Xác định rõ Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Tuấn Anh
Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" khai mạc tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới hai điểm cầu Huế, Thành phố Hồ Chí Minh.
z3918897176824-8fa8af8d397c0c7e67301c44754af6c6

Sáng 29/11, Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" khai mạc tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới hai điểm cầu Huế, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có gần 500 đại biểu, trong đó trực tiếp tại Hà Nội với khoảng 250 đại biểu, hai điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 150 đại biểu và Thừa Thiên - Huế với khoảng 100 đại biểu. Tham dự Hội thảo là nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, Thường trực một số Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, truyền thông và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cách đây 1 năm, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm".

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư định hướng: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".

Làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết tại Hội thảo, các đại biểu sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.

Trên cơ sở đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị.

1224777e384d075d1f8441dd0e

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Hội thảo làm rõ nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị.

Từ đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn Hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngay sau phiên khai mạc, Hội thảo bước vào Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới". Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành Phiên thảo luận.

Xác định hệ giá trị Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách đặt ra, bởi hệ giá trị là cốt lõi, tinh túy nhất của cả nền văn hóa, có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt suy nghĩ, tình cảm, ý chí của mỗi người, cũng như cả dân tộc. Hội thảo quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên toàn quốc.

Bốn hệ giá trị có mối quan hệ chặt chẽ, qua lại với nhau, trong đó chuẩn mực con người được xem là gốc, nền tảng, gia đình và môi trường không thể thiếu để xây dựng nên chuẩn mực này. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút những chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm các yếu tố ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ.

PGS.TS Đặng Thị Hoa

PGS.TS Đặng Thị Hoa

PGS.TS Đặng Thị Hoa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng...

Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng đang tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình.

Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. Mặc dù vậy, các giá trị truyền thống của gia đình vẫn luôn được gìn giữ, làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam.

PGS.TS Đặng Thị Hoa nhận định, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn.

Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ. “Việc phát huy những yếu tố tích cực trong các giá trị gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới - công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - PGS.TS Đặng Thị Hoa chia sẻ.

GS.TS Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi muốn được khẳng định các chuẩn mực rõ ràng của từng loại hệ giá trị để biết mà thực hiện, phải hiểu thấu về lý do tại sao cần xây dựng hệ giá trị đó và hệ giá trị ấy cụ thể như thế nào, các hệ giá trị này sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho quốc gia, con người, gia đình Việt Nam trong thời gian tới".

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO