Câu chuyện của Thượng úy Nguyễn Đình Đức (công tác tại Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) và chị Võ Thị Thanh quê ở Nghệ An khiến nhiều người xúc động và thương cảm.
Kết hôn từ năm 2020 nhưng đến nay, sau 3 năm mong ngóng con yêu anh chị vẫn chưa một lần được cảm nhận hạnh phúc làm cha làm mẹ bởi những rào cản cả về kinh tế và khoảng cách địa lý xa xôi cách trở giữa hai vợ chồng.
Thời điểm vợ chồng anh Đức mới cưới, chị Thanh chấp nhận bỏ công việc kế toán ở quê nhà để ngược lên vùng Tây Bắc bắt đầu một cuộc sống mới của hai vợ chồng. Khi đó anh Đức đóng quân tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, còn chị Thanh lại làm việc và sinh sống ở thành phố Lai Châu.
Đúng thời điểm dịch Covid năm 2020-2021 bùng phát, thêm khoảng cách gần 400km giữa hai vợ chồng nên cơ hội vợ chồng gần gũi nhau là rất ít. Chị Thanh chia sẻ, có những thời điểm 7- 8 tháng hai vợ chồng không gặp nhau,chị phải một mình bắt xe vào đơn vị để gặp chồng với mong muốn sớm có tin vui nhưng niềm mong mỏi đó vẫn không thành hiện thực.
Năm 2022 vợ chồng anh Đức chị Thanh bắt đầu xuống Hà Nội thăm khám sức khỏe sinh sản, bác sĩ chẩn đoán anh Đức bị tinh trùng yếu, dị dạng nhiều; chị Thanh gặp tình trạng vòi trứng phải thông hạn chế, khó có con tự nhiên. Dù cố gắng giấu nỗi buồn nhưng cả hai vợ chồng nhiều lúc không tránh khỏi những chạnh lòng khi ngôi nhà nhỏ chưa có tiếng khóc cười của con yêu.
Hay như hoàn cảnh của anh Trung úy Nguyễn Văn Đồng (đang công tác tại Sư đoàn 395 - Quân khu 3) và vợ là chị Đinh Thị Lan Anh (quê Thái Bình). Sau khoảng thời gian yêu nhau 2 năm, năm 2019 anh Đồng và chị Lan Anh tiến tới hôn nhân, cùng nhau xây dựng mái ấm nhỏ với ước mong sẽ sớm có con, được làm cha làm mẹ.
Nhưng 6 tháng sau kết hôn mà con yêu chưa tới, lo lắng về tình hình sức khỏe sinh sản, vợ chồng anh chị bắt đầu đi thăm khám và được bác sĩ kết luận chị Lan Anh bị buồng trứng đa nang và kê thuốc điều trị về nhà uống. Sốt ruột chuyện con cái, hai vợ chồng chị tìm đến những bài thuốc lá, ai mách đâu có thuốc hay thầy giỏivợ chồng anh chị cùng tìm đến, nhưng đợi mãi con yêu vẫn chưa về.
Thấm thoắt 3 năm trôi qua, đầu năm 2023 hai vợ chồng đi thăm khám lại sức khỏe sinh sản và được và chỉ định làm Thụ tinh nhân tạo – Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Thế nhưng, sau 3 lần IUI không kết quả lấy đi cả sức khỏe thể chất và tinh thần của vợ chồng anh chị.
'Yêu thương lan tỏa' là chương trình do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức nhằm hỗ trợ các cặp gia đình quân nhân hiếm muộn mong con. Đó chính là niềm hi vọng mới của của các cặp vợ chồng quân nhân vẫn đang mong mỏi sinh được em bé.
Biết được tình trạng sức khỏe của mình nhưng vợ chồng anh chị chưa một lần dám nghĩ đến việc can thiệp kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bởi rào cản về kinh tế gia đình. Là con trai út trong gia đình, bố anh Đức bị khuyết tật nặng, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhược cơ từ năm 2004, phải dùng thuốcđiều trị hàng ngày và mất khả năng lao động. Một mình anh Đức phải lo kinh tế gia đình nên haivợ chồng phải tạm gác lại hành trình tìm con của mình để tập trung kinh tế chăm lo cho bố mẹ già yếu.
Biết đến chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa" năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh Đức chị Thanh một lần nữa xuống Hà Nội thăm khám và hoàn thiện thăm khám và nộp hồ sơ xét duyệt. May mắn anh chị đã trở thành một trong 10 trường hợp được nhận quyết định hỗ trợ miễn phí 100% chi phí IVF từ Bệnh viện, trao hi vọng hiện thực giấc mơ tìm con của mình.
Còn với anh chị Lan Anh, hai vợ chồng chưa biết hành trình tìm con bao giờ sẽ thực hiện tiếp khi mà gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai của đôi vợ chồng trẻ. Biết được hoàn cảnh gia đình anh Đồng khó khăn, lãnh đạo đơn vị đã thông tin về chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa" 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hai vợ chồng đã gửi hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình nhận quyết định hỗ trợ 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) năm nay.
Chia sẻ tại lễ nhận quyết định hỗ trợ IVF, chị Võ Thị Thanh xúc động: "Đây thực sự là một món quà quá lớn, quá ý nghĩa với vợ chồng em. Chúng em sẽ cố gắng và hi vọng ước mơ được bế con yêu trên tay sẽ sớm trở thành hiện thực".
Năm 2023 là năm thứ 3 Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cùng Trung tâm phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện chương trình 'Yêu thương lan tỏa' hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn trong hành trình đi tìm con yêu của mình.
BS CKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, 2 năm 2021, 2022, chương trình đã hỗ trợ 20 gia đình quân nhân hiếm muộn thực hiện IVF, trong đó 17 em bé đã chào đời khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có những gói hỗ trợ 1 phần chi phí cho gần 60 trường hợp quân nhân hiếm muộn khác và hàng nghìn suất khám miễn phí, trao tặng voucher cho các gia đình đến Bệnh viện thăm khám.
Năm nay, ngoài 10 ca nhận quyết định hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn trao tặng 18 trường hợp gia đình quân nhân hiếm muộn được nhận hỗ trợ một phần chi phí thực hiện IVF. Tổng mỗi gói hỗ trợ cho mỗi trường hợp khoảng 20 – 30 triệu đồng, bao gồm: Miễn phí nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), tặng voucher 5.000.000VNĐ khi thực hiện dịch vụ Thụ tinh trong ống nghiệm, miễn phí thăm khám và giảm 20% chi phí xét nghiệm cận lâm sàng...
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: “Nhiều trường hợp quân nhân thường xuyên phải công tác xa gia đình, đặc biệt là những đồng chí công tác nơi tuyến đầu tổ quốc, vì đặc thù công việc mà chưa thể có con, muộn con. Chính vì vậy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình quân nhân để hành trình tìm con yêu được thuận lợi dễ dàng hơn. Hi vọng các gói hỗ trợ này sẽ tiếp tục là những khởi đầu tốt đẹp trên hành trình tìm con của các gia đình, để tiếng cười trẻ thơ sớm đến với các gia đình mong con. Chúng tôi muốn gửi thông điệp yêu thương đến các gia đình quân nhân hãy lạc quan, nỗ lực và vững tin vào ngày mai tươi đẹp, bởi nhất định con yêu sẽ về”.
Danh sách 10 gia đình được hỗ trợ TTTON miễn phí 100% trong chương trình Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa 2023.
Gia đình quân nhân: Nguyễn Thuyết (1992) - Bhướch Thị Út (1998) - Đơn vị: Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Gia đình quân nhân: Nguyễn Đình Đức (1993) - Võ Thị Thanh (1993) - Đơn vị: Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Gia đình quân nhân: Phạm Ngọc Điệp (1986) – Trần Thị Trà Giang (1991) - Đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh
Gia đình quân nhân: Phan Khắc Phương (1992) – Lê Thị Hằng (1996) - Đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh
Gia đình quân nhân: Nguyễn Văn Linh (1999) – Lê Thị Phương (1999) - Đơn vị: Sư đoàn 316 - Quân khu 2
Gia đình quân nhân: Nguyễn Viết Hiệu (1996) – Mai Thị Huyền (1996) - Đơn vị; Sư đoàn 316 - Quân khu 2
Gia đình quân nhân: Nguyễn Văn Đồng (1993) - Đinh Thị Lan Anh (1997)- Đơn vị; Sư đoàn 395 - Quân khu 3
Gia đình quân nhân: Hoàng Văn Phong (1994) - Phùng Thị Hằng (1996) - Đơn vị: Sư đoàn 3 - Quân khu 1
Gia đình quân nhân: Đào Thế Nam (1988) - Vũ Thị Thao (1988) - Đơn vị: Viện Khoa học – Công nghệ Quân sự
Gia đình quân nhân: Phạm Anh Tuấn (1990) – Nguyễn Thị Hoài (1998) - Đơn vị: Sư đoàn 324 - Quân khu 4