Cựu hiệu trưởng Ernst Fritz-Schubert đã phát triển môn học có tên gọi là "Hạnh phúc" tại ngôi trường của ông ở Heidelberg từ năm 2007.
Khái niệm này đã và đang được ông truyền lại cho các giáo viên tại viện giáo dục của mình.
Theo Tiến sĩ Fritz-Schubert, khoảng 40 trường ở Đức và 140 trường ở Áo đã áp dụng khái niệm này. Viện Fritz-Schubert đã đào tạo hơn 500 giáo viên kể từ năm 2009.
Sau 30 năm dạy học, thầy Ernst Fritz-Schubert nhận thấy rõ ràng rằng trẻ em không cảm thấy hạnh phúc ở nơi được gọi là trường học.
Lẽ ra nhiệm vụ của trường học là khơi dậy và duy trì niềm vui học tập, chứ không chỉ đơn giản là thúc đẩy học sinh để đạt được các mục tiêu học tập.
Ông có cảm giác rằng trường học dần dần dập tắt sự tò mò của học sinh. Nhiều giáo viên coi học sinh như những "cỗ máy học tập" để lặp lại những nội dung kiến thức được dạy sẵn.
Song, nếu thầy cô tự coi mình là người săn tìm kho báu thay vì là người xoi mói lỗi lầm thì cả thầy và trò sẽ nhận được những tác động tích cực.
TS Fritz-Schubert đặc biệt quan tâm đến những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bị trường học ảnh hưởng tiêu cực tới mức mất đi hứng thú học tập. Môn học Hạnh phúc trong trường học được thiết kế nhằm củng cố nhân cách của các em.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống sẽ ít tranh cãi hơn, khỏe mạnh hơn, tiếp thu tốt hơn và sáng tạo hơn.
Theo TS Fritz-Schubert, mục đích của môn học Hạnh phúc là dạy về sự hài lòng và các kỹ năng sống, trong đó có tìm kiếm mục tiêu, cảm nhận sự an toàn, các mối quan hệ xã hội, hành động tự quyết, chấp nhận bản thân, hòa hợp với môi trường xung quanh và phát triển cá nhân.
Những bài học này có thể được chia làm các giai đoạn học tập theo 4 câu hỏi: Tôi là ai? Tôi cần gì? Tôi có khả năng gì? Tôi muốn gì?
Học sinh sẽ được học cách nhận ra mơ ước và nhu cầu của mình, từ đó xây dựng mục tiêu và tìm cách hiện thực hóa chúng.
Bên cạnh đó, các em cũng được học về ý nghĩa của thất bại, hay nói cách khác là thua cuộc.
Cần giáo dục sớm cho các em biết đối mặt với thất bại, coi thất bại là cơ hội và có thể vượt qua những thách thức trong tương lai.
Phương pháp kết hợp kiến thức tâm lý và các bài tập thực hành cho thấy rất hữu ích trong việc tạo ra những trải nghiệm tác động vào cảm xúc và in sâu và ký ức của các em học sinh.
Một trong những học sinh của TS Fritz-Schubert đã mô tả về tiết học này: "Chúng em đã áp dụng những bài học về đạo đức vào thực tiễn thông qua các bài tập trong lớp học Hạnh phúc".
Ông ví dụ một bài học rất hay về lòng tự trọng cho học sinh tiểu học: Một em ngồi tại chỗ và từng bạn khác đi ngang qua, nói nhỏ vào tai em một điểm tốt nào đó ở em. Bài tập này giúp các em nhận ra rằng các em cảm thấy hạnh phúc khi được khen và không dễ chịu khi hạ thấp người khác.
Đối với các lớp lớn hơn, TS Fritz-Schubert sáng tạo ra trò chơi có tên "Ngôi đền đạo đức", dựa trên lời dạy về đạo đức của nhà triết học Aristotle. Trò chơi này khuyến khích các em xây dựng nhận thức về bản thân và phát hiện điểm mạnh trong tính cách của mình.
Theo TS Schubert, các nghiên cứu đi kèm đã xác nhận môn học Hạnh phúc giúp học sinh phát triển lòng tự trọng mạnh mẽ hơn. Các em biết thấu hiểu, cởi mở hơn với người khác, tự tin hơn vào khả năng của bản thân và theo đuổi mục tiêu của mình với tinh thần lạc quan.
(Theo deutschland.de)