Năm 2014, TS Hà Phương Thư gặp lại một người bạn của chị qua mạng xã hội facebook trong hoàn cảnh trớ trêu – cô bạn 3 năm học chung khối tại trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nào của chị bị ung thư vú.
Lúc đó, chị biết bạn mình đang phải chịu đựng cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. Cô ấy đang loay hoay trên hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư đã di căn, phải giành giật lại sự sống từ tay tử thần trong độ tuổi đẹp nhất với sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc.
Những suy nghĩ miên man về sự sống và cái chết của một con người, về căn bệnh quái ác, về cộng đồng các bệnh nhân ung thư ngày một lớn tại Việt Nam cứ gắn chặt vào tâm trí chị: “Tôi đã chứng kiến không ít người quen, thậm chí cả người bạn thân của mình mắc ung thư, vì thế tôi cảm nhận ung thư không chỉ là nỗi đau của người bệnh mà còn là gánh nặng tâm lý, tài chính cho cả gia đình và xã hội”.
Mặc dù có nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư ra đời nhưng chúng đều ảnh hưởng ít nhiều tới người bệnh ung thư vì những tác dụng phụ kèm theo các triệu chứng: buồn nôn, tiêu chảy…
“Khoảng 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn, đồng nghĩa với 70% người bệnh ung thư điều trị trong trạng thái đau đớn về mặt thể xác” BS Nguyễn Thị Hương, Phó khoa Chăm sóc Triệu chứng và Điều trị chống đau, Bệnh viện K cho biết.
Mặt khác, các phương pháp hoá trị và xạ trị như hiện nay, một mặt ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư nhưng đồng thời giết chết các tế bào quanh vùng ung thư và ảnh hưởng tới sức khoẻ người bệnh sau điều trị.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải chế tạo hệ dẫn thuốc đến vị trí tế bào ung thư mà không ảnh hưởng tới các vùng khác của cơ thể, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư giai đoạn cuối đời. Điều này đã thúc đẩy các nhà khoa học không ngừng sáng chế, để tìm ra phương pháp tốt nhất có thể cho bệnh nhân ung thư.
TS Hà Phương Thư đã đau đáu với câu hỏi: “Mình phải làm gì từ công nghệ nano để cứu giúp những bệnh nhân ung thư đang khao khát sống như bạn tôi và hàng ngàn bệnh nhân ung thư khác?”
“Việt Nam có gần 4.000 loài cây cỏ, trong số đó có hơn 1/3 là cây thuốc, có mặt trong các bài thuốc cổ truyền, dân gian. Việt Nam có nhiều bài thuốc hay nhưng hiệu quả sử dụng chưa đạt như mong muốn. Dân gian thường nấu cao, sắc, ngâm rượu để dược chất có thể dễ dàng tan trong nước. Tuy nhiên, cách làm này khiến hoạt tính của dược liệu giảm và không phát huy được tối đa tác dụng”, TS Phương Thư cho biết.
Vì vậy, chị và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu đặt ra sứ mệnh của con đường nghiên cứu: từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, làm ra bài thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân không may bị ung thư. Từ thực tế đó, chị đề xuất hướng nghiên cứu chế tạo phức hệ nano FGC để hỗ trợ bệnh nhân đang và sau xạ trị ung thư.
Kỳ vọng ban đầu của cả nhóm là tạo ra một sản phẩm giúp nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ sau điều trị hoá xạ trị và ngăn ngừa suy kiệt cho bệnh nhân ung thư, giúp bệnh nhân đủ sức khoẻ để tuân thủ phác đồ điều trị.
Hơn 3 năm qua, người bạn của chị đã đồng hành cùng công trình nghiên cứu của TS Hà Phương Thư. Được sự hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe bằng sản phẩm do TS Phương Thư và cộng sự của chị nghiên cứu ra, từ một người suy kiệt vì những đợt truyền hoá chất và xạ trị, phải ngồi xe lăn, hiện tại, người bạn của chị Thư có thể tự đi lại và tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội, đặc biệt là các hoạt động trong cộng đồng những người bị ung thư. Với 44 lần truyền hóa chất trong hơn 2 năm, các chỉ số của bạn thân chị Thư khá ổn định.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sư phạm, chị theo con đường của bố mẹ mình, trở thành một cô giáo dạy môn hoá học tại Trường PTTH An Lương Đông, TP Huế sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế.
Sau 3 năm viết tiếp mong muốn của bố mẹ, chị Thư ra Hà Nội, làm nghiên cứu sinh tại Viện Hóa học. Cũng chính trong khoảng thời gian này, chị nhận ra, niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong chị đã có từ bao giờ và ngày một lớn dần.
Tôi đã chứng kiến không ít người quen, thậm chí cả người bạn thân của mình mắc ung thư, vì thế tôi cảm nhận ung thư không chỉ là nỗi đau của người bệnh mà còn là gánh nặng tâm lý, tài chính cho cả gia đình và xã hội
Thời gian đầu tới Hà Nội, một số người không đánh giá cao khả năng nghiên cứu của một cô giáo. Chính từ những khó khăn gặp phải khi nhiều lần đề tài đề xuất không được duyệt, chị quyết tâm chinh phục con đường nghiên cứu khoa học gian nan phía trước.
Những ngày làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội, chị có cơ hội được sang Nhật Bản thực tập tại Viện công nghệ Tokyo Nhật Bản.
Năm 2003, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ngay sau đó, với kết quả được xếp loại xuất sắc, chị đã nhận được học bổng sau tiến sĩ tại tại Trung tâm năng lượng nguyên tử CEA của Pháp.
Tại trời Âu, chị được nghiên cứu sâu về cấu trúc của protein có hoạt tính sinh học. Nghiên cứu và học tập ở các nước có nền khoa học phát triển vào bậc nhất, TS Hà Phương Thư nhận ra rằng, nền khoa học Việt Nam còn khá khiêm tốn. Chị cũng nhận được nhiều lời mời làm việc của các công ty ở nước ngoài với mức lương hấp dẫn.
Tuy nhiên, chị chi sẻ: “Tôi thấy công nghệ nano ở nước ta còn khá mới mẻ, với nguồn dược liệu phong phú, mà chỉ dùng dưới dạng thô thì không thể phát huy hết công dụng. Hơn nữa, người Việt Nam bây giờ ung thư nhiều quá”. Chị đã quyết định trở về quê hương.
Năm 2007, về nước sau một thời gian làm việc, học tập tại Pháp và Nhật, TS Thư đầu quân về Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Tại đây, TS Thư được GS.TSKH Nguyễn Xuân Phúc và TS Trần Thị Minh Nguyệt dẫn dắt đi con đường mới mẻ là nghiên cứu về công nghệ Nano Y sinh.
Sử dụng công nghệ nano vào trong lĩnh vực Y sinh còn giúp chế tạo hệ dẫn thuốc Nano đa chức năng, hướng đích chọn lọc, nhằm tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, làm giảm lượng thuốc sử dụng và tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động đến tế bào lành.
Sau một thời gian làm việc, bằng cách vận dụng phương pháp nghiên cứu học từ nước ngoài, tự đọc, chủ động học hỏi từ người đi trước, trao đổi với các nhóm nghiên cứu trên thế giới để thu thập tài liệu và cập nhật kiến thức, chị mạnh dạn đề xuất đề tài từ Quỹ Nafosted (Bộ KH&CN), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Khoa học vật liệu, lập nhóm nghiên cứu riêng.
Tuy môi trường làm việc trong nước dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng với sức trẻ, khát khao được đóng góp sức mình cho đất nước, chị đã là tác giả và là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới và dành được nhiều giải thưởng cao quý.
Trong đó, đề án “Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư” của TS Hà Phương Thư đã được Hội đồng khoa học quốc gia Loreal- UNESCO “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” đánh giá cao dựa trên tính hiện đại và tính khoa học cao.
Tháng 10-2016, chị tiếp tục ghi tên mình vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học khi công bố chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC, mở ra kỷ nguyên mới trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu. Công trình nghiên cứu này cũng giúp TS Hà Phương Thư lọt Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn.
Nguyên liệu Phức hệ Nano FGC đã hiện thực hoá ước mơ của chị và để đến được với nhiều bệnh nhân ung thư hơn, nó đã được chuyển giao cho Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI để sản xuất sản phẩm CumarGold Kare.
Sản phẩm được thử nghiệm tại Học Viện Quân y trên chuột được nuôi cấy tế bào ung thư người, cho thấy CumarGold Kare có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỉ lệ sống sót và tăng cường đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu so với nhóm chuột chứng.
"Sau tròn 10 năm dồn tâm huyết và kỳ vọng, tôi bắt đầu nhìn thấy những thành quả của mình được đền đáp xứng đáng, giúp bệnh nhân xoa dịu nỗi đau ung thư", tiến sĩ Thư chia sẻ. Chị vẫn đồng hành cùng sản phẩm này, âm thầm tặng miễn phí cho hàng chục bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Với chị Thư, sức khoẻ của người bệnh ung thư được cải thiện cải thiện là niềm vui lớn nhất mà chị và cộng sự. Đây cũng chính là động lực để chị và cộng sự tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm hữu ích cho người ung thư.
“Trong tương lai, tôi và cộng sự sẽ chọn các bài thuốc hay của Việt Nam, nano hóa dược liệu trong đó để tăng hiệu quả sử dụng, hướng tới mục tiêu lâu dài là nâng cao giá trị của cây thuốc Việt”, TS Phương Thư mong muốn. Ngoài ra, chị và cộng sự đang nghiên cứu các loại thực phẩm hỗ trợ cho từng loại ung thư.
TS Phương Thư cho biết thêm, hệ dẫn thuốc có cấu trúc nano không chỉ giải quyết vấn đề điều trị ung thư mà còn hữu ích với nhiều vấn đề khác. Ví dụ, trước tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm, cá rất cao, nhóm của tôi đã triển khai nghiên cứu nano hóa các chất kháng sinh để tăng khả năng chữa bệnh của tôm, giảm liều dùng. Việc dùng kháng sinh tùy tiện dễ dẫn đến kháng thuốc và sản phẩm nano còn được chế tạo theo hướng làm giảm khả năng này.
Tính đến nay, TS Hà Phương Thư đã có 30 công bố quốc tế trong lĩnh vực nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước.
Công việc của một nhà khoa học khó cho phép chị chu toàn mọi công việc trong gia đình. May mắn, người chồng luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ mọi điều với chị, giúp chị tập trung cho công việc nghiên cứu của mình. Chị Thư cũng nhận được sự ủng hộ hết lòng từ người chồng của mình.
Chị Thư nhớ lại, năm 2004, khi nhận được học bổng học sau Tiến sĩ ở đất nước Pháp xa xôi, chính người chồng của chị đã ủng hộ chị tạm gác lại chuyện con cái để chuyên tâm nghiên cứu tại Pháp. May mắn, thời gian chị nghiên cứu sinh tại Pháp cũng là khi chồng chị cũng đang học tập tại đây.
Hai vợ chồng chị đã cùng nắm chặt tay nhau vượt qua mọi khó khăn. Và cùng đồng nhất quan điểm sẽ về nước làm việc sau khi hoàn tất khoá nghiên cứu dù cả hai cùng có cơ hội ở lại nước ngoài.
“Phụ nữ làm khoa học cũng có những vất vả riêng, nhưng tôi sẽ làm đến chừng nào có thể”, chị thổ lộ. Hôm nào chị về muộn, chồng là người giúp chị đón con, dọn dẹp nhà cửa…
Mặc dù sống ở Hà Nội đã gần 20 năm nhưng chị Thư chỉ nấu món ăn Huế. Đây cũng là cách giúp chị và người chồng cùng quê của mình vơi bớt đi nỗi nhớ nhà. “Có nhiều món ăn được chế biến theo kiểu Bắc rất ngon nhưng tôi vẫn muốn giữ gìn thói quen nấu ăn và thưởng thức các món ăn Huế”, chị Thư tâm sự. Nếp nhà của hai vợ chồng gốc Huế cứ thế lớn dần và bền chặt theo năm tháng.
2000: Học bổng tiến sĩ tại Viện công nghệ Tokyo Nhật Bản
2003: Học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử Pháp
2012: Giải thưởng UNESCO “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”
2016: Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn
2017: Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vì những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng