Thông điệp về hôn nhân và gia đình trên báo chí truyền thông

Bài báo khoa học của tác giả Phạm Võ Quỳnh Hạnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Empty

Tóm tắt: Hôn nhân và gia đình là chủ đề “nóng” được đề cập thường xuyên trên báo chí truyền thông dưới nhiều khía cạnh phong phú. Nghiên cứu này tìm hiểu xem chủ đề nào về hôn nhân-gia đình được đề cập đến nhiều, hình ảnh nam và nữ xuất hiện trong gia đình như thế nào, cụ thể: vai trò trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình được gán cho ai, thủ phạm và nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình là ai, phân công lao động theo giới trong gia đình được phản ánh như thế nào trên các loại hình báo chí truyền thông. Thông qua nghiên cứu nhằm khắc phục và loại bỏ dần các định kiến giới trong thông điệp truyền thông, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. 

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, báo chí truyền thông ở Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Đây là phương tiện tác động vào xã hội bằng thông tin qua hình ảnh, thông điệp để từ đó hình thành ý thức xã hội, góp phần làm thay đổi hành vi xã hội của con người. Sự tác động của báo chí truyền thông đến nhận thức, thái độ và hành vi của con người phần lớn là tích cực, nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế.

Những nghiên cứu về giới và báo chí truyền thông cho thấy, một mặt, truyền thông có tác động rất lớn tới công chúng trong việc nâng cao nhận thức, thái độ về bình đẳng giới, song nó cũng góp phần duy trì các định kiến giới trong xã hội, nhất là trong việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ.

2. Mô tả nghiên cứu

Để triển khai thực hiện những mục tiêu trên, bài viết đã sử dụng một số kết quả nghiên cứu của Đề tài: “Bình đẳng/Bất bình đẳng giớitrong thông điệp truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay” do Khoa Xã hội học –Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Viện Fes (Friedrich-Ebert- Stiftung của Đức) thực hiện. Trong đó, đề tài đã sử dụng phương pháp phân tích nội dung văn bản (phân tích nội dung tin/bài) dựa trên việc định lượng tối đa các nội dung thông qua bảng mã được xây dựng.

Empty

Việc chọn mẫu được thực hiện đối với đại diện của 4 loại hình báo chí truyền thông (báo in, báo phát thanh, báo mạng và báo hình) có số lượng độc giả, khán thính giả cao. Nghiên cứu tiến hành thu thập thông tin của 30 ngày liên tục phát, đăng tải của 4 loại phương tiện trên trong thời gian từ tháng 5-8/2015 với tổng số 400 tin/bài. Cụ thể phân tích tin/bài của các loại hình báo chí truyền thông sau:

Bảng 1. Cơ cấu mẫu điều tra ở bốn loại hình báo chí truyền thông

Loại hình báo chí truyền thông

Loại báo/chương trình phân tích

Số lượng mẫu lấy để phân tích

1. Báo viết

Nhân dân

50

Tiền phong

50

2. Báo điện tử

Dantri.com.vn

50

Vnexpress.net

50

3. Phát thanh

VOV1(chương trình thời sự phát hồi 19h)

100

4. Truyền hình

VTV1(chương trình thời sự phát hồi 18h)

100

Tổng đơn vị lấy mẫu để phân tích

400

Để đo thông điệp truyền thông về hôn nhân và gia đình, nghiên cứu đã tập trung xem xét các khía cạnh cụ thể như: Chủ đề nào trong các chủ đề sau: kết hôn, ly hôn, tảo hôn, hạnh phúc gia đình, mối quan hệ trong gia đình được đề cập nhiều.

Đồng thời, nghiên cứu cũng đưa ra các biến số liên quan tới chủ đề: Hạnh phúc gia đình, bạo lực gia đình, phân công lao động theo giới trong gia đình, qua đó để thấy được bức tranh về hình ảnh của nam giới và nữ giới được phản ánh trong thông điệp truyền thông.

3. Một số vấn đề được phát hiện trong nghiên cứu về hôn nhân, gia đình qua các thông điệp truyền thông

3.1. Sự phản ánh các chủ đề chính về hôn nhân và gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội. Một gia đình hòa thuận, an khang, hạnh phúc là nhân tố cho xã hội và đất nước cùng đi lên và phát triển bền vững. Đồng thời, gia đình là nơi nuôi dưỡng con người, môi trường quan trọng để hình thành và giáo dục nhân cách con người. Chính vì thế, vấn đề hôn nhân và gia đình ngày càng được xã hội quan tâm và được đề cập nhiều trên các loại hình báo chí.

Qua phân tích 400 mẫu nghiên cứu thu thập được từ 4 loại hình báo chí, có tới 166 tin/bài, chiếm tỷ lệ 41,5% đề cập tới vấn đề hôn nhân, gia đình (còn lại 234 tin/bài chiếm tỷ lệ 51,5% đề cập đến các vấn đề khác như kinh tế, chính trị). Đây là tỷ lệ không nhỏ đề cập tới các vấn đề khác nhau của gia đình như: hạnh phúc gia đình, mối quan hệ trong gia đình, bạo lực gia đình, ly hôn, kết hôn, tảo hôn…

Empty

Điều đó cho thấy, báo chí truyền thông đã phản ánh tầm quan trọng của chủ đề này, đồng thời cũng phản ánh được nhu cầu của công chúng mong muốn được thông tin về các vấn đề có liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Bảng 2. Các chủ đề chính về  hôn nhân, gia đình được đề cập đến trên báo chí truyền thông (%)

Nội dung

Tần suất

Tỷ lệ

Hạnh phúc gia đình

50

30,0

Mối quan hệ trong gia đình

48

29,0

Bạo lực gia đình

41

24,7

Ly hôn

17

10,3

Kết hôn

 

4,2

Tảo hôn

 

1,8

̉ng

166

100

Nguồn: Kết quả khảo sát đề tài “Bình đẳng/bất bình đẳng giới trong thông điệp truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay”

Trong rất nhiều chủ đề về hôn nhân và gia đình, số liệu phân tích cho thấy có một số chủ đề được đề cập nhiều hơn cả, bao gồm: Hạnh phúc gia đình, mối quan hệ giữa các thế hệ và giữa các thành viên trong gia đình và bạo lực gia đình.

3.2. Sự phản ánh về hạnh phúc gia đình

“Hạnh phúc gia đình là một phạm trù rộng và có rất nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra xuất phát từ những hoàn cảnh thực tế khác nhau. Các bài viết trên các loại hình báo chí truyền thông liên quan đến hạnh phúc gia đình có thể là các mẩu tin, bình luận, phỏng vấn, phóng sự, những tư vấn, trả lời thư bạn đọc.

Mặc dù đã dựa trên sự kiện nhân vật có thực để xây dựng nên sản phẩm báo chí, có không ít phóng viên thường lồng ghép chính những nhận định, phán xét mang tính chủ quan của mình vào các sản phẩm báo chí. Những phán xét, bình luận hay những lời khuyên của phóng viên, cộng tác viên, của các chuyên gia tâm lý về các sự kiện, hiện tượng liên quan đến hạnh phúc gia đình, nhiều khi đi theo một lối mòn mang tính định kiến giới.

Một trong những ví dụ điển hình của định kiến đó là ấn định về vai trò quan trọng của người vợ - người phụ nữ trong giữ gìn hạnh phúc gia đình, hơn là việc quy chiếu trách nhiệm này cho nam giới” (Dương Thị Thu Hương, 2010). Câu nói “Đàn ông xây nhà, bà xây tổ ấm” đã thường được nhắc tới khi phân tích, bình luận về trách nhiệm của vợ/chồng trong gia đình.

Nói đến hạnh phúc của gia đình là nói đến tình yêu, sự chia sẻ tâm lý, tình cảm giữa vợ và chồng. Đây là nhân tố quan trọng, then chốt tạo ra nền tảng cho sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, nghiên cứu muốn tìm hiểu xem trong các thông điệp truyền thông về quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình, ai có vai trò quan trọng trong xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình: Nam giới, nữ giới hay cả hai.

Khi bàn về vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình được gán cho ai? Phân tích các số liệu điều tra, có 56% tổng số các bài viết đề cập đến vấn đề này cho rằng đây là trách nhiệm thuộc về cả vợ và chồng. Điều này cho thấy đây là cái nhìn tiến bộ phù hợp với tiến trình phát triển và hội nhập đất nước.

Ngày nay, để duy trì và giữ gìn hạnh phúc trong gia đình thì vai trò đó không chỉ thuộc về riêng ai. Cả vợ và chồng cùng nhau gánh vác, cùng nhau chia sẻ khi đó hạnh phúc gia đình mới bền vững, dài lâu.

Empty

Bên cạnh những bài viết mang tính tích cực như vậy thì có 34,1% số bài viết cho rằng đây thuộc về trách nhiệm của một mình người vợ, trong khi đó chỉ có 9,1% số bài viết gán trách nhiệm này cho người chồng. Nếu như những thông điệp này cứ hiện diện thường xuyên trên sản phẩm truyền thông thì điều đó vô hình chung đã tạo ra cái nhìn thiên lệch của nhà báo, thông qua đó càng khắc sâu thêm gánh nặng cho người phụ nữ.

3.3. Sự phản ánh về bạo lực gia đình trên báo chí truyền thông

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người. Bạo lực gia đình được thể hiện dưới nhiều hình thức (bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục) và đối tượng khác nhau (như bạo lực giữa vợ và chồng; bạo lực giữa cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ; giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau). Chính vì vậy, đây là chủ đề được đề cập khá nhiều trên báo chí truyền thông.

Trong gia đình, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc phải chống được các xung đột gia đình/bạo lực gia đình. Ở Việt Nam hiện nay, trong nhiều gia đình, xung đột/bạo lực gia đình vẫn là vấn đề thường xuyên xảy ra. Trong một số gia đình, ở một số địa phương, bạo lực trong gia đình còn là hiện tượng khá phổ biến.

Chính vì điều này mà Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và liên tục sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên. Báo chí truyền thông có vai trò thế nào trong việc đăng tải các nội dung liên quan đến vấn đề này? Đây là vấn đề mà nghiên cứu muốn thông qua các tin /bài được đăng tải trên các loại hình báo chí truyền thông để đánh giá chính xác những vấn đề nghiên cứu về thông điệp truyền thông với chủ đề hôn nhân, gia đình.

Các biến số được xác định là: “Người bị bạo lực được nhắc đến là ai và chịu các hình thức bạo lực nào? thủ phạm gây ra bạo lực gia đình, nguyên nhân của bạo lực gia đình?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, báo chí đã phản ánh một thực tế là vấn đề này hiện vẫn còn tồn tại khá phổ biến và đa dạng trong xã hội. Đồng thời, đây cần được coi là một kênh thông tin hữu hiệu giúp các cơ quan chức năng có liên quan sớm nắm được tình hình để vào cuộc.

Bên cạnh đó, qua kênh thông tin này góp phần tạo nên dư luận xã hội nhanh chóng, mạnh mẽ, nhằm đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình ra khỏi đời sống xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (Dương Thị Thu Hương, 2010).

Khi xem xét nạn nhân bị bạo lực gia đình, thì cả bốn loại hình báo chí truyền thông đề cập đến phụ nữ với tư cách là nạn nhân của bạo lực. Số liệu tổng hợp từ nghiên cứu cho thấy 79,5% tổng số tin/bài đăng tải đề cập đến vấn đề hôn nhân và gia đình, phản ánh nữ giới như là nạn nhân của bạo lực đã được nhắc tới trên báo mạng. Trong khi đó nam giới chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 7,7%, và 12,8% là quy cho cả hai giới là nguồn gốc cùng gây ra bạo lực.

Cũng như vậy, khi xem xét về thủ phạm gây ra bạo lực gia đình thì nam giới thường xuyên được đề cập với tư cách là nhân vật chính gây lên bạo lực. Nam giới chiếm 64,1% là thủ phạm gây ra bạo lực được nhắc tới trên báo mạng trong khi đó chỉ có 17,9% là nữ giới được nhắc tới như là thủ phạm gây ra tình trạng bạo lực này.

Về hình thức bạo lực gia đình được đề cập tới trong nghiên cứu như: bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục thì đa phần phụ nữ là nạn nhân phải gánh chịu cả 4 loại hình bạo lực trên. Trong đó, hình thức bị bạo lực về thể xác đối với phụ nữ có số tin/bài đề cập (34 tin/bài trong tổng số 73 tin/bài) chiếm tỷ lệ cao nhất là 94,1%, tiếp đó là hình thức bị bạo lực về tinh thần với 31 tin/bài được nhắc tới chiếm 77,4%. Còn bạo lực về kinh tế (5 tin/bài) và bạo lực tình dục (3 tin /bài) được nhắc đến ít hơn so với hai hình thức bạo lực trên (Bảng 3).

Empty

Ngược lại, cũng với các hình thức bị bạo lực nói trên thì rất ít nam giới được nhắc tới họ là nạn nhân của bạo lực gia đình: chỉ chiếm 9,7% bị bạo lực về tinh thần và 5,9% bị bạo lực về thể xác (Bảng 3).

Bảng 3. Các dạng bạo lực và giới tính của nạn nhân bạo lực gia đình (%)

Các dạng bạo lực

Giới tính của nhân vật

Nam

Nữ

Cả hai

Số lượng bài viết

1. Bạo lực tinh thần

12,9

77,4

9,7

31

2. Bạo lực thể xác

0,0

94,1

5,9

34

3. Bạo lực kinh tế

0,0

100

0,0

 

4. Bạo lực tình dục

0,0

100

0,0

 

Khi nhìn vào các nguyên nhân bạo lực được nêu ra trên báo chí truyền thông có rất nhiều nguyên nhân thuộc về lỗi nam giới. Trong đó, nguyên nhân về rượu, cờ bạc, ma túy; mâu thuẫn giữa vợ-chồng và nguyên nhân ngoại tình là những nguyên nhân có số tin/bài được nhắc đến nhiều hơn cả so với các nguyên nhân khác.

Hình ảnh người phụ nữ không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà họ còn là nạn nhân của bạo lực với nhiều nguyên nhân không phải hoàn toàn do lỗi của họ. Phần lớn phụ nữ bị bạo lực do các nguyên nhân từ hành vi rượu chè, cờ bạc, ma túy của người chồng, thiếu hiểu biết về pháp luật, những khó khăn về kinh tế, tư tưởng trọng nam khinh nữ, đang còn tồn tại trong xã hội và ngay trong chính bản thân nam giới.

Như vậy, có thể thấy rằng, báo chí truyền thông đã phản ánh được nhiều vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hôn nhân và gia đình, nhưng quan trọng hơn là cần có những thông điệp cụ thể gửi đến các địa chỉ cần thiết như các cơ quan chức năng, những người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết, những thiết chế xã hội có liên quan...

Qua những số liệu điều tra, phân tích cho thấy, chưa có nhiều tin, bài lên án một cách mạnh mẽ, gửi các thông điệp cụ thể, rõ ràng cho những đối tượng cần xử lý. Khi người bị bạo lực là nữ giới thì những thông điệp dành cho họ vẫn chỉ là những lời khuyên: nhẫn nhịn, khiêm nhường, hy sinh, chấp nhận.

Phụ nữ vẫn phải chịu những bất công như cũ. Rõ ràng, đang cần nhiều những phân tích, lý giải hợp lý, hợp luật hơn, cần có những tin/bài nhằm cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông giúp nam giới nhận thức đúng về hành vi của mình, góp phần giảm bớt bạo lực trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

3.4. Sự phản ánh về phân công lao động theo giới trong gia đình  trên báo chí truyền thông

Phân công lao động theo giới trong gia đình là chủ đề hấp dẫn được bàn luận khá nhiều trong các công trình nghiên cứu thực nghiệm và trên báo chí truyền thông. Vì nói đến gia đình thì không thể không nhắc tới vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên, cụ thể là của phụ nữ - người vợ và nam giới - người chồng.

Cùng với những tiến bộ xã hội mà cách mạng khoa học công nghệ mang lại, ngày càng có nhiều công cụ, vật dụng giúp con người giảm nhẹ sức lao động trong công việc gia đình. Mặc dù tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã giảm dần trong xã hội, nhưng một nghịch lý vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng ta, đó là quan niệm coi việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn là công việc của phụ nữ, những công việc này không mang lại giá trị kinh tế.

Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định: “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình... các thành viên nam nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình”. Song trên thực tế thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới. Nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện cho gia đình trong các công việc đối ngoại. Các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là “thiên chức” của phụ nữ.

Thực tế, tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở các mức độ khác nhau vẫn còn được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam. Điều này đã làm hạn chế không ít cơ hội học hành của trẻ em gái, cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và vươn tới các địa vị xã hội cao. Trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ kéo dài hơn nam giới. Sự chênh lệch này chủ yếu do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái bên cạnh vai trò sản xuất và công tác như nam giới.

Phân công lao động trong gia đình ở nhiều vùng miền trên cả nước còn mang tính chất phân biệt theo giới rõ rệt. Công việc vẫn tập trung vào vai người phụ nữ là chủ yếu. Vậy vấn đề này được đăng tải như thế nào trên các thông điệp truyền thông?

Nghiên cứu đưa ra các chỉ báo để đo mức phản ánh được thể hiện qua các thông điệp truyền thông. Cụ thể: ai là người có quyền quyết định các công việc trong gia đình? Nam giới có chia sẻ với nữ giới trong các công việc gia đình không? Các công việc trong gia đình thường được coi như thiên chức tự nhiên của nữ giới có được tính là các hoạt động tạo ra giá trị kinh tế giống nam giới đi làm ở ngoài xã hội hay không?

Qua thống kê về phân công lao động theo giới trong các tin/bài của các loại hình báo chí truyền thông, phản ánh có sự chênh lệch rất lớn giữa nam và nữ về “Vai trò dạy dỗ con cái” và “Công việc nội trợ, chăm sóc gia đình”. Với hai vai trò trên nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao. 71% nữ giới tham gia vào việc dạy dỗ con cái, trong khi nam giới chỉ chiếm 21,1%.

Empty

Tương tự như vậy, 79% nữ giới thực hiện vai trò làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình thì chỉ có 11,3% nam giới tham gia vào việc thực hiện những công việc này. Ngoài ra, với vai trò lo những việc lớn trong gia đình thì trách nhiệm gách vác lại thuộc về cả nam (chồng), nữ (vợ) với tỷ lệ gần như tương đương nhau 47,1% nam giới và 50% đối với nữ giới (Bảng 4).

Điều đó cho thấy rằng, người phụ nữ là người phải gánh vác hầu hết các công việc trong gia đình từ việc nhỏ nhất đến việc được coi như là của nam giới. Điều này vô hình chung sẽ tạo thêm gánh nặng cho người phụ nữ vì cùng một lúc họ phải đảm nhiệm cả công việc trong gia đình và ngoài xã hội và hai công việc này đều được thừa nhận như những công việc chính của người phụ nữ.

Như vậy, phụ nữ xuất hiện với vai trò là người đảm nhiệm chính hầu hết các công việc trong gia đình. Có thể, đây là tình hình thực tế của xã hội mà báo chí đã phản ánh. Tuy nhiên, phải phản ánh thế nào để người đọc không xem nó như là khuôn mẫu, là chuẩn mực xã hội đúng cần phải duy trì và noi theo.

Báo chí cần có cái nhìn tích cực hơn khi đăng tải các hình ảnh liên quan tới vai trò của cả hai giới trong gia đình. Cần chia sẻ nhiều hình ảnh của hai giới trong các công việc gia đình để công chúng cùng nhận thức rõ đó là trách nhiệm thuộc về cả hai, góp phần xóa bỏ những định kiến lạc hậu đã tồn tại bấy lâu.  

Bảng 4. Vai trò của nam giới và nữ giới được nhắc đến trong các tin/bài ở cả 4 loại hình báo chí (%)

Vai trò

Giới tính của nhân vật

Nam

Nữ

Cả hai

Tổng số tin/bài viết

Lo những việc lớn trong gia đình (trụ cột gia đình)

47,1

50,0

2,9

34

Công việc nội trợ và chăm sóc gia đình

11,3

79,0

9,7

62

Dậy dỗ con

21,1

71,0

7,9

38

Nguồn: Khảo sát đề tài bình đẳng/bất bình đẳng giới trong thông điệp truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay

4. Kết luận

Thông điệp về hôn nhân và gia đình trên cả bốn loại hình báo chí truyền thông cho thấy chủ đề hôn nhân và gia đình là chủ đề được quan tâm và đề cập nhiều nhất trên báo mạng. Các nội dung liên quan đến hôn nhân, gia đình được đề cập tập trung vào một số nội dung chính như: hạnh phúc gia đình, các mối quan hệ trong gia đình, bạo lực gia đình, ly hôn.

Ở đây, ngoài việc phản ánh thực trạng hôn nhân gia đình và phân công lao động theo giới, các loại hình báo chí truyền thông, nhất là báo mạng đã phản ánh hình ảnh phụ nữ theo những khuôn mẫu, định kiến đang tồn tại sẵn trong xã hội và trong ngay cả một số nhà báo. Với những nguyên nhân khách quan của thực tại xã hội hay những nguyên nhân chủ quan từ phía nhà báo, thì hình ảnh của người phụ nữ trên sản phẩm báo chí truyền thông cần được loại bỏ đi những định kiến thiên lệch.

Đây là điều cần phải chú ý trong quá trình thông tin, giáo dục, truyền thông để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện công cuộc giải phóng triệt để cho phụ nữ trong cả hiện tại và tương lai.n

Phạm Võ Quỳnh Hạnh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

______________________________________

Tài liệu trích dẫn

Luật Bình đẳng giới. 2019. Nxb. Chính trị Quốc gia.

Luật Hôn nhân và Gia đình. 2016.  Nxb. Hồng Đức.

Dương Thị Thu Hương. 2010. Thông điệp Bình đẳng-Bất bình đẳng giới về hôn nhân và gia đình được đề cập trên truyền thông đại chúng. Báo cáo.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 2, năm 2019

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính