Khác với những năm trước, năm nay, đến tham dự “Tuần Lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2020 - Hạnh phúc sẻ chia” do bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức, anh Triệu Văn Sơn (SN 1990, Khánh Hòa, Lục Yên, Yên Bái) đi một mình.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới tại hội thảo, anh cười hạnh phúc: "Mình tới để cảm ơn đội ngũ y bác sĩ BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tặng cho hai vợ chồng mình trái ngọt tuyệt vời. Vợ mình đã sinh được 2 bé gái, các con mới được hơn 1 tháng nên 3 mẹ con không xuống Hà Nội tham dự được...".
Hoàn cảnh của vợ chồng anh Sơn đặc biệt khó khăn, lấy nhau 9 năm nhưng không có con do chị Triệu Thị Liên bị tắc hai bên vòi trứng. Nhà ở sâu trong thôn Kim Long, mỗi lần ra huyện, họ phải đi qua 4 con suối, 2 cầu dây.
Thu nhập của hai vợ chồng chỉ vẻn vẹn vài trăm nghìn một tháng từ trồng quế và cây lâm nghiệp. Cứ kiếm được ít tiền nào, hai vợ chồng anh lại đi khám.
Rồi tiền cũng hết mà anh chị chưa biết ngày nào mới đón được con yêu.
Áp lực dư luận khiến Liên đã nói tới chuyện ly hôn để chồng cưới vợ khác và có con. Nhưng yêu vợ, anh Sơn nhất quyết không đồng ý, nếu đến tận cùng không có con, họ sẽ xin con nuôi. Tình yêu này khiến Liên vô cùng cảm động.
Hai vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng, vừa làm thêm, vừa chắt bóp chi tiêu để tiết kiệm tiền đi chữa trị.
"Chúng tôi luôn nuôi hi vọng khi có tiền sẽ đi Hà Nội để khám. Nhưng để dành dụm được hơn 100 triệu đối với vợ chồng tôi là điều không dễ dàng. Để có được số tiền ấy, chúng tôi phải trồng cây nuôi 6,7 năm cây lớn mới bán được...
Thế nên, suốt hơn 9 năm, chúng tôi chỉ biết nuốt những tiếng thở dài, ao ước được nghe tiếng cười con trẻ trong chính gia đình mình. Con cái không chỉ là kết quả của tình yêu mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm của bố mẹ" - anh Sơn kể.
Năm 2019, khi bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức "Tuần lễ vàng 2019", có chương trình Thụ tinh miễn phí cho các cặp đôi hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hai vợ chồng chị Liên lại có thêm hy vọng trên hành trình tìm kiếm con yêu.
Hai vợ chồng gấp rút làm hồ sơ, xin xác nhận của địa phương rồi gửi về bệnh viện.
"Từ lúc gửi hồ sơ đi, dù không nói ra nhưng cả mình và vợ đều mỗi ngày mong ngóng niềm hy vọng.
Thế nhưng nói thật là cũng không dám hy vọng nhiều, bởi nghĩ chương trình tặng cho 10 gia đình thôi, mà cả nước đều biết tới, có khi có những gia đình còn khó khăn hơn mình, chắc gì mình đã được nên cũng chỉ dám thầm mong ngóng. Mình cũng động viên vợ, không muốn cô ấy hy vọng nhiều rồi lại thất vọng.
Rồi một buổi chiều tháng 7, mình nhận được cuộc gọi điện từ bệnh viện, các anh nói vài hôm tới sẽ lên tận nhà mình để thăm nhà, để tìm hiểu hoàn cảnh của hai vợ chồng. Cảm giác khi ấy thật sự là mừng lắm, hai vợ chồng lại có thêm tia hy vọng.
Rồi vài ngày sau, các anh lên nhà, ô tô phải để cách xa nhà 10 cây số vì đường bé không đi được vào. Mình vội vàng ra đón các anh chị ở bệnh viện vào nhà, hai vợ chồng cũng bối rối vì quá đỗi vui mừng...
Cuối cùng, vợ chồng mình chính thức là 1 trong 10 cặp đôi được nhận gói hỗ trợ của bệnh viện để thụ tinh miễn phí.
Gói hỗ trợ hơn 70 triệu đồng là món quà quá lớn, quá ý nghĩa đối với 2 vợ chồng mình.
Vài ngày sau, vợ chồng bắt xe khách từ Yên Bái xuống Hà Nội, vừa mừng, vừa hồi hộp và cả những lo lắng vì không phải ai làm thụ tinh cũng đón được con yêu"...
Từ tháng 7/2019, chặng đường từ Lục Yên, Yên Bái xuống Hà Nội từ xa lạ bỗng thành thân thuộc bởi hai vợ chồng chị Liên anh Sơn thường xuyên xuống bệnh viện để thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
"Vì đầu tiên làm thụ tinh nên những ngày đầu vợ mình chọc trứng và mình thì lấy tinh trùng, hai vợ chồng mình cũng khá tâm lý vì sợ kết quả không được như mong đợi.
Ngày bác sĩ Hiền báo kết quả phôi, chị Liên chọc được 25 trứng, mà được 22 phôi trong đó 17 phôi tốt, 5 phôi khá, hai vợ chồng anh nắm tay nhau vì đó là kết quả tốt.
Sau khi chuyển phôi về, hai vợ chồng đếm từng ngày. Càng gần đến ngày báo đến xét nghiệm thì lại càng lo lắng vì không biết kết quả ra sao. Hồi hộp lắm" - anh Sơn nhớ lại.
Rồi niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ người Dao như vỡ òa khi được bác sĩ thông báo "Có em bé rồi". "Khi đó hạnh phúc lắm, tin tưởng rằng lần này hai vợ chồng sẽ đón được con yêu".
9 tháng 10 ngày mang thai, chị Liên khá yếu nên được ở lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi. Đến ngày sinh, chị được chuyển sang bệnh viện Phụ sản Hà Nội để sinh. Hạnh phúc hiện hữu thực sự với hai anh chị khi đón 2 con gái đầu lòng sau 10 năm mong đợi.
"Gia đình mình không biết nói gì để cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã luôn chăm sóc, động viên vợ mình cho đến tận ngày sinh. Mình mong các gia đình vẫn đang trên hành trình tìm kiếm con yêu tiếp tục thêm động lực, nỗ lực để một ngày gần nhất, con yêu sẽ về bên cạnh chúng ta" - anh Sơn nhắn nhủ.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, bà Lê Thị Thu Hiền - Phó GĐ Bệnh viện cho biết, vợ chồng anh Sơn chị Liên là một trong số 10 cặp đôi được hỗ trợ miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm thuộc chương trình Tuần lễ Vàng năm 2019.
Trong số 10 cặp đôi này đã đón được 5 em bé xinh xắn, đáng yêu ra đời khỏe mạnh, 3 gia đình đang chờ sinh và 4 gia đình chờ chuyển phôi.
Năm nay, bệnh viện tiếp tục tiếp tục tặng 10 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí (70-100 triệu đồng/ca) cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Danh sách sẽ công bố vào ngày 26/07/2020 tại Bệnh viện.
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 8 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012- 2020) và Hội thảo tổng kết “Tuần Lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2020- Hạnh phúc sẻ chia”.
Năm nay, BV tiếp tục dành tặng 10 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí (70- 100 triệu đồng/ca) cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngoài 10 ca thụ tinh ống nghiệm miễn phí, Bệnh viện sẽ xét duyệt hỗ trợ thêm 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí (nữ) và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí (nam) với giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca.
Kinh phí thực hiện chương trình được tài trợ bởi Văn phòng đại diện Merck Export GmbH.