Thực trạng tổn thương tâm lý của nạn nhân là nữ giới trong các vụ án mua bán người hiện nay

Tác giả: Dương Thị Như Nguyệt, Phạm Quang Trung
Tóm tắt: Nạn nhân là nữ giới trong các vụ mua bán người mang trên mình những hậu quả về mặt tâm lý gây ra những khó khăn nhất định trong quá trinh học tập, giao tiếp và thiết lập quan hệ xã hội. Bài viết dựa trên kết quả phân tích 53 nạn nhân là phụ nữ tại 4 xã biên giới trên các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai với những biểu hiện tổn thương tâm lý trong các vụ mua bán người từ nghiên cứu thực trạng tổn thương tâm lý của nạn nhân trong các vụ án mua bán người từ 8/2022-3/2023. Trên cơ sở đó, bài

Từ khóa: Tổn thương tâm lý, nạn nhân, mua bán người.

ton thuong tam ly

1.  Đặt vấn đề

Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu thể hiện sự quan tâm mang tính toàn cầu về vấn đề hỗ trợ, bảo vệ các nạn nhân của nạn mua bán người. Trong nghiên cứu “Vai trò của công nghệ trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người” được thực hiện năm 2018, Tiến sĩ Vanessa Bouché của Đại học Texas Christian đã hợp tác với Thorn - một tổ chức bảo vệ trẻ em, tiến hành khảo sát những nạn nhân may mắn sống sót sau các vụ mua bán người. Theo đó, có 260 nạn nhân từ 14 tiểu bang đã tham gia cuộc khảo sát, trong đó đa số nạn nhân là nữ với 98%, 2% còn lại là nam. Về chủng tộc, có 45% người Mỹ gốc Phi được báo cáo, 27% người da trắng, 21% gốc Tây Ban Nha và 8% dân tộc khác. Các kết quả cho thấy, nạn nhân của loại tội phạm này có thể là bất kỳ ai, đàn ông hoặc phụ nữ, người lớn hoặc trẻ em hay công dân của bất kỳ quốc gia nào. Nạn nhân của nạn mua bán người có nền tảng kinh tế xã hội, trình độ học vấn đa dạng. Tuy nhiên, họ thường là những người có thể trạng thể chất yếu, hoặc từ những vùng bị hạn chế về mặt giáo dục và kinh tế (Bouché, 2018).

Theo Surtee và cộng sự (2021) những vấn đề và thách thức trong việc phục hồi và giúp nạn nhân của nạn mua bán người hòa nhập cộng đồng. Một trong số những khó khăn đó thuộc về trải nghiệm của nạn nhân với việc bảo vệ và hỗ trợ trước đây. Họ luôn trong tình trạng sợ hãi, cảm thấy nhục nhã, xấu hổ, mất lòng tin, không thể đặt niềm tin vào ai. Một số khác cảm thấy bảo vệ và hỗ trợ không phải những gì mà nạn nhân muốn hoặc cần; không hiểu đúng việc bảo vệ và hỗ trợ hoặc do rào cản ngôn ngữ, văn hóa. Tuy nhiên, cách thức về tổ chức và cơ chế trong quá trình bảo vệ và hỗ trợ cũng là vấn đề và thách thức trong việc giúp nạn nhân nạn mua bán người hòa nhập cộng đồng. Những phát hiện này cung cấp những hiểu biết mới về khó khăn trong công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ ra được mức độ tổn thương tâm lý của các nạn nhân trong các vụ mua bán người và chưa làm sáng tỏ lý luận về tổn thương tâm lý (Larrousse, 1997).

Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ (ACTIP) được ký ngày 21/11/2015, tạo nền tảng pháp lý quan trọng và chuyên biệt đối với hoạt động hợp tác phòng, chống buôn bán người giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ (ACTIP) vào ngày 13/12/2016, chính thức có hiệu lực từ ngày 08/03/2017. Từ khi tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người (đặc biệt là phụ nữ), Việt Nam đã nội luật hóa và hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision), UN-ACT và Viện NEXUS đã hợp tác biên soạn cuốn tài liệu “Hỗ trợ việc tái hòa nhập của nạn nhân bị buôn bán: Tài liệu hướng dẫn dành cho khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” xuất bản năm 2016. Tài liệu này được biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu hậu buôn bán người: Kinh nghiệm và Thách thức trong công tác hòa nhập của nạn nhân bị buôn bán tại Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, do chính phủ các quốc gia thuộc Tiến trình COMMIT ủy nhiệm cho Viện NEXUS thực hiện. Kết quả nghiên cứu về công tác hòa nhập này dựa trên những cuộc phỏng vấn hơn 250 nạn nhân bị buôn bán trong khu vực về cuộc sống họ đã trải qua sau khi thoát ra khỏi tình trạng bị mua bán. Do đó, tài liệu hướng dẫn này được xây dựng dựa trên nền tảng kinh nghiệm thực tiễn và những nhu cầu mà nạn nhân tự nhận diện. Trên cơ sở đó tác giả đưa ra một số giải pháp để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác hỗ trợ các nạn nhân trong các vụ mua bán người phục hồi tổn thương tâm lý và hòa nhập cộng đồng (World Vision, UN-ACT & Viện NEXUS, 2016).

Tại Việt Nam, “tổn thương tâm lý” là cụm từ được sử dụng càng ngày càng xuất hiện rộng rãi ở rất nhiều các lĩnh vực khoa học, báo chí, truyền thông, đời sống sinh hoạt hằng ngày với nhiều cách gọi khác nhau như “sang chấn tâm lý”, “chấn thương tâm lý”, “tổn thương tinh thần”, “rối nhiễu tâm lý”. Hiểu một cách đơn giản thì tổn thương tâm lý là sự mất cân bằng, đau khổ, khó chịu thường diễn ra trong đời sống tinh thần của con người.

Theo Surtee và cộng sự (2021), tổn thương tâm lý là những hậu quả mà cá nhân phải gánh chịu do một hoặc nhiều sự kiện nào đó tác động đến. Và các yếu tố làm phá vỡ trạng thái cân bằng trong tâm lý thường để lại những hệ quả về vấn đề phát triển bình thường. Tổn thương tâm lý của thực thể được xem là sự tổn thương về mặt chức năng của một số cơ quan bên trong con người mà có sự liên quan không nhỏ tới hệ thần kinh. Các biểu hiện có thể nhận thấy được của tổn thương tâm lý thực thể như: tổn thương tâm lý ngắn hạn hoặc dài hạn, các phản ứng cảm xúc, tình cảm của cá nhân (Vũ Dũng, 2008). Một số nhà tâm lý học cho rằng tổn thương tâm lý là tổng hợp các triệu chứng của PTSD (Post Trauma Stress Disorder) trong sổ tay chẩn đoán và phân loại các bệnh rối loạn tâm thần DSM-IV (1994). PTSD dùng để chỉ những cá nhân trải qua ba nhóm triệu chứng, bao gồm: ký ức xâm nhập, né tránh, kích thích, kéo dài hơn 1 tháng, trước đó họ phải trải qua hoặc chứng kiến những sự kiện như gây tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ gây tử vong, liên quan đến sinh mạng hoặc đe dọa đến sự toàn vẹn về mặt thể chất và tinh thần của chính bản thân hay của người khác (Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, 1994). Văn Thị Kim Cúc và Nguyễn Hữu Thụ (2003) đều cho rằng, tổn thương tâm lý là các rối nhiễu, sự mất cân bằng tạm thời (hoặc lâu dài) về mặt tâm lý trong đời sống hàng ngày của con người biểu hiện ở những lệch lạc trong đời sống tình cảm, nhận thức, hành vi, những mặc cảm, tự ái, hoang mang, lo âu, trầm cảm. Các công trình nghiên cứu đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của mua bán người. Đây là những cơ sở quan trọng giúp tác giả có thể kế thừa để xác định, làm rõ hơn tổn thương tâm lý của nạn nhân là nữ giới trong các vụ án mua bán người hiện nay.

Điều 1, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đã xác định hành vi mua bán người như sau: “Mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa.

Từ những quan điểm, phân tích và kết luận nêu trên, nghiên cứu đưa ra định nghĩa về tổn thương tâm lý của nạn nhân trong các vụ mua bán người như sau: Tổn thương tâm lý của nạn nhân trong các vụ mua bán người là sự mất cân bằng về mặt tâm lý một cách ngắn hạn hoặc dài hạn của cá nhân trực tiếp bị gây thiệt hại, được biểu hiện thông qua sự nhiễu loạn trong đời sống tinh thần, nhận thức, thái độ, hành vi,… khi cá nhân bị coi như một loại hàng hoá để trao đổi bằng các phương tiện thanh toán khác nhau trong các vụ mua bán người.

Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng “tổn thương tâm lý (TTTL) là những nhiễu loạn làm mất cân bằng về mặt tâm lý một cách ngắn hạn hoặc dài hạn của cá nhân, được biểu hiện thông qua sự lệch lạc trong đời sống tinh thần, nhận thức, thái độ, hành vi, lo âu, trầm cảm. Khi cá nhân đã trải qua một hay nhiều sự kiện có tính chất bất thường và làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn về mặt thể chất hay tinh thần, từ đó làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng thấp”.

2. Khách thể và phưng pháp nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu: Gồm 53 nạn nhân là phụ nữ tại 4 xã biên giới trên các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai. Nghiên cứu này chủ yếu sử dụng các phương pháp: Nghiên cứu tài liệu, quan sát, điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Trong nghiên cứu này, sử dụng thang đo cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Thang đo gồm 20 cảm xúc (12 cảm xúc tiêu cực và 8 cảm xúc tích cực) được phát triển bởi Wojciszke & cộng sự (1998) gồm 24 thành tố. Mỗi thành tố đều có 5 phương án trả lời theo thang Likert 5 mức độ từ: Thang cấp độ: 1 – Không bao giờ; 2 – Ít khi; 3 – Thỉnh thoảng; 4 – Thường xuyên ; 5 – Rất thường xuyên. Sau khi xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 cho thấy, tiểu thang đo này có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,8, đủ độ tin cậy để tiến hành đánh giá cảm xúc của nạn nhân trong các vụ án mua bán người.

3. Kết quả nghiên cứu

Nạn nhân trong các vụ án mua bán người không chỉ chịu những tác động về thể chất mà còn mang trên mình những vết sẹo về tinh thần để lại những tổn thương về tâm lý trong một thời gian dài ảnh hưởng đến quá trình học tập, giao tiếp và cơ hội lao động, việc làm để tự khẳng định mình. Họ có thể vẫn phải đối mặt, chịu đựng những hành vi bạo lực, xâm hại hoặc bóc lột sức lao động với những căng thẳng tiếp diễn, nên nghiên cứu còn đánh giá triệu chứng stress, tổn thương về thể chất, cảm xúc và khó khăn trong kỹ năng thiết lập mối quan hệ xã hội. Trên thực tế, tổn thương tâm lý của nạn nhân trong các vụ mua bán người là sự mất cân bằng về mặt tâm lý một cách ngắn hạn hoặc dài hạn của cá nhân trực tiếp bị gây thiệt hại, được biểu hiện thông qua sự nhiễu loạn trong đời sống tinh thần, nhận thức, thái độ, hành vi. Khi cá nhân bị coi như một loại hàng hoá để trao đổi bằng các phương tiện thanh toán khác nhau trong các vụ mua bán người. Biểu hiện tổn thương tâm lý của phụ nữ bị mua bán người rất đa dạng, phức tạp có thể kể đến một số dạng điển hình gồm: tổn thương về thể chất, cảm xúc, lo âu, khó khăn trong thiết lập mối quan hệ xã hội.

3.1. Tổn thương về thể chất

Thể chất có sự tác động rất lớn tới tâm lý của phụ nữ bị mua bán. Rõ ràng khi thể chất có sự thay đổi theo hướng tiêu cực thì không thể tránh khỏi hệ luỵ kéo theo là những TTTL đi kèm, nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: “Chị cảm thấy sự tổn thương về thể chất ở mức nào?”.

Bảng 1. Mức độ tổn thương về thể chất của phụ nữ bị mua bán

Biểu hiện

Có biểu hiện

ĐTB

ĐLC

Một chút

Vừa phải

Nhiều

Rất nhiều

Tôi nghĩ rằng sức khoẻ của bản thân mình ngày càng yếu đi

3,8%

34,0%

54,7%

7,5%

2,66

0,68

Tôi cho rằng bản thân tôi xấu xí và thật ghê tởm.

5,7%

75,5%

17,0%

1,9%

2,15

0,53

Khi gặp những sự việc gây ám ảnh tôi sẽ trở nên hoảng loạn, sợ hãi, tay chân run rẩy, ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh.

1,9%

26,4%

66,0%

5,7%

2,75

0,59

Tôi không thể bền bỉ, dẻo dai hoặc kiên trì như trước

7,5%

73,6%

15,1%

3,8%

2,15

0,59

Tôi không thể tập trung và trí nhớ bị suy giảm

3,8%

15,1%

73,6%

7,5%

2,84

0,59

Tôi mong muốn làm tổn hại bản thân: bứt tóc, nhổ lông mày, cào da tay, rạch tay, chân, bụng bằng dao lam, tát vào mặt, đập đầu vào tường,…

7,5%

71,7%

18,9%

1,9%

2,15

0,57

 Kết quả nghiên cứu ở Bảng 1 cho thấy: Xếp thứ nhất về mức độ tổn thương của nạn nhân là phụ nữ về thể chất đó là không thể tập trung và trí nhớ bị suy giảm (ĐTB= 2,85). Tiếp theo là “khi gặp những sự việc gây ám ảnh tôi nghĩ mình sẽ trở nên hoảng loạn, sợ hãi, tay chân run rẩy, ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh” (ĐTB=2,75). Xếp thứ ba sau đó là “Tôi nghĩ rằng sức khoẻ của bản thân mình ngày càng yếu đi” (ĐTB=2,66). Qua đó cho thấy rằng đa số các nạn nhân bị mua bán sau khi trở về phải mang trên mình một hoặc nhiều thương tích, nhỏ hoặc lớn, nông hoặc sâu trên cơ thể. Đó là hệ lụy của việc tra tấn, bóc lột đến từ bọn MBN. Từ những khía cạnh nêu trên cho chúng ta thấy, thể chất của các nạn nhân trong các vụ MBN có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục và phát triển tâm lý, thể chất quyết định sự ổn định từ các bộ phận trên cơ thể và từ đó giúp cho các nạn nhân bị mua bán có được tâm lý thoải mái và ngược lại tâm lý ổn định sẽ là điều kiện tiên quyết giúp phát triển thể chất. Do vậy, các nạn nhân bị mua bán có những tổn thương về thể chất ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ.

3.2. Tổn thương về mặt cảm xúc

Bảng 2. Mức độ tổn thương về mặt cảm xúc của phụ nữ bị mua bán

Biểu hiện

Có biểu hiện

ĐTB

ĐLC

Một chút

Vừa phải

Nhiều

Rất nhiều

Vui sướng

69,8%

28,3%

1,9%

0,0%

1,32

0,51

Cảm giác bất an

1,9%

5,7%

60,4%

32,1%

3,23

0,64

Hoảng hốt

3,8%

18,9%

58,5%

18,9%

2,92

0,73

Yêu thương

28,3%

64,2%

5,7%

1,9%

1,81

0,62

Phẫn nộ

7,5%

47,2%

43,4%

1,9%

2,4

0,66

Vui vẻ

75,5%

18,9%

3,8%

1,9%

1,32

0,64

Tự ti

0,0%

3,8%

28,3%

67,9%

3,64

0,56

Buồn rầu

0,0%

9,4%

56,6%

34,0%

3,25

0,62

Kích động

1,9%

43,4%

45,3%

9,4%

2,62

0,69

Sợ hãi

1,9%

20,8%

49,1%

28,3%

3,04

0,76

Hối tiếc

0,0%

3,8%

39,6%

56,6%

3,53

0,58

Lo lắng

5,7%

50,9%

37,7%

5,7%

2,43

0,69

Sốt sắng

22,6%

56,6%

9,4%

11,3%

2,1

0,88

Tức giận

3,8%

22,6%

56,6%

17%

2,87

0,73

Thất vọng

1,9%

28,3%

58,5%

11,3%

2,8

0,66

Hạnh phúc

56,6%

39,6%

3,8%

0,0%

1,47

0,58

Phát khùng

1,9%

49,1%

39,6%

9,4%

2,57

0,69

Hài lòng

75,5%

20,8%

3,8%

0,0%

1,28

0,53

Tình cảm

32,1%

39,6%

18,9%

9,4%

2,06

0,95

Xấu hổ

1,9%

3,8%

37,7%

56,6%

3,5

0,67

Cảm giác có lỗi

18,9%

20,8%

39,6%

20,8%

2,62

1,02

Quyến luyến

39,6%

56,6%

1,9%

1,9%

1,66

0,62

Chán nản

1,9%

11,3%

58,5%

28,3%

3,13

0,68

Bất hạnh

3,8%

3,8%

7,5%

84,9%

3,74

0,71

Kết quả khảo sát ở Bảng 2 cho thấy: đa số phụ nữ bị mua bán người có cảm xúc tích cực rất thấp: vui sướng (ĐTB=1,32), yêu thương (ĐTB=1,81), vui vẻ (ĐTB=1,82), sốt sắng (ĐTB=2,1), hạnh phúc (ĐTB=1,47), hài lòng (ĐTB=1,28), quyến luyến (ĐTB=1,66). Phụ nữ bị mua bán phải chịu những tổn thương rất nặng nề về thể chất nên khó có thể có những cảm xúc tích cực được. Những người cảm thấy cô đơn, chán nản và bị cô lập có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao gấp nhiều lần so với những người có ý thức yêu thương, gắn kết cộng đồng. Khi có cảm xúc tích cực sẽ có mức độ tổn thương tâm lý nhỏ hơn so với các nạn nhân khác, họ dễ dàng điều tiết cảm xúc của mình trước những tác động của cuộc sống, họ rất lạc quan và dễ dàng kiềm chế cảm xúc trước những hành động, lời nói đả kích của người khác.

Ngược lại, cảm xúc tiêu cực lại có tỉ lệ rất cao, điển hình như: tự ti (ĐTB=3,64), hối tiếc (ĐTB=3,53), xấu hổ (ĐTB=3,50). Nếu làm việc và sống cùng với những cảm xúc tiêu cực lâu dài, họ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hệ lụy đối với cuộc sống và sức khỏe.

Khi bị mua bán, nạn nhân phải trải qua những trải nghiệm hãi hùng. Họ có thể bị lạm dụng tình dục, bị tra tấn bằng bạo lực, phải chứng kiến người khác bị bạo lực, chịu điều kiện sống và làm việc tồi tệ, không có tự do hoặc lựa chọn nào khác... Chính những trải nghiệm bị buôn bán đã khiến nhiều nạn nhân bị căng thẳng và trầm cảm trầm trọng. Họ có thể bị ám ảnh bởi những hình ảnh, âm thanh gợi nhớ lại quãng thời gian khủng khiếp mà mình đã trải qua khi bị mua bán. Những ám ảnh tâm lý còn lớn hơn nhiều đối với những nạn nhân bị mua bán khi là trẻ em. Từ đó, nạn nhân nảy sinh tâm lý không ổn định và bất hợp tác ngay cả khi làm việc với lực lượng thực thi pháp luật.

Do vậy, việc trấn an tâm lý là một điều vô cùng quan trọng đối với bất cứ ai khi làm việc hoặc hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, cán bộ thực thi pháp luật cũng cần phải tránh việc sử dụng những từ ngữ có thể gây tổn thương hoặc mang tính miệt thị, kì thị đối với nạn nhân. Thực tế cho thấy, việc có thêm người thân bên cạnh hoặc có người hỗ trợ cùng giới tính, đồng cảm và thấu hiểu với hoàn cảnh và tình trạng của nạn nhân có thể giúp cho tâm lý của nạn nhân ổn định và tự tin hơn.

3.3. Mức độ lo âu ở phụ nữ là nạn nhân trong các vụ mua bán người

Mỗi người chúng ta đều trải qua những lúc và có thể có những giai đoạn lo âu kéo dài. Trong thực tế y học, các bệnh nhân có một loạt những triệu chứng khác nhau liên quan đến lo âu. Thường bệnh nhân lo âu đến với những lời phàn nàn về thực trạng của cơ thể như nhức đầu, đau vùng thắt lưng, mỏi mệt, mất ngủ. Những triệu chứng này phản ánh sự phản ứng từ nhẹ đến nặng của chứng lo âu. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng rối loạn lo âu của phụ nữ bị mua bán thể hiện như sau:

 

muc do lo au

Biểu đồ 1. Mức độ lo âu ở phụ nữ là nạn nhân của MBN (đơn vị tính: %)

Bảng 3. Biểu hiện các triệu chứng lo âu phụ nữ bị MBN 

Triệu chứng

Hoàn toàn không đúng

Một phần đúng

Phần lớn đúng

Hoàn toàn đúng

ĐTB

ĐLC

1. Tôi bị khô miệng

15,1%

56,6%

26,4%

1,9%

2,15

0,69

2. Tôi bị rối loạn nhịp thở (thở gấp, khó thở dù chẳng làm việc gì nặng)

9,4%

13,2%

67,9%

9,4%

2,77

0,75

3. Tôi có cảm giác bị run (tay, chân...)

43,4%

49,1%

5,7%

1,9%

1,66

0,68

4. Tôi đã rơi vào sự việc khiến tôi rất lo lắng và tôi chỉ dịu lại khi sự việc đó đã qua đi

1,9%

5,7%

60,4%

32,1%

3,23

0,64

5. Tôi thấy mình gần như bị ngất

45,3%

47,2%

5,7%

1,9%

1,64

0,68

6. Tôi bị đổ mồ hôi dù chẳng vì làm việc nặng hay do trời nóng

28,3%

66,0%

3,8%

1,9%

1,79

0,60

7. Tôi hay sợ vô cớ

1,9%

3,8%

60,4%

34,0%

3,26

0,62

8. Tôi thấy khó nuốt

32,1%

56,6%

7,5%

3,8%

1,83

0,73

9. Tôi bị rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh hoặc bị lỡ nhịp đập)

9,4%

56,6%

30,2%

3,8%

2,28

0,69

10. Tôi thấy mình gần như hoảng loạn

3,8%

18,9%

58,5%

18,9%

2,92

0,73

11. Tôi sợ phải làm những việc bình thường nhưng trước đây tôi đã từng quen làm

1,9%

20,8%

49,1%

28,3%

3,04

0,76

12. Tôi cảm thấy khiếp sợ

1,9%

5,7%

60,4%

32,1%

3,23

0,64

13. Tôi lo lắng về những tình huống có thể làm tôi hoảng sợ hoặc bị biến thành trò cười

0,0%

3,8%

28,3%

67,9%

3,64

0,56

14. Tôi bị run

75,5%

18,9%

3,8%

1,9%

1,32

0,64

Những triệu chứng lo âu thể hiện nhiều nhất ở những phụ nữ bị mua bán là “lo lắng về những tình huống có thể làm tôi hoảng sợ hoặc bị biến thành trò cười” (ĐTB = 3,64); tiếp theo là triệu chứng “hay sợ vô cớ” (ĐTB = 3,26); và “cảm thấy khiếp sợ”, “rơi vào sự việc khiến tôi rất lo lắng và tôi chỉ dịu lại khi sự việc đó đã qua đi” cùng có ĐTB=3,23. Chỉ có khoảng 1/3 phụ nữ cảm thấy “bị run”, “run tay chân” hay “gần như bị ngất với ĐTB đều <2,0. Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý. Trong trường hợp này, đối với những nạn nhân bị sang chấn tâm lý hoặc tổn thương sức khoẻ dẫn đến mất trí nhớ, người tiến hành tố tụng cần ưu tiên giúp nạn nhân phục hồi sức khoẻ và tâm lý trước, sau khi sức khoẻ của họ ổn định thì tiến hành các thủ tục tố tụng sau. Đối với trường hợp nạn nhân bao che cho tội phạm, lực lượng thực thi pháp luật không nên doạ dẫm việc nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Thay vì đó, nạn nhân nên được giải thích về nghĩa vụ hợp tác và vai trò đặc biệt quan trọng của mình để giúp đưa đối tượng phạm tội ra trước pháp luật, từ đó cứu được những người vô tội khác. Đối với trường hợp nạn nhân tự nhận mình là nạn nhân bị mua bán để được nhận hỗ trợ, cần lưu ý rằng trường hợp này có xảy ra trong thực tế, tuy nhiên không phổ biến. Bởi lẽ, một khi được coi là nạn nhân bị mua bán, người đó sẽ phải hợp tác với cơ quan điều tra, bị lấy lời khai và phải có nghĩa vụ liên quan trong tố tụng hình sự với tư cách bị hại.

Không chỉ về mặt sức khoẻ thể chất hay tinh thần, các mối quan hệ trong xã hội và kỹ năng thiết lập những mối quan hệ đó cũng suy yếu dần. Từ đó, nhận thấy rằng sự mất mát trong mối quan hệ làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần đã có từ trước đối với nạn nhân, nó là chất xúc tác cho sự khởi đầu của các thách thức về sức khỏe tâm thần như vấn đề về hội chứng tâm lý rối loạn lo âu xã hội. Những nạn nhân bị của các vụ án mua bán người gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác. Khi sự ngờ vực kéo dài, nó tạo thành một rào cản lớn cần phải vượt qua để tạo ra một mối quan hệ thân thiết, lành mạnh. Những suy nghĩ và ký ức tiêu cực có thể khiến họ nghĩ rằng người khác đang lừa dối, có ý đồ xấu đối với họ. Thông thường, một người mắc chứng lo âu xã hội sẽ không tin bất cứ điều gì. Điều này tạo ra khoảng cách lạnh lùng và “bóp chết” sự thân thiết.

Hậu quả thường thấy của việc bị tổn thương về kỹ năng thiết lập mối quan hệ trong xã hội là tình trạng hạn chế khả năng giao tiếp, từ đó dẫn tới các mối quan hệ xã hội của nạn nhân đi theo chiều hướng tiêu cực. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống thường nhật và có thể ảnh hưởng sâu xa hơn tới tương lai của các nạn nhân. Nạn nhân của các vụ mua bán người chịu tổn thương tâm lý ở những mức độ khác nhau sẽ có cách tiếp cận với các mối quan hệ xã hội khác nhau và ít hoặc nhiều sẽ có những khó khăn nhất định về kỹ năng thiết lập mối quan hệ xã hội.

4. Kết luận

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực trạng mức độ tổn thương tâm lý của nạn nhân là nữ giới trong các vụ án mua bán người cho thấy: Phần lớn nạn nhân trong các vụ án mua bán người chịu những tổn thương tâm lý nhất định về các mặt: thể chất, cảm xúc, trầm cảm, sự lo lắng, stress và những khó khăn, trở ngại tâm lý khi thiết lập mối quan hệ xã hội. Trong đó họ thường xuyên phải gánh chịu những rào cản tâm lý từ những định kiến, phân biệt đối xử của người thân, gia đình, bạn bè, hàng xóm và nhiều mối quan hệ xã hội do hệ quả của việc bị mua bán trước đây gây ra. Họ phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức tồi tệ và phi nhân tính, ăn uống kham khổ thậm chí bị bỏ đói, bị bạo hành và lạm dụng, không được chăm sóc y tế hay tiếp cận bất kỳ hình thức hỗ trợ nào. Nhiều nạn nhân của các vụ mua bán người bị bóc lột trong những hoàn cảnh hết sức dã man trong một thời gian dài, thường là kéo dài nhiều năm. Vì vậy, việc chỉ ra các biện pháp nhằm tham vấn, hỗ trợ, xoa dịu tổn thương tâm lý của nạn nhân là nữ giới trong các vụ án mua bán người là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng giúp họ chủ động ứng phó với những tổn thương tâm lý mà họ đang đối mặt đồng thời thúc đẩy quá trình hòa nhập cuộc sống của họ diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo

  • ASEAN (2015). Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người (ACTIP).
  • Bouché, V. (2018). Vai trò của công nghệ trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ: Đại học Texas Christian.
  • Phạm Quang Trung, Trần Xuân Hòa & Lê Thanh Hằng (2023). Tổn thương tâm của nạn nhân trong các vụ án mua bán người và vấn đề đặt ra trong công tác hỗ trợ họ trở về hoà nhập cộng đồng. Hà Nội: Học viện Cảnh sát nhân dân.
  • Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (1994). Cẩm nang chẩn đoán và phân loại các bệnh rối loạn tâm thần (DSM-IV). Arlington, Virginia, Hoa Kỳ: Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ.
  • Larrousse (1997). Grand Dictionnaire de la psychologie (Đại từ điển tâm tâm học). Pháp: Éditions Larousse
  • Nguyễn Hữu Thụ (2012). Tổn thương tâm lý ở nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hà Nội: Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  • Surtee, Rebecca & Johnson, L.S. (2021) Bảo vệ nạn nhân buôn người và Hỗ trợ: Hướng dẫn cho các cán bộ thực thi. Băng Cốc: Văn phòng Hỗ trợ Khu vực của Tiến trình Bali (RSO) và Viện NEXUS, thành phố Washington, DC
  • Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ quốc phòng & Bộ Tư pháp (2013). Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP- BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
  • Văn Thị Kim Cúc (2003). Tổn thương tâm lý của thiếu niên do cha mẹ li hôn. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
  • Vũ Dũng (2008). Từ điển Tâm học. Hà Nôi: Nxb Từ điển Bách Khoa
  • Wojciszke, B., Chwojnicka, D., Krut, K., Mierzejewskai, M & Piasecka, I. (1998). Basic Emotions Scale. Poland
  • World Vision, UN-ACT & Viện NEXUS (2016). Hỗ trợ việc tái hòa nhập của nạn nhân bị buôn bán: Tài liệu hướng dẫn dành cho khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

[Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam, 14-23, 25]

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính