Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 17/9 tại nhiều điểm trong Hà Nội ở "mức kém", liên tục dao động từ 100 đến 200. Các ngày 14-16/9 chỉ số AQI đo ở hơn 20 địa điểm luôn trên 100. Điểm đo tại Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm AQI trên 150.
Tình trạng chất lượng không khí ở mức kém sẽ duy trì đến cuối tuần này.
Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm qua tại Hà Nội là 111,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air, nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở trên mức 160, chạm mốc 170.
Đây là mức cực kì có hại cho sức khỏe. AQI là chỉ số đánh giá chất lượng không khí theo khu vực giúp nhận biết không khí ở khu vực đó trong lành hay ô nhiễm và mức độ ô nhiễm cao đến mức nào và có tác động đến sức khỏe ra sao.
Nguyên nhân của ô nhiễm không khí nghiêm trọng là do từ tự nhiên, do các hoạt động công nghiệp, do các công trình xây dựng, tình trạng giao thông và từ ý thức trong sinh hoạt của con người.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, GS.TS Khoa học Phạm Ngọc Đăng cho biết, ô nhiễm không khí sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe tới con người.
Sức khỏe con người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí sẽ phụ thuộc vào nồng độ ô nhiễm không khí cao hay thấp, thời gian tiếp xúc (phơi nhiễm) dài hay ngắn. Nếu ô nhiễm không khí ở mức kém tới báo động đỏ, có thể gây tổn tại cho hầu hết nội tạng trong cơ thể người.
Thứ nhất là về hệ thống hô hấp: Đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài. Khi không khí bên ngoài bị ô nhiễm bởi các chất độc hại như chì, bụi chì, bụi thủy ngân, bụi asen sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống niêm mạc, tế bào đường hô hấp trên.
Nếu đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn sẽ tạo ra viêm xoang, viêm tai giữa và sâu hơn nữa là các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra các bệnh về phổi, phế quản.
Thứ hai là gây ung thư: Hít phải quá nhiều chất độc hại trong không khí, trong thời gian dài có thể gây ra bệnh ung thư phổi và một số bệnh ung thư khác.
Thứ ba là ảnh hưởng tới mắt: Gây ra triệu chứng về đau mắt, sưng mắt...
Thứ tư là về da: Tiếp xúc với các loại chất độc hại trong không khí hoàn toàn gây tổn thương da, viêm da...
Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, tim mạch...
Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai (có thể gây ảnh hưởng bào thai), trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính… Việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong giai đoạn sớm nhất của cuộc đời có liên quan đến các tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức.
Do đó, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, trong những ngày chất lượng không khí xấu, người già, trẻ em, những đối tượng có sẵn các bệnh nền mãn tính, hô hấp nên hạn chế ra ngoài, thường xuyên theo dõi chất lượng không khí như theo dõi thời tiết.
Những người phải ra đường cần đeo khẩu trang kín, đảm bảo tiêu chuẩn chống bụi, mặc quần áo dài để hạn chế tác hại của không khí ô nhiễm.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nguy hiểm cho sức khỏe tới mức nào? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].