Khởi đầu chỉ là một cô gái thường dân làm nghề "buôn phấn bán hương", người phụ nữ được miêu tả có "vẻ ngoài nhỏ bé và xinh xắn" này đã dần thâu tóm quyền lực, trở thành một nữ hải tặc khét tiếng với đội quân thách thức những hạm đội mạnh hàng đầu thế giới.

Khi nghĩ đến hai từ "hải tặc", chúng ta thường hình dung đến những gã đàn ông gắn liền với những truyền thuyết, giai thoại đôi khi mang màu sắc rùng rợn và huyền bí.

Tuy nhiên lịch sử hải tặc không chỉ in dấu chân của những người đàn ông, bởi tên hải tặc khét tiếng từng khiến ngay cả triều đình Mãn Thanh cũng phải đau đầu - không ai khác lại chính là một người phụ nữ.

Từng gây chiến với cả hạm đội của triều đình Mãn Thanh hay các đế chế hàng đầu như đế quốc Anh, đế quốc Bồ Đào Nha, nữ hải tặc sở hữu 1.800 chiếc thuyền với hơn 80.000 thuộc hạ này là cái tên gây ám ảnh cho nhiều thế lực hùng mạnh nhất. 

tit1

Cuộc đời trước khi trở thành nữ hải tặc khét tiếng Trịnh Nhất Tẩu của nàng không được ghi chép nhiều trong lịch sử. Người ta biết rằng nàng tên thật là Thạch Dương, sinh ra tại Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 1775. Khi lớn lên, Thạch Dương trở thành kỹ nữ trong một nhà chứa trên thuyền ở Quảng Châu, lấy kỹ danh là Hương Cô. 

Cuộc sống của người phụ nữ này có lẽ đã rất khác nếu không gặp Trịnh Nhất - thủ lĩnh của băng đảng hải tặc Hồng Kỳ bang lúc bấy giờ. Có nhiều giai thoại khác nhau về cách mà Trịnh Nhất lấy nàng làm vợ. Một nguồn tư liệu cho rằng Trịnh Nhất đã say đắm sắc đẹp của kỹ nữ Hương Cô, ra lệnh cướp phá nhà thổ và sai thuộc hạ bắt về cô gái Hương Cô mà hắn yêu thích. Sau đó, Hương Cô ngày nào nghiễm nhiên trở thành phu nhân của Trịnh Nhất, nên được gọi là Trịnh Nhất Tẩu.

Một nguồn tư liệu khác lại cho rằng cuộc hôn nhân này không là gì khác ngoài một cuộc kinh doanh. Bởi là một kỹ nữ có nhan sắc và thông minh khéo léo, Trịnh Nhất Tẩu đã từng thu được những mánh lới kinh doanh và bí mật thương trường từ chính các khách hàng là thương gia hay chính trị gia của mình.

Nhận thấy điều đó, Trịnh Nhất đã ngỏ lời cầu hôn với nàng kỹ nữ ấy, chấp nhận yêu cầu chia sẻ một nửa lợi nhuận thu được cũng như quyền lực trong Hồng Kỳ bang mà nàng đưa ra. 

tit2

Dù đến với nhau vì tình yêu hay lý do nào đi nữa, ta dễ dàng nhận thấy rằng Trịnh Nhất Tẩu đã kề vai sát cánh cùng Trịnh Nhất để khiến Hồng Kỳ bang ngày càng lớn mạnh. Từ con số 200 - 300 chiến thuyền, trong 6 năm chung sống, Trịnh Thị đã cùng chồng mình xây dựng nên mội đội quân hùng mạnh với 1.500 chiến thuyền cùng hơn 50.000 hải tặc.

Đội tàu chính của Hồng Kỳ bang dẫn đầu hạm đội treo cờ đỏ, trong khi các tàu còn lại có màu đen, vàng, xanh, trắng, sẵn sàng trở thành cơn ác mộng với bất kỳ tàu thuyền nào vô tình đi qua, hay các làng mạc ven biển.

Đến năm 1807 thì Trịnh Nhất qua đời, như lẽ thường quyền thừa kế hạm đội được trao lại cho Trương Bảo, con nuôi của Trịnh Nhất. Tuy nhiên, con đường quyền lực của nữ hải tặc Trịnh Nhất Tẩu không dừng ở đó.

Chỉ sau khi trao quyền thừa kế vài tuần, Trịnh Nhất Tẩu quyết định làm người tình của Trương Bảo và mặc nhiên chiếm quyền chỉ huy hạm Hồng Kỳ bang. Danh xưng "Nữ hoàng hải tặc" của nàng ta bắt đầu từ đây. Dưới thời của Trịnh Nhất Tẩu thống lĩnh, hạm đội cướp biển Hồng Kỳ bang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết.

Không chỉ gói gọn trong việc cướp bóc, Hồng Kỳ bang còn thực hiện nhiều giao dịch buôn bán, tống tiền, bảo kê..., băng cướp biển này cũng mở rộng liên minh với các địa chủ trong đất liền để đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Các thương gia cũng trả tiền để được đảm bảo tuyến đường an toàn khi vận chuyển hàng hóa qua những vùng Hồng Kỳ bang kiểm soát. Nhiều ngôi làng đã phải quy phục Hồng Kỳ bang, đóng thuế theo quy định, tạo nên một "đế chế" của riêng Trịnh Thị kéo dài từ Macau đến Quảng Đông. 

Theo Wick Alison, nữ hải tặc Trịnh Thị có đến 200 chuyến thuyền viễn dương, mỗi chiếc có từ 20 đến 30 súng thần công luôn sẵn sàng khai pháo, 800 tàu chiến nhỏ gần bờ và có khá nhiều thuyền đi trên sông.

Nàng ta có hơn 50.000 – 80.000 hải tặc thuộc cấp phân bố rộng khắp vùng biển Thái Bình Dương, thậm chí là các con sông ngòi trong đất liền, trong khi đó Hải quân Hoa Kỳ chỉ có 15.000 lính thuỷ chiến.

Thế lực lớn mạnh khiến nàng bị triều đình bao vây nhưng Trịnh Thị đã chống trả được tất cả những cuộc tấn công của triều đình. Năm 1809, triều đình cử hạm đội đến tấn công Hồng Kỳ bang, nhưng hạm đội này bị đánh bại dễ dàng. Trịnh Thị còn chiếm được 63 thuyền chiến và khiến phần lớn quân địch quy phục, gia nhập đội quân hải tặc của mình. 

Riêng chiến hạm của Trịnh Nhất Tẩu còn lớn gần gấp đôi tàu Armada huyền thoại của Tây Ban Nha. Đô đốc hải quân Mãn Thanh năm 1809 có nói về đội quân hải tặc của Trịnh Thị như sau: "Quân hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực".

Mặc cho tiếp viện do Bồ Đào Nha và Anh liên tiếp gửi đến cũng như được hỗ trợ bởi các thuyền buôn Hà Lan, sau 2 năm triều đình Mãn Thanh vẫn đành từ bỏ việc tấn công đội quân hải tặc này. 

Có lẽ không ai có thể ngờ rằng cô kỹ nữ ngày nào giờ đã trở thành người nắm trong tay quyền lực của một đội quân khét tiếng đến vậy. 

tit3

Theo nguồn tài liệu ghi lại, Trịnh Nhất Tẩu được mô tả như sau: "Bề ngoài nhỏ bé, xinh xắn song Trịnh Nhất Tẩu thực sự là người đàn bà thép, đầy tham vọng với tư duy hết sức sắc bén".

Ngay cả đối với những kẻ tưởng chừng nằm ngoài mọi quy luật như cướp biển, việc một người phụ nữ nắm quyền "điều binh khiển tướng" với hàng chục ngàn người - trong đó đa phần là nam giới - là điều rất hiếm hoi. Càng đáng kinh ngạc hơn, Trịnh Nhất Tẩu đã thi hành được quyền lực thép của mình, có thể thấy rõ điều này trong cách Trịnh Nhất Tẩu điều hành đội quân hải tặc ấy.

Tất cả thuộc hạ và hiển nhiên là bản thân Trịnh Nhất Tẩu đều phải tuân theo những điều lệ vô cùng nghiêm ngặt, trong đó có 3 luật lệ chính và nhiều quy ước phụ khác, điều này khiến cho đội quân của Trịnh Nhất Tẩu hoạt động rất chặt chẽ, quy củ và càng khó để đánh bại hơn.

Những báo cáo từ đội quân của nhiều nước bao gồm cả đế quốc Anh đều ghi nhận rằng đội quân này rất kiên định cả trong tấn công lẫn phòng ngự, ngay cả khi bị rơi vào tình thế nguy khốn nhất hoặc có ít quân số hơn, Hồng Kỳ bang vẫn không hề nao núng hay rối loạn. 

Các luật lệ mà Trịnh Nhất Tẩu đặt ra có thể kể đến như: Kẻ nào hạ lệnh theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" hoặc không tuân lệnh cấp trên đều bị xử trảm ngay tại chỗ; ăn cắp từ "công khố" tức tiền bạc, của cải chung hoặc tấn công những ngôi làng đã quy thuận cướp biển đều sẽ bị xử tử; tất cả của cải tiền bạc hay nô lệ đều phải được đưa ra công khai minh bạch; phần thưởng cũng được trao theo lệ đã định trước...

Các hình phạt có thể từ phạt trượng, tra tấn bằng kim loại nung nóng, phanh thây cho đến xử tử. 

Bên cạnh quy luật hà khắc, điều khiến "đế chế" của Trịnh Thị ngày càng vững mạnh còn là sự thưởng phạt công minh: Các tàu đánh chiếm được của cải đều được quyền giữ 20% số của cải này, khuyến khích tinh thần cạnh tranh để lập công giữa các thuộc hạ. 

Những điều lệ này giúp cho công việc của Hồng Kỳ bang được trôi chảy, hạn chế tình trạng tị hiềm giữa thuộc hạ cũng như giữ chữ tín với những khu dân cư đã quy thuận theo Hồng Kỳ bang. 

tit4

Có lẽ điều khiến Trịnh Nhất Tẩu là cái tên đặc biệt trong số những hải tặc khét tiếng chính là việc luật lệ nàng đặt ra hướng nhiều về phái nữ. Sống thân phận của "gái giang hồ" nhiều năm, sau đó lại lăn lộn biển khơi với những trận chiến không hồi kết, nhưng bản chất của Trịnh Thị vẫn là một người phụ nữ, với lòng xót thương những thân phận nữ giới ba chìm bảy nổi như mình.

Điều này thể hiện ở quy luật của Trịnh Thị đặt ra với những nữ tù nhân: Những nữ tù nhân bị xem là "xấu xí" sẽ được thả đi, trong khi đó nếu các hải tặc muốn cưới những tù nhân có nhan sắc sẽ phải đảm bảo việc chung thủy và chăm lo được cho vợ của mình.

Trịnh Thị cũng tuyệt đối không cho phép việc quan hệ tình dục với nữ tù nhân, nếu cưỡng bức tù nhân nữ thì hải tặc sẽ bị xử trảm, nếu đôi bên tình nguyện mà bị phát hiện thì sẽ ban lệnh xử tử cả hai. Điều luật gần như có một không hai trong giới hải tặc này có lẽ bắt nguồn từ việc xuất thân là một kỹ nữ, Trịnh Thị hiểu rõ nỗi khổ của những cô gái bị làm nhục hay mang thai từ những cuộc tình vụng trộm.

tit5

Trịnh Nhất Tẩu không chỉ có cuộc đời hải tặc lẫy lừng mà ngay cả đời sống riêng cũng không kém phần phức tạp. Bên cạnh những chiến tích trên biển cả, người ta còn lưu truyền giai thoại về cuộc tình tay ba của bà với hai người đàn ông - Trịnh Nhất và Trương Bảo, con nuôi của Trịnh Nhất.

Trương Bảo hay "Trương Bảo Tử" sinh năm 1783, vốn là con trai trong một gia đình ngư dân quanh năm chài lưới. Vào năm 15 tuổi, Trương Bảo bị Trịnh Nhất bắt cóc và giữ làm hải tặc trong Hồng Kỳ bang. Với tài năng của mình, Trương Bảo thích nghi nhanh chóng với đời sống của hải tặc và vươn lên những vị trí cao hơn.

Sau này, Trương Bảo còn được Trịnh Nhất nhận làm con nuôi, trở thành người thừa kế chính thức. Nhiều lời đồn đoán thời ấy còn cho rằng Trương Bảo chính là người tình của Trịnh Nhất, và đó là một phần lý do tại sao Trương Bảo lại được Trịnh Nhất "ưu ái" đến vậy.

Về phần Trịnh Thị, kết hôn và chung sống với chồng là hải tặc Trịnh Nhất 6 năm, nhưng sau này Trịnh Thị lại đến với chính con nuôi của Trịnh Nhất là Trương Bảo để tiếp tục nắm giữ quyền điều hành Hồng Kỳ bang.

Điều này khiến nhiều mũi nghi ngờ chĩa vào vào Trịnh Thị và Trương Bảo về cái chết đột ngột của Trịnh Nhất, và càng khiến nhiều người tò mò về cuộc đời tình ái của nàng. Giữa những người đàn ông của cuộc đời mình, liệu Trịnh Thị có thực sự dành trái tim cho một ai, hay trái tim của người phụ nữ ấy đã thuộc về biển cả?

Cuộc đời hải tặc của Trịnh Nhất Tẩu cuối cùng đã dừng lại khi nàng 35 tuổi. Nhiều nhà sử học đánh giá đây là quyết định khôn ngoan của Trịnh Thị, bởi đó là khi Hồng Kỳ bang đang bị vây hãm trong trận hải chiến Mõm Cọp với hải quân Bồ Đào Nha. Trương Bảo đã chỉ huy 300 thuyền, 1.500 súng và 20.000 quân, nhưng cuối cùng vẫn bị hải quân Bồ Đào Nha đánh bại. Không những thế, Hồng Kỳ bang cũng đối diện với sự mâu thuẫn nội bộ với Hắc Kỳ bang, đặc biệt là sau khi Hắc Kỳ bang bị triều đình mua chuộc. 

tnmh5b

Vào thời điểm ấy, triều đình Mãn Thanh chơi ván bài cuối cùng bằng cách đánh vào tâm lý của nữ thủ lĩnh. Hoàng đế nhà Thanh đưa ra đề nghị ân xá và nói: "Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa?".

Không mang theo vũ khí, Trịnh Thị một mình bước vào đàm phán với Tổng đốc Quảng Đông, cuối cùng đội quân của Trịnh Thị chấp nhận đầu hàng nhưng được phép giữ lại của cải. Trong đội quân cướp biển với quân số lên tới 80.000 người, chỉ có 126 tên bị xử trảm, chưa đến 400 tên bị lưu đày vì những tội nghiêm trọng, số còn lại hoặc được trả tự do hoặc sung vào quân ngũ. 

Từ bỏ biển khơi quay về đất liền sinh sống với của cải của mình, Trịnh Nhất Tẩu đã sinh con, cùng với Trương Bảo mở sòng bạc, sống cuộc đời hoàn lương cho đến khi qua đời tại Quảng Châu vào năm 1844 ở tuổi 69, kết thúc cuộc đời của một "Nữ hoàng hải tặc" quyền lực khét tiếng cả đại dương.

Mai Hoa/GIADINHMOI.VN

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính