Điều kiện học ngày ấy đâu được như bây giờ - nhưng tin hay không thì chỉ sau 7 năm, tôi đã ngừng học thêm tiếng Anh và có một vốn tiếng Anh khá tốt, đủ tốt để sang tới Mỹ mà vẫn hiểu người ta nói gì, và người ta cũng hiểu tôi nói gì ngay từ hôm đầu tiên.
Còn chuyện phải trau dồi ngôn ngữ tiếp luôn đòi hỏi thời gian dài làm quen với văn hóa và môi trường, cũng như phụ thuộc vào động lực học của từng người.
Chẳng thiếu người đi học nước ngoài về nhưng viết một câu tiếng Anh cũng chẳng xong, phát âm tiếng Anh gọi là lưu loát nhưng không thể nói là chuẩn.
Ngày nay, chỉ cần khi con 2-3 tuổi là bạn đã nghe người ta nói ra rả vào tai: 'Học đi! Nhỡ giai đoạn vàng kìa!' Tiếng Anh được quảng cáo là bảo đảm thành công tương lai cho đứa trẻ.
Rất nhiều gia đình cho con học tiếng Anh cũng chỉ vì tin rằng tiếng Anh sẽ là cánh cửa dẫn đến thành công
Rất nhiều gia đình cho con học tiếng Anh cũng chỉ vì tin rằng tiếng Anh sẽ là cánh cửa dẫn đến thành công, không học tiếng Anh thì lại thiệt như bố mẹ,…
Tôi cũng dạy tiếng Anh cho hai con từ nhỏ. Ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng tiếng Anh là cần thiết, dạy con sớm thì về sau đỡ mệt phải đầu tư tiền học quá nhiều năm.
Sau 2 năm, khi con đầu 3 tuổi, quá trình tự dạy con tiếng Anh tại nhà không những thay đổi toàn bộ cách tôi nhìn nhận tiếng Anh, mà còn là cách tôi nhìn nhận giáo dục.
Không ít cha mẹ tin rằng học thật sớm, thật nhiều là cách tốt để cho bé học. Thay vì để ý tới thái độ của con, các cha mẹ kiểu này đặt ra mục tiêu học cứng nhắc, và có mong đợi rất lớn dành cho con.
Họ tìm cách đánh giá thành công bằng cách để ý xem con đã nói được bao nhiêu từ, phát âm đúng có nhanh không, có tập trung không; và trong số các cha mẹ này cũng có nhiều người áp đặt con học theo cách như ở trường: cha mẹ nói, con nhắc lại.
Nếu trẻ không đáp ứng được kỳ vọng, họ trách con là kém thông minh, không tập trung, lười biếng, không có tố chất,… mà không hiểu rằng việc học thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào THÁI ĐỘ của cha mẹ.
Trẻ con sẽ học khi chúng thấy vui. Cảm thấy vui vẻ, được chạy nhảy, được thể hiện cảm xúc, được chọn thứ chúng quan tâm, thậm chí là được từ chối học, thì trẻ mới có thể học thành công.
Học là một quá trình rất dài, không bao giờ kết thúc cả. Cố nhanh trong vài năm đầu chẳng để làm gì, nếu trẻ chưa sẵn sàng cho việc đó
Học là một quá trình rất dài, không bao giờ kết thúc cả. Cố nhanh trong vài năm đầu chẳng để làm gì, nếu trẻ chưa sẵn sàng cho việc đó (thường là khi không thích hoặc cách dạy không phù hợp).
Các cha mẹ dạy học theo kiểu truyền thống thường gây áp lực cho con và ủn đít con. Khi ấy, những gì cha mẹ gây ra cho đứa trẻ là tâm lý chống đối, không muốn hợp tác nữa.
Nguyên tắc quan trọng đầu tiên: dù dạy gì, dù muốn con học gì, cha mẹ luôn phải giới thiệu theo cách vui vẻ và có ý nghĩa với trẻ. Với trẻ, chơi và học phải là một thì mới đem lại kết quả cao nhất.
Kết quả không nên được tính bằng những tiêu chí như trong một bài kiểm tra, mà phải được tính bằng niềm vui thích của trẻ.
Vì được giáo dục theo cách thức bị đe dọa, gây căng thẳng để học trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu, nên nhiều cha mẹ sau này khi có con cũng đem lại đúng cách thức đó để áp dụng với con.
Họ lý luận: nếu không ép thì trẻ con sẽ chẳng bao giờ chịu học. Một vòng tròn luẩn quẩn: càng ép thì con càng sợ, càng sợ càng không muốn học, càng không muốn học càng bị đe dọa, càng bị đe dọa càng sợ,… và cứ như thế.
Học là vất vả và đáng sợ, mình chỉ muốn chơi thôi, chơi chẳng liên quan gì đến học, người lớn ghét mình chơi
Quen với cách thức này, trẻ ngấm một thông điệp rằng 'học là vất vả và đáng sợ, mình chỉ muốn chơi thôi, chơi chẳng liên quan gì đến học, người lớn ghét mình chơi'. Trẻ sẽ cố học khi có mặt người lớn để chiều lòng người lớn, nhưng khi người lớn quay lưng đi thì đâu lại vào đó.
Ngược lại, nếu người lớn để cho trẻ vừa học vừa chơi, thì trẻ sẽ không bao giờ phân biệt học và chơi.
Ở trẻ nhỏ thì đúng là như vậy: tất cả những trò chơi của trẻ mà người lớn thường cho là vô nghĩa thực ra luôn là kiểu chơi thích hợp nhất với giai đoạn phát triển của trẻ.
Chơi tự do ở trẻ nhỏ đem lại tất cả mọi ích lợi mà trẻ cần: vận động, nhận thức, tương tác xã hội (khi chơi chung với người khác), ngôn ngữ và cảm xúc.
Người lớn thường không hiểu quá trình phát triển tự nhiên ở trẻ và những gì trẻ cần, mà thường cứ khăng khăng là trẻ phải học và phải giảm… chơi.
Học trên thực tế là nhu cầu của trẻ, là điều trẻ sẽ tự tìm đến - với điều kiện trẻ đã được chăm lo các nhu cầu về cảm xúc, cảm giác an toàn và kết nối.
Điều mà chúng ta cần làm không phải là thúc ép trẻ học, mà là đáp ứng các nhu cầu về cảm xúc, an toàn và kết nối, tiếp đó là để ý xem trẻ thích học theo cách như thế nào để hỗ trợ trẻ được tốt nhất
Điều thường xảy ra là: người lớn cắt đứt cảm giác kết nối của trẻ với mình, khiến trẻ căng thẳng, không quan tâm tới cảm xúc của trẻ và nói “học đi!”
Trường học và các quảng cáo giáo dục đã gây ra một ngộ nhận vô cùng lớn về giáo dục: đó là niềm tin rằng có những thứ đáng học, có những thứ quan trọng, có những môn học đúng, và có những thứ không quan trọng.
Ví dụ, với trẻ mẫu giáo bây giờ, người ta cuống lên để dạy đọc, dạy toán, dạy tiếng Anh. Vì với người ta, giáo dục chỉ dừng ở đấy.
Vì được giáo dục bao nhiêu năm trên ghế nhà trường, nay người ta cũng tin rằng Toán và ngôn ngữ là những môn quan trọng nhất, cần thiết nhất. Còn lại là … phụ.
Không có gì lạ khi người ta vẫn coi Toán là môn cao cấp, còn Thể Dục là thứ thấp cấp. Còn nhân cách thì chẳng mấy ai để tâm (sao mà để tâm khi người ta vẫn chỉ coi ngoan ngoãn, học giỏi, vâng lời là ba thứ quan trọng nhất để đánh giá một đứa trẻ?).
Sự thật là chẳng có gì cao cấp hay thấp cấp. Sự thật là mỗi một nội dung học chỉ là công cụ để qua đó người lớn cùng trẻ xâp đắp tình yêu cho cuộc sống.
Nếu trong khi và sau khi học, trẻ cảm thấy chán chường, thì người lớn nên xem lại xem mình đã làm gì sai.
Mình đã lắng nghe cảm nhận của con chưa? Mình đã chú ý tới phản hồi của con chưa? Mình cho con học để làm gì?
Mình coi giáo dục là cuộc chạy đua, hay là hành trình hạnh phúc?
Mình coi giáo dục là cuộc chạy đua để mình có đứa con giỏi hơn đứa nhà hàng xóm, để sau này nó tham dự các cuộc thi, giành được các giải thưởng, hay mình coi giáo dục là hành trình hạnh phúc.
Với gia đình tôi, giáo dục là hành trình hạnh phúc. Xuyên suốt quá trình giáo dục, cha mẹ phải học cách hiểu con, lắng nghe con, rồi mới biết cách giúp con.
Con phải hạnh phúc, gia đình phải hạnh phúc, gắn kết trước tiên, rồi sau đó thích học gì thì học.
Nếu chỉ vì học (sai cách) mà phá hủy gắn kết với con và khiến con khổ sở (tôi đã chứng kiến nhiều gia đình như thế này), thì nó có đáng không?
Trên thực tế, khả năng học của đứa trẻ ở trường liên quan rất nhiều tới mối quan hệ của nó với cha mẹ, chứ không phải là trí thông minh của nó.
Nhiều gia đình không hiểu, nên khi thấy con học không có kết quả, thì bỏ càng thêm nhiều tiền hơn nữa để thuê thầy cô dạy nhiều và nhiều hơn nữa. Đứa trẻ càng khổ sở hơn nữa.
Khi căng thẳng thì chẳng thông minh được đâu – khoa học đã chứng minh rồi.
Cái giúp trẻ tốt nhất chỉ đơn giản là tình yêu và sự chú ý của cha mẹ dành cho nó, không chỉ trong những năm đầu đời mà còn xuyên suốt cuộc đời.
Chỉ chơi với con và gắn kết với con đã là một điều quá tuyệt vời (mà thực ra ít cha mẹ làm được, do không biết chơi với con, và coi nhẹ giá trị của chơi).
Tiếng Anh, đọc, hay toán, để sau cũng được, chứ chẳng chết ai đâu! Còn nếu được dạy thì nên được dạy với tình yêu thương, hạnh phúc và tiếng cười.
Tiếng Anh hay toán hay học đọc, tới lúc nào học cũng được. Nhưng sự gắn kết với con mà bỏ qua hay phá hỏng vì cha mẹ không hiểu biết thì để lại ảnh hưởng lâu dài tới phát triển của con.
Bên cạnh đó, chúng ta hãy nghĩ đơn giản hơn đi: Bạn giỏi gì? Bạn yêu thích gì thì bạn hãy dạy lại cái ấy cho con bạn.
Hãy luôn nhớ rằng trẻ nhỏ luôn luôn học mọi lúc mọi nơi, trẻ chỉ không học theo cách người lớn hình dung
Tôi thấy với một số gia đình, cha mẹ không thích tiếng Anh lắm mà cứ cố dạy, cố ép con. Thế thì không những không giúp được con, mà lại còn gây căng thẳng và cản trở niềm yêu thích của con với tiếng Anh.
Nhiều nhà cũng chú trọng tiếng Anh quá, quên cả dạy tiếng Việt, rồi lại bảo là con không học tốt tiếng Việt.
Tại sao tiếng Việt không được chú trọng? Bạn thích nấu ăn thì cho con tham gia và truyền cho con niềm yêu thích nấu nướng. Chơi bóng, bơi lội, đọc sách, yoga,…?
Cái gì mà chẳng là học, chẳng là cách để yêu cuộc sống? Bạn có thể chỉ cần đi bộ một vòng, cùng con quan sát cuộc sống, lắng nghe, trò chuyện và hiểu nhau.
Giáo dục ở mức cơ bản nhất – và sư phạm nhất – chính là những lúc ấy, chứ không phải lúc trẻ phải học thứ này, thứ kia (được quảng cáo là sẽ giúp trẻ phát triển… toàn diện) để chuẩn bị vào lớp 1 hay để trở nên giỏi.
Hãy luôn nhớ rằng trẻ nhỏ luôn luôn học mọi lúc mọi nơi, trẻ chỉ không học theo cách người lớn hình dung.
Chính vì vậy mà lắm khi người lớn cố dạy trẻ thì lại thành ra không thể dạy được, mà cứ để cho trẻ vui vẻ trong bầu không khí an bình, yêu thương, thì trẻ lại tự học được rất nhiều thứ qua chơi tự do, qua quan sát các thành viên, và qua cách được người lớn đối xử.
Tiếng Anh là tấm vé vàng giúp người ta thành công ở cuộc đời này ư? Tôi chẳng thấy liên quan lắm. Vì nếu giỏi tiếng Anh, nhưng là một kẻ bảo thủ, bi quan, hay đố kỵ, không biết quan tâm tới người khác, thì tôi không rõ sẽ thành công như thế nào.
Tình yêu cuộc sống và nhân cách tốt mới là yếu tố lớn tạo nên thành công. Có nhiều người không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn thành công trong lĩnh vực mà họ chọn đấy thôi, bạn à.