Theo các chuyên gia, chỉ trong vài thập niên qua đã có hơn 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa và chỉ 9% trong số đó được tái chế.
Muốn bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm và ngăn chặn thảm họa toàn cầu, chúng ta cần tăng cường giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng hơn bây giờ.
Richart Sowa, một nghệ sĩ người Anh đã cho thế giới một cách sáng tạo để tái sử dụng chai nhựa khi biến hơn 100.000 vỏ chai nhựa thành một hòn đảo nổi xinh đẹp như thiên đường riêng gồm một ngôi nhà, bãi biển, hai chiếc ao và có cả thác nước chạy bằng năng lượng mặt trời..
Cùng tìm hiểu dự án kỳ lạ và đầy tham vọng của Richart với câu chuyện về thiên đường nổi của ông - đảo Joyxee.
Có thể bạn chưa biết, một chiếc chai nhựa phải mất đến 450 năm để phân hủy hết, bởi vậy nó là loại rác thải độc hại với môi trường, song cũng đồng thời là vật liệu xây dựng rất bền.
Ông Richart Sowa đến từ nước Anh cho rằng sử dụng chai nhựa và các rác thải khác để xây đảo, mở rộng đất sẽ là xu hướng trong tương lai.
Những thứ tưởng như chỉ có thể trở thành rác thải đã biến thành nguồn vật liệu có giá trị.
"Những món đồ chúng ta không cần nữa, những loại rác chúng ta không biết phải làm gì, thực chất có thể dùng để giải quyết vấn đề của thế giới" - Ông Richart cho biết.
Để xây dựng đảo Joyxee, gần hòn đảo Isla Mujeres của Mexico, Richart đã sử dụng hơn 100.000 chai nhựa, một ít gỗ công nghiệp và pallet gỗ để giữ hòn đảo nổi được.
Tâm của hòn đảo làm bằng những vỏ chai nhựa được đặt trong tấm lưới, và được gắn với nhau nhờ những cái cây đâm rễ giữa các chai nhựa.
Trên hòn đảo của Richart, chẳng có gì thực sự là rác bỏ đi cả vì ông sử dụng mọi loại rác cho dự án xây đảo của mình. Ông cho rác nhựa, chai thủy đinh, vỏ lon và các loại rác khác vào chung một chiếc túi và dùng chúng để "nâng" đảo.
Ông cho chiếc túi chứa rác lên bề mặt đảo rồi phủ đất lên để trồng cây.
Một trong những điều tuyệt vời về hòn đảo nổi của Richart đó là nó có thể được di chuyển đi bất kỳ đâu nếu có sự giúp đỡ của thuyền bè.
Hòn đảo cũng có thể tự cung tự cấp. Trồng cây ăn quả, trồng rau cỏ thảo mộc đều có, nhà cũng lắp tủ lạnh, điều hòa, các thiết bị điện chạy bằng năng lượng mặt trời...
Trong video dưới đây, ông Richart dẫn mọi người một vòng thăm hòn đảo xinh đẹp, ấm áp và thân thiện với môi trường của mình, một lần nữa gửi thông điệp ý nghĩa với mọi người: hãy ngừng ngay hành vi làm ô nhiễm môi trường trước khi quá muộn.
Hòn đảo đã trải qua vài cơn bão, nhưng ông Richart sẽ không từ bỏ.
Đảo Joyxee thực ra là hòn đảo thứ hai mà ông Richart đã xây dựng. Hòn đảo nổi đầu tiên được xây dựng năm 1998 nhưng vào năm 2005, nó đã bị một cơn bão phá hủy.
Ông Richart đã dành vài năm thu thập vỏ chai nhựa cho dự án tiếp theo, chính là đảo Joyxee và hoàn thành nó năm 2008.
Đáng tiếc, đầu năm 2019, đảo Joyxee đã chịu một cơn bão và các mép đảo bắt đầu bị lỏng ra.
Tuy nhiên, ông Richart quyết tâm để duy trì dự án và dự tính sẽ sửa lại trong năm nay, đồng thời mở cửa hòn đảo với công chúng.
Nghệ sĩ cũng đã được một tập đoàn sinh thái mời xây dựng thêm 3 hòn đảo nổi khác, vậy nên trong tương lai chúng ta có thể sẽ được thấy thêm nhiều hòn đảo thiên đường làm từ vỏ chai nhựa và rác thải.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Người đàn ông biến hơn 100.000 vỏ chai nhựa thành hòn đảo nổi đẹp như thiên đường tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].