Ứng dụng nhận diện và truy xuất nguồn gốc sâm Quảng Nam

Minh Phương
Với ứng dụng "TracuuSamQuangNam" giúp người tiêu dùng nhận diện và truy xuất nguồn gốc sâm Quảng Nam

Viết ứng dụng truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh trên điện thoại thông minh

Anh Lê Quang Lưu (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) - cán bộ của Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam, đã dành nhiều thời gian quan tâm đến sâm Ngọc Linh và các loại sâm trên địa bàn tỉnh.

Qua nhiều kênh phương tiện thông tin, anh biết được trong thời gian qua, tình trạng sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và đặc biệt là hình ảnh của sản phẩm quốc gia - sâm Ngọc Linh.

"Trước thực trạng này, tôi nghĩ ngay đến việc sáng tạo một phần mềm có thể giúp khách hàng nhận diện và truy xuất được nguồn gốc của củ sâm Ngọc Linh trước khi bỏ một khoảng tiền khá lớn để mua. Tuy nhiên, phần mềm này phải cơ động để khách hàng có thể sử dụng được ở bất cứ nơi đâu. Và cuối cùng tôi quyết định viết ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh" - anh Lưu chia sẻ.

Ứng dụng nhận diện và truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh Quảng Nam.

Ứng dụng nhận diện và truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh Quảng Nam.

Sau khi lên ý tưởng, anh Lưu bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi tất cả các tài liệu liên quan đến sâm Ngọc Linh, cũng như các loại sâm khác trên địa bàn tỉnh như: sâm ba kích, khúc khắc, sâm dây, thất diệp nhất chi, đẳng sâm, sâm cau, sâm cao cẳng... Anh Lưu phải mất hơn 1 tháng đi thực tế lên các vùng có sâm để thu thập thêm tài liệu. Khi dữ liệu thông tin về sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác đã đủ, anh bỏ thêm khoảng 1 tháng nữa để viết và cho ra ứng dụng "TracuuSamQuangNam". Ứng dụng được tải lên kho ứng dụng Google Play của phần mềm Android, một phần mềm điện thoại di động phổ biến nhất hiện nay.

Theo anh Lưu, ứng dụng này có thể giúp mọi người nhận diện cũng như biết được các công dụng và tính chất của từng loại sâm; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước định hướng và quy hoạch sâm Quảng Nam một cách bền vững. Đồng thời, còn nâng cao giá trị cây sâm Ngọc Linh, tạo tiền đề để phát triển du lịch và các vùng trồng sâm chất lượng cao.

Ngoài ra, việc số hóa cơ sở dữ liệu sâm bằng công nghệ điện toán đám mây và sử dụng công nghệ tam mã vạch 2 chiều (QR code) nhằm giúp cho việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc sâm thông qua điện thoại di động được dễ dàng hơn. Chạy song hành với ứng dụng này là một website hệ thống chứa cơ sở dữ liệu đầy đủ về sâm Ngọc Linh cũng như các loại sâm trên địa bàn Quảng Nam giúp mọi người tra cứu, tìm hiểu.

Người tiêu dùng sẽ cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cá nhân để tiến hành quét mã vạch xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đã mua.

Người tiêu dùng sẽ cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cá nhân để tiến hành quét mã vạch xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đã mua.

Anh Lưu chia sẻ: "Cách sử dụng ứng dụng này cũng rất đơn giản. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện dán tem lên bao bì đối với sản phẩm mình bán cho người tiêu dùng, quản lý và chịu trách nhiệm tem bán của mình. Người tiêu dùng sẽ cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cá nhân để tiến hành quét mã vạch xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đã mua".

Một điều cần lưu ý khi mua và sử dụng ứng dụng này, đơn vị bán sâm phải liên kết với anh Lưu để thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm, sau đó anh Lưu tiếp tục cung cấp mã vạch. Như vậy, ứng dụng tạo một vòng tròn khép kín giữa đơn vị bán sâm, nhà cung cấp phần mềm và khách hàng.

Chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu

Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc định danh và truy xuất nguồn gốc dược liệu, đặc biệt là với sâm Ngọc Linh.

Quảng Nam đã triển khai nhiều nội dung để thực hiện việc xác định và truy xuất nguồn gốc, điển hình là việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế cùng các sở, ngành địa phương xây dựng chiến lược phát triển, định danh và truy xuất nguồn gốc của cây sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy hoạch vùng trồng… Trên cơ sở đó, đã có 7 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, với số lượng 65.205 cây.

Quảng Nam chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu.

Quảng Nam chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu.

Bên cạnh đó, địa phương đã đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam & hình” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam (theo Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319665 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319942 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số GCN 319943 cho các sản phẩm từ sâm; Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319944 cho các sản phẩm từ Sâm.

Trong thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng “mạo danh” Sâm Ngọc Linh đưa vào sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 18/9/2017 về tăng cường công tác quản lý chất lượng Sâm Núi Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; công văn số 5723/UBND-KTN ngày 30/8/2021 để quản lý tốt các dự án thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và hoạt động trồng, khai thác gắn liền với hoạt động chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Địa phương cũng giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, quản lý, thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chế biến, kinh doanh sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hoạt động “mạo danh” Sâm Ngọc Linh.

Cũng theo ông Bửu, việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra các vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các quy trình trồng, thu hái dược liệu theo các tiêu chuẩn quy định; đảm bảo điều kiện cấp sử dụng chỉ dẫn địa lý, cơ sở trồng, mã số vùng trồng…Trên cơ sở đó, sẽ giúp định danh vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính