Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 1
Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 2

Hà Nội chuẩn bị đón đợt không khí lạnh đầu tiên trong năm, TS.BS Cao Việt Tùng - Trưởng khoa Hồi sức ngoại tim mạch, Trưởng đơn vị can thiệp tim mạch của Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cùng hơn 20 y bác sĩ khác của Bệnh viện Nhi Trung ương lên đường tham gia chuyến khám sàng lọc tim bẩm sinh tại tỉnh Cao Bằng.

Buổi sáng tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Cao Bằng trong lành, không khí khô khốc cuốn những hạt bụi lên bay là là trong tia nắng yếu ớt.

Từ sáng sớm, gia đình cậu bé 20 tháng tuổi Nông Minh Nhật háo hức đi từ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Minh Nhật đang chạy lon ton ở sân bệnh viện, bỗng chị Long Thị Phượng Nhật nhận ra người đã sửa chữa trái tim cho cậu con trai Minh Nhật của mình.

Nghe tiếng ai đó gọi mình, bác sĩ Việt Tùng quay lại nhận ra bố cậu bé. Lần gặp gỡ này, Minh Nhật đã có thể chạy nhảy, khoẻ mạnh với một trái tim không còn lỗi nhịp. Khác với sự lo lắng hơn 1 năm trước, vẫn trong không gian của bệnh viện, cả bác sĩ Việt Tùng và bố mẹ Nhật đều phấn khởi. 

Từ khi mới sinh ra, Minh Nhật thường xuyên bị lạnh, và ra mồ hôi nhiều. Con ăn ngủ bình thường, vợ chồng chị Phượng nghĩ chắc những biểu hiện không có gì quá nghiêm trọng nên đã không đưa con đi khám ở đâu.

Được khoảng 5 tháng tuổi, thấy tình trạng của con ngày một nặng, gia đình quyết định đưa con tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

“Bác sĩ bảo con bị bệnh phức tạp, nặng lắm rồi”, chị Phượng nhớ lại sự run rẩy của mình khi nhận thông báo từ bác sĩ vào tháng 7/2017.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 3

Bác sĩ chẩn đoán Nhật mắc tứ chứng Fallot. Bác sĩ Việt Tùng cho biết, tứ chứng Fallot là trường hợp bệnh nhi có cùng lúc 4 dị tật: thông liên thất, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất, vách liên thất lệch sang bên phải vì bình thường lệch sang trái, thất phải dày, đường ra thất phải hẹp. Nhật cần được chỉ định mổ phẫu thuật để vá lỗ thông liên thất, tạo hình đường ra thất phải cho rộng.

Sáu tháng tuổi, nặng 7,5kg, Nhật lên bàn mổ, sửa chữa toàn bộ các tổn thương trong tim của bệnh lý Fallot 4. Ca mổ diễn ra thành công. Tuy nhiên, diễn biến sau mổ của cậu bé xấu đi sau 24 giờ.

Bác sĩ Việt Tùng cho hay, gan và thận của Nhật suy chức năng nghiêm trọng. Ngoài ra, cậu bé còn bị rối loạn đông máu. Các bác sĩ tiến hành siêu âm thực quản và phát hiện một lỗ thông liên thất phần cơ lớn tại mỏm tim gây nguy kịch cho tính mạng.

Khi đó, thể trạng của Nhật không thể tiếp nhận cuộc phẫu thuật thứ hai. Vì thế, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp đặt dù để bịt lỗ thông liên thất phần cơ. Đây là phương pháp điều trị khả quan duy nhất khi Nhật đang trong tình trạng suy đa phủ tạng.

Bác sĩ Việt Tùng và các y bác sĩ khác đã tiến hành can thiệp bằng cách bịt lỗ thông liên thất lại. Chức năng tim cháu bé được cải thiện và khá dần lên.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 4

Bác sĩ Việt Tùng chia sẻ: “Với trường hợp này, bệnh nhân sau mổ tim suy đa tạng nặng, nếu tiếp tục mổ thì tỷ lệ tử vong cao. Trong tình trạng nặng đó, chúng tôi phải dùng biện pháp điều trị ít xâm nhập hơn là can thiệp tim mạch, bịt lỗ thông liên thất, giải quyết vấn đề suy tim và cải thiện chức năng gan”.

Sau 12 ngày hồi sức tích cực, Nhật đã có thể rút máy thở và sau 28 ngày điều trị, cậu bé đã được xuất viện.

Gặp gỡ bệnh nhi mà mình đã từng phẫu thuật tại nơi cách Bệnh viện Nhi Trung ương gần 200 cây số, tận mắt nhìn thấy cậu bé chạy nhảy nô đùa, bác sĩ Việt Tùng bất ngờ nhưng cũng hạnh phúc vô cùng.

“Tôi không có nhiều cơ hội gặp lại các bệnh nhi mình đã từng sữa chữa tim. Khi gặp Nhật và gia đình cậu bé, tôi thật sự rất bất ngờ. Có lẽ không có điều gì hạnh phúc bằng khi nhìn thấy bệnh nhi của mình khoẻ mạnh”, bác sĩ Việt Tùng thổ lộ.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 5

Trong số 5 đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh ngoài cộng đồng của Bệnh viện Nhi Trương ương, bác sĩ Tùng tham gia 2 chuyến đi.

- Tim con bình thường. Bố mẹ không phải lo đâu.

- Nhưng em vẫn lo lắm vì nuôi con mãi không lớn.

- Không sao đâu, cứ nuôi con nó khắc lớn…

Gần 20 năm là bác sĩ tim mạch của các bạn nhỏ, bác sĩ Việt Tùng thấy vui nhất là khi tim của chúng bình thường. Còn khi phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bác sĩ Việt Tùng nhanh chóng vào cuộc để cứu sống đứa nhỏ.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 6
Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 7

Ngày 23/8/2018, cậu bé Hoàng Anh Vũ oe oe khóc chào đời trong sự chờ mong của hai bố mẹ trẻ.

2 ngày tuổi, Hoàng Anh bắt đầu xuất hiện các hiện tượng bất thường. “Sao lúc khóc chân tay con lại bị tím tái như vậy?”- mẹ của Vũ là chị Dung thắc mắc. Tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Cao Bằng, bác sĩ chẩn đoán Vũ bị tim bẩm sinh.

4 ngày tuổi, gia đình đưa về nhà với suy nghĩ đợi ngày… con mất.

Từ 5 giờ sáng ngày làm việc đầu tiên của đoàn khám tình nguyện, bố của Vũ đi xe máy từ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng để chờ lấy số thứ tự. Một tiếng sau, chị Dung ôm cậu bé 20 ngày tuổi đi xe buýt theo. Quãng đường từ xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tới Bệnh viện đa khoa tỉnh phải đi xe máy mất hơn 1 giờ đồng hồ.

Cùng lúc đó, đoàn khám của Bệnh viện Nhi Trung ương do bác sĩ Cao Việt Tùng làm trưởng đoàn đang chuẩn bị cho việc khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.

“Oxy của Vũ chỉ có 46%, ống động mạch rất nhỏ, buộc phải khẩn trương đưa tới bệnh viện luôn”, bác sĩ Việt Tùng tư vấn cho bố mẹ của Vũ. Mẹ của Vũ vẫn chưa hình dung hết tình trạng nguy kịch của con, chỉ biết nói “Bác sĩ cứu cháu!”

Rối bời. Lo lắng. Hoang mang. Hai vợ chồng chị Dung chờ người nhà mang đồ dùng cần thiết rồi bắt xe xuống Bệnh viện Nhi Trung ương luôn.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 8
Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 9

Đoàn khám sàng lọc tim bẩm sinh về đến Hà Nội lúc 23 giờ chủ nhật. Ngày thứ hai, bác sĩ Việt Tùng trực tiếp xem xét tình trạng của Vũ. Thứ 3, Vũ được bác sĩ Việt Tùng và y bác sĩ tại khoa can thiệp.

