các bệnh viện khác trong TP và cả TW.
Việc triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử không những đảm bảo mục tiêu của Bộ Y tế, mà còn là cách thức bệnh viện đổi mới, trang bị một công cụ làm việc hiện đại để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, nâng cao chỉ số hài lòng của người bệnh, thay đổi việc quản lý vận hành bệnh viện theo hướng bệnh viện thông minh.
Khi nhìn thấy những “lợi ích” của bệnh án điện tử đối với cả người bệnh và nhân viên y tế, bệnh viện xác định nỗ lực tập trung xây dựng bệnh án điện tử.
Việc triển khai bệnh án điện tử thành công không chỉ có ý nghĩa với bệnh viện trong công tác quản lý, điều hành; cải cách quy trình KCB công khai, minh bạch; theo dõi thông tin bệnh nhân chính xác hơn; phục vụ hiệu quả cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách, kế hoạch; mà còn giảm phiền hà cho người bệnh, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, theo dõi quy trình KCB thuận tiện, chính xác… từ đó giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn., khẳng định năng lực của đội ngũ CBCNV bệnh viện.
PV: Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã chuẩn bị những gì để triển khai bệnh án điện tử?
TS Khuyến: Để triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã chuẩn bị cơ bản về cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ.
Cụ thể, bệnh viện đã hoàn thiện các phần mềm gồm: hệ thống quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm (LIS), hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), phần mềm bệnh án điện tử (EMR), các hệ thống này đã kết nối và chạy đồng bộ.
Bên cạnh đó, bệnh viện nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư mới nhiều trang thiết bị như: máy tính, máy in, webcam, máy scan, máy nhận diện vân tay, … hỗ trợ nhân viên y tế truy cập thông tin trực quan, chính xác giảm thiểu nhầm lẫn, sai sót.
Đồng thời, xây dựng quy trình, các quy chế quản lý sử dụng bệnh án điện tử thống nhất toàn bệnh viện và tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm chi tiết đến các khoa, phòng.
Với những nỗ lực đó, từ tháng 8/2023, bệnh án điện tử của bệnh viện đa khoa Vân Đình chính thức được công nhận.
PV: Những yếu tố then chốt để bệnh viện đa khoa Vân Đình thực hiện thành công bệnh án điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung là gì, thưa ông?
TS Khuyến: Tôi nghĩ đơn vị nào khi thực hiện bệnh án điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung cũng gặp những khó khăn nhất định, tùy theo mỗi cơ sở y tế. Ở bệnh viện đa khoa Vân Đình, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn khi triển khai như cơ sở hạ tầng và hệ thống phần mềm, thói quen truyền thống của một số cán bộ y tế, chi phí...
Nhưng khi đã xác định triển khai vì lợi ích của người bệnh, tập thể lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều đồng thuận nỗ lực, vượt qua những thách thức.
Lãnh đạo bệnh viện xác định việc chuyển đổi số là một trong 3 mục tiêu lớn nhất của bệnh viện trong năm 2023 nên rất quyết tâm thực hiện bệnh án điện tử và các ứng dụng chuyển đổi số. Mặc dù gặp những khó khăn ban đầu nhưng Ban giám đốc bệnh viện nghĩ rằng, nếu tiếp tục theo mô hình cũ thì sẽ không thay đổi, sẽ dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Vậy nên, việc thay đổi là tất yếu. Thay đổi thì có thể thành công hoặc cũng có thể không thanh công, nhưng nếu không thay đổi thì chắc chắn không thành công.
Chúng tôi nỗ lực để đáp ứng về cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống phần mềm, về kinh phí cho công cuộc thực hiện bệnh án điện tử và chuyển đổi số.
Quan trọng hơn, chuyển đổi số ở Bệnh viện đa khoa Vân Đình không chỉ là câu chuyện về ứng dụng công nghệ thông tin trong Bệnh viện, đó còn là sự thay đổi tư duy công việc, thay đổi cách thức làm việc, con người là trung tâm, là điều kiện tiên quyết giải quyết mọi vấn đề.
Chuyển đổi số là câu chuyện của máy móc và công nghệ nhưng nếu thiếu đi sự kết hợp của con người thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. Máy móc hiện đại nhưng con người trì trệ thì bộ máy trở nên cồng kềnh. Do đó, bệnh viện chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo chất lượng, thay đổi tư duy để chuyển đổi và cùng xây dựng mục tiêu bệnh viện đa khoa Vân Đình trở thành mô hình bệnh viện thông minh. Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch cụ thể, đổi mới tư duy làm việc, cải tiến cách thức triển khai công việc nội và ngoại viện. Vận hành dựa trên tư duy số và quyết định dựa trên dữ liệu số chính là kim chỉ nam để chinh phục công nghệ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!