Sau khi được can thiệp 3 ngày, các chỉ số ổn định, Vũ bắt đầu ăn 10ml sữa mỗi bữa. Bác sĩ Việt Tùng dự kiến tuần này Vũ có thể ra viện. Khi được khoảng 6 tháng tuổi, Vũ sẽ được phẫu thuật để sửa chữa trái tim.

Những chuyến đi tình nguyện cho bác sĩ Việt Tùng sự chiêm nghiệm, đặc biệt là tới những nơi còn nghèo khổ, khó khăn. Đi để biết thực tế cuộc sống của bà con vùng sâu vùng xa thiếu thốn như thế nào.

“Nếu chúng tôi không đi thì những đứa trẻ như Vũ có thể không được can thiệp kịp thời”, bác sĩ Việt Tùng trăn trở.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 10

Niềm hạnh phúc khi cứu được người bệnh cứ dặt dìu đi vào lòng bác sĩ Việt Tùng với những kỉ niệm của gần 20 năm là bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh. “Tôi hạnh phúc! Mỗi ca bệnh kỳ tích đã đánh dấu một bước trưởng thành không chỉ của cá nhân tôi mà của cả tập thể”, bác sĩ Việt Tùng vui mừng.

“Đó là các y bác sĩ có thể mổ dị tật phức tạp ở giai đoạn sơ sinh thay vì chỉ chỉ phẫu thuật thông liên thất, thông liên nhĩ ở trẻ nặng 10 cân, rồi 5 cân như 7-8 năm trước. Hay những ca bệnh chuyển gốc động mạnh phải ra nước ngoài phẫu thuật thì hiện giờ, chúng tôi đã thực hiện thành công phẫu thuật chuyển gốc động mạch cho cháu bé chỉ nặng 1,7 kg và can thiệp tim mạch cho trường hợp nhỏ nhất là 750 gram”.

Bác sĩ Việt Tùng nhớ lại, có nhiều trường hợp bệnh nhân không qua khỏi, người nhà vẫn tới cảm ơn các y bác sĩ. Những lúc đó, bác sĩ Việt Tùng chỉ biết chia buồn với họ.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 11

Nhìn lại những ngày đầu chập chững bước vào con đường trở thành bác sĩ tim mạch trẻ em, bác sĩ Việt Tùng nhớ nhất lần đầu tiên nhìn thấy quả tim thật của người.

Đó là quả tim thoi thóp của một cháu bé mắc bệnh chuyển gốc động mạnh, đang được các bác sĩ của Viện tim mạch Quốc gia Malaysia phẫu thuật. Đứng quan sát bác sĩ mở ngực, bác sĩ Việt Tùng nhủ thầm: “Chắc bệnh nhi không qua khỏi”. Thế mà mấy ngày sau quay lại thấy cậu bé dần khoẻ mạnh trở lại. Lúc đó, bác sĩ Việt Tùng mới thực sự tin vào sự sống kỳ diệu của trái tim.

Hiện giờ, khi là bác sĩ can thiệp, nhưng bác sĩ Việt Tùng vẫn tới phòng phẫu thuật để xem bệnh nhi bị tổn thương như thế nào để đối chiếu với những gì bác sĩ quan sát được trên màn hình X-quang.

Trở về từ chuyến tình nguyện, khoác lên mình bộ đồ màu xanh của phòng can thiệp, bên trong là một lớp là bộ quần áo được làm bằng chì, nặng khoảng 15kg, gồm có mũ bằng chì, kính, cổ áo, bác sĩ Việt Tùng khéo léo đưa dụng cụ can thiệp vào đúng vị trí.

“Tôi chỉ mong mình có đủ sức khoẻ để sửa chữa được thêm nhiều trái tim trẻ thơ bị lỗi nhịp”, bác sĩ Việt Tùng tâm sự.

Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 12
Bác sĩ của bệnh nhi bị tim bẩm sinh suốt 20 năm và điều giản dị mang lại hạnh phúc 13

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